>> Hơn 300 người bị ngộ độc thức ăn khi đi đám cưới
>> Sau bữa cơm trưa, 40 nữ công nhân ngất xỉu
Sáng 24/5, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc, về việc nhiều người sau khi ăn bánh mì có dòi mua tại một tiệm bánh ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã phải nhập viện cấp cứu.
Ngay trong ngày, địa chỉ bạn đọc cung cấp được xác minh là tiệm bánh Hồng Phát, tại số 46 Nguyễn Văn Tiết, khu phố Bình Hòa, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An. Một người đàn ông ngồi trước tiệm bánh cho biết tên là Cường, quản lý tiệm bánh.
Dòi lúc nhúc trong khay patê (ảnh lớn) và cơ sở Hồng Phát (ảnh nhỏ). Ảnh do cơ quan chức năng cung cấp |
Ngay sau đó, PV đã liên hệ Đội Cảnh sát Kinh tế Công an thị xã Thuận An để làm rõ vụ việc và được xác nhận: Có 11 người của Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics (KCN Việt Nam – Singapore 1, thị xã Thuận An) ăn bánh mì có dòi của tiệm Hồng Phát đã phải đi cấp cứu tại Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm (thị xã Thuận An). Khi phóng viên chất vấn vì sao lại giấu nhẹm thông tin trên, ông Cường lúng túng: “Em đưa tiền xăng cho anh về, anh bỏ qua vụ này chứ đăng báo, tiệm em mất uy tín lắm”!
Theo xác minh, gần 20h ngày 23/5, sau khi ăn bánh mì trên, các nhân viên tạp vụ của Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics có triệu chứng ói, đau bụng, tím tái và được đưa đi cấp cứu. Phía Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics lập tức cấp báo vụ việc trên cho Công an thị xã Thuận An. Khoảng 21h cùng ngày, Cảnh sát Kinh tế thị xã Thuận An kết hợp Trung tâm Y tế thị xã Thuận An đã ập vào kiểm tra bất ngờ tiệm Hồng Phát. Tại thời điểm kiểm tra, công an phát hiện khay đựng patê có rất nhiều dòi đang bò lúc nhúc.
Theo lời khai của ông Cường, mỗi ngày, ông mua khoảng 2 kg patê từ một mối quen ở chợ Lái Thiêu về để bán bánh mì. Ngày 23/5, trước thời điểm xảy ra sự cố trên, tiệm bánh của ông đã bán hết 1,5 kg.
Chiều 24/5, nhân viên Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm cho biết sau khi tiếp nhận, phòng khám đã sơ cứu, truyền nước biển, chích thuốc cho các bệnh nhân. Sau một đêm điều trị, các bệnh nhân đã xuất viện.
Mở tiệm lậu! Theo biên bản kiểm tra của Công an thị xã Thuận An, cơ sở bán bánh mì Hồng Phát không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở này hoạt động từ tháng 2/2011 nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép kinh doanh cũng như giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm Y tế thị xã Thuận An đã lấy các mẫu patê, thịt heo quay, chả lụa, thịt nguội… (làm nhân bánh mì) của tiệm bánh Hồng Phát để kiểm tra, làm cơ sở xử lý vụ việc. |