Cùng nhìn lại 10 HLV đã đạt được những thành tích ấn tượng trong năm 2013.
[justify][justify]Antonio Conte (Juventus)
Các chuyên gia bóng đá luôn cho rằng việc bảo vệ chức vô địch bao giờ cũng khó hơn rất nhiều so với việc giành chức vô địch lần đầu tiên. Nếu điều đó là đúng, HLV Antonio Conte hoàn toàn xứng đáng với những lời khen ngợi mà báo chí châu Âu dành cho ông trong thời gian qua.
Mùa giải thứ hai ở Juventus, Conte không bất bại, nhưng cái cách mà họ đi thẳng tới chức vô địch Serie A 2012-13 là hết sức thuyết phục. Sau trận hòa 1-1 trước đối thủ trực tiếp Napoli, Juventus đã giành 9 chiến thắng liên tiếp với các tỷ số lần lượt là 1-0, 2-0, 2-1, 2-1, 2-0, 1-0, 2-0, 1-0, 1-0. Không có những cơn mưa bàn thắng được nã vào lưới đối phương, nhưng 9 kết quả trên thể hiện một sự bền bỉ đáng nể mà không phải đại gia nào ở châu Âu cũng sở hữu.
Sir Alex Ferguson (Manchester United)
Những khó khăn mà David Moyes đang gặp phải khiến người ta hiểu ra rằng người tiềm nhiệm của ông, Sir Alex Ferguson đã có thành quả ấn tượng như thế nào trong mùa bóng cuối cùng ở Old Trafford. M.U ở thời điểm hiện tại không phải là một đội bóng hoàn hảo, họ có quá nhiều điểm yếu và khiếm khuyết, vậy mà Fergie vẫn có thể dẫn dắt Quỷ đỏ tới ngôi vô địch, bỏ xa đối thủ cùng thành phố Manchester City tới 11 điểm trên BXH.
Jupp Heynckes (Bayern Munich)
“Cú ăn ba” của Bayern Munich ở mùa bóng 2012-13 là một thành tích lịch sử, và trên con đường đến với 3 chức vô địch quốc gia và châu lục này, Hùm xám của HLV Jupp Heynckes đã có vô số chiến công đáng nể. Họ đánh bại Juventus và Barcelona ở tứ kết và bán kết Champions League với tổng tỷ số lần lượt là 4-0 và 7-0, trong khi bỏ xa Borussia Dortmund tới 25 điểm trên BXH Bundesliga.
Tại Bundesliga, Heynckes cũng giúp Bayern Munich xác lập đồng thời 3 kỷ lục: đội bóng vô địch với điểm số cao nhất, đội bóng vô địch với chêch lệch điểm số cao nhất và đội bóng vô địch sớm nhất lịch sử.
Stephen Keshi (Nigeria)
Giữa thập niên 90, Nigeria dường như đã trở thành một cường quốc bóng đá ở châu Phi. Họ vào đến vòng knock-out của World Cup 1994 và 1998 và giành HCV tại Olympics 1996. Tuy vậy trong vòng 15 năm sau, Nigeria đã chìm vào bóng tối khi liên tiếp có những thất bại tại CAN và World Cup. Họ đã trải qua tới 6 đời HLV chỉ trong 15 năm đó.
Tất cả chỉ thay đổi khi Stephen Keshi lên nắm quyền. Từ năm 2011 tới 2013, ông đã xây dựng một ĐT Nigeria vững mạnh với nòng cốt là những cầu thủ chơi ở giải quốc nội bên cạnh các ngôi sao sáng giá như John Obi Mikel và Victor Moses. Với lối chơi mạnh mẽ và hiệu quả, Nigeria đã thi đấu hết sức thuyết phục tại CAN 2013 và lên ngôi vô địch.
Jurgen Klopp (Dortmund)
Không may mắn cho thầy trò HLV Jurgen Klopp, Dortmund đã thất bại trên cả 3 mặt trận trước Bayern Munich. Họ không bảo vệ được ngôi vô địch, trở thành kẻ bại trận ở chung kết Champions League và cũng chỉ vào tới tứ kết cúp quốc gia Đức.
Tuy vậy Klopp đã rất xuất sắc trong mùa bóng vừa qua khi ông tiếp tục xây dựng một dàn cầu thủ trẻ, tài năng, nhiệt huyết chơi một thứ bóng đá đẹp mắt, chinh phục hàng triệu CĐV trên toàn thế giới. Ở trận cầu đáng chú ý nhất mùa giải, họ đã đánh bại Real Madrid 4-1 trên sân nhà nhờ 4 bàn thắng của Robert Lewandowski.
Philippe Montanier (Real Sociedad)
Trải qua một mùa giải 2011-12 quá tệ hại và chỉ trụ hạng thành công ở cuối mùa bóng, ít ai nghĩ rằng Real Sociedad có thể giành một suất dự Champions League ngay trong mùa bóng tiếp theo.
Nhưng HLV Philippe Montainer đã kịp xây dựng nên một Real Sociedad chắc chắn trong phòng ngự, mãnh mẽ, quyết liệt và dứt khoát trong phản công. Trong tay ông, Carlos Vela tìm lại được phong độ đỉnh cao, trong khi tài năng trẻ Antoine Griezmann cũng đã khẳng định được tài năng của bản thân anh. Kết quả, đội bóng xứ Basque đã lọt vào top 4 La Liga một cách hoàn toàn xứng đáng.
Vincenzo Montella (Fiorentina)
Tháng 7/2012, HLV Vicenze Montella được Fiorentina bổ nhiệm trong một cuộc “tổng cải cách” lớn nhất lịch sử, thay máu tới 80% cầu thủ đội bóng. Vậy nhưng dưới bàn tay huấn luyện tài tình của Montella, La Violet đã gặt hái được thành công gần như ngay lập tức khi về thứ 4 ở Serie A, chỉ kém nhóm dự Champions League đúng 2 điểm.
Không chỉ giành được thành tích tốt hơn, chiến thuật của Fiorentina cũng được cải thiện. Họ tập trung xây dựng lối chơi kỹ thuật đẹp mắt dựa trên nền tảng là những cầu thủ như Alberto Aquilani, Borja Valero, David Pizarro và Mati Fernandez. Người đứng sau cuộc thay máu này không ai khác chính là Montella.
Luiz Felipe Scolari (Brazil)
Tất nhiên, Brazil mới chỉ vô địch Confederations Cup, nhưng nếu so sánh thành tích của Scolari với người tiền nhiệm Mano Menezes, người ta sẽ thấy nể phục những gì mà chiến lược gia 64 tuổi đã làm được cho đội bóng xứ Samba.
Dưới thời Menezes, Brazil chưa bao giờ có một chiến lược, chiến thuật cụ thể, trong khi Scolari đã vạch ra đường lối phát triển ngay từ đầu. Ông trọng dụng những tài năng trẻ như Neymar, Oscar, trao cơ hội cho những tài năng sáng giá như Bernard, Willian trong khi vẫn tạo chỗ đứng cho những cầu thủ có thực lực nhưng không nổi tiếng như Paulinho, Fred hay Luiz Gustavo. Chiến thắng 3-0 của Brazil trước Tây Ban Nha ở chung kết Confederations Cup là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đổi thay của Seleccao dưới thời Scolari.
Diego Simeone (Atletico Madrid)
Cạnh tranh với hai trong số những đội bóng lớn nhất châu Âu, Barcelona và Real Madrid không dễ chút nào, nhưng dưới thời Diego Simeone, Atletico Madrid đã nhanh chóng vươn mình trở thành một thế lực thứ ba có thể sánh ngang với hai gã khổng lồ truyền thống của bóng đá Tây Ban Nha.
Lối chơi của Atletico không phải lúc nào cũng đẹp mắt. Đạo quân của Simeone chơi bóng khá giống phong cách của ông khi còn là cầu thủ: dữ dội, quyết liệt, không ngại va chạm và vô cùng thực dụng. Chiến thắng trước Real Madrid ở chung kết Copa del Rey ngay tại thánh địa Santiago Bernanbeu là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất của Atletico Madrid trong mùa bóng vừa qua.
Paul Put (Burkina Faso)
Trước khi HLV người Bỉ đưa Burkina Faso vào tới trận chung kết CAN 2013, đội bóng châu Phi mới thắng đúng 1 trận trong lịch sử tham dự giải đấu này, cách đây đã 15 năm. Tuy vậy, Paul Put đã giúp Burkina Faso vượt qua một vòng bảng cực khó (gồm Nigeria, Ethiopia và Zambia), trước khi đánh bại Togo và Ghana ở tứ kết và bán kết.
Ở trận chung kết, Burkina Faso đã thất bại trước một Nigeria toàn diện hơn, nhưng những gì mà Paul Put làm được với quốc gia vốn được coi là “tý hon” của bóng đá thế giới này quả là đáng kinh ngạc.[/justify]
[/justify]