Đấy là vợ tôi nói. Chắc nàng vừa đọc facebook dân tình bên này chia sẻ nỗi ê chề vì tin “người nhà mình” “lại” buôn đồ ăn cắp (và ăn cắp nữa). Rõ chán.
Càu nhàu một lát, nàng lại quên ngay. Nàng rủ tôi dung dăng dung dẻ phố xá ngày cuối tuần rảnh rang hiếm hoi. Ngắm là chính, nhưng hôm nay tôi nghĩ cũng nhiều. Làm mấy cái ảnh, tìm mấy số liệu chia sẻ với độc giả về cái “dễ ăn cắp” ở Nhật.
Hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng bách hóa bày lung linh…
Quý khách cứ chọn và thử thoải mái. Nhân viên phục phục luôn cảm ơn, tư vấn, và luôn cười kể cả bạn hỏi chán rồi …xin phép đi.
Dù vậy, người mua hàng luôn ý thức khi chọn và sắp xếp đồ lại cho cửa hàng. Tại các cửa hàng đồ chơi, các bé mải mê ngắm, mải mê sờ mó, và không bao giờ…cầm nhầm dù rất thích.
Đồ bày trong cửa hàng bách hóa…
…hay bày ngoài đường, dường như cũng không cần người bán hàng phải đứng lăm lăm trông coi.
Người mua tự chọn và tự mang đồ vào phía trong để trả tiền. Vợ tôi – dân Đồng Xuân chính hiệu, cứ nắc nỏm mãi không chán câu: “Đúng thật là bán hàng ở Nhật cũng sướng mà đi mua đồ ở Nhật cũng sướng”.
Những chiếc ô sặc sỡ trưng bày dọc con phố mua sắm đông đúc ở một khu thương mại của Kichijoji. Tôi chưa tận mắt chứng kiến thấy ai chôm đồ. Báo chí cũng có thống kê rằng các vụ người già (Nhật) ăn cắp trong cửa hàng mỗi ngày một tăng. Cảnh sát cảnh báo: ăn cắp là phạm tội. Nhà nghiên cứu lý giải: họ ăn cắp do quá cô đơn.
Siêu thị…
…hay cửa hàng Uniqlo (với mặt hàng siêu nhẹ và giữ nhiệt người Việt rất ưa chuộng)…
…người mua không bao giờ phải gửi túi ngoài quầy, trong khi không có cổng điện tử kiểm tra đồ chưa bấm mã. Các cửa hàng cũng có camera an ninh, người Nhật kinh doanh bằng lòng tin, và người Nhật mua hàng bằng sự trung thực.
Người đi mua sắm lúc nào cũng đông. Số liệu báo chí lấy của cảnh sát nói năm 2013, có gần 3.200 người nước ngoài bị bắt vì phạm tội tại Nhật, tăng 133% so với năm trước đó, trong đó đa phần là ăn cắp vặt và móc túi. Có báo đưa, rất nhiều trong số này là người nhà mình. Thật buồn!
Anh Đào
Từ Tokyo