[size=4]Richard Jordan có mọi thứ: ô tô, nhà mới và một vị hôn thê. Nhưng rồi “nàng” bỏ đi, anh bán tất cả mọi thứ, mua một chiếc Lamborghini Gallardo và chu du khắp nước Mỹ. Một câu chuyện kỳ lạ.
Hành trình của Richard là gần 150.000km trên khắp nước Mỹ, được thực hiện với xe Lamborghini Gallardo, loại xe mà ít người dùng để chạy đường trường.
Câu chuyện bắt đầu vào đầu năm 2006. Sau 5 năm hẹn hò, Richard đã cầu hôn bạn gái, mua một ngôi nhà mới ở ngoại ô Bắc Texas. Để chuẩn bị cho cuộc sống mới đó, anh đã bán cơ sở luyện kim, nhà cũ và vài chiếc ô tô. Nhưng rút cục, vị hôn thê lại bỏ anh ra đi.
“Tôi mua một ngôi nhà và lên kế hoạch cùng nhau chuyển tới đó sinh sống, nhưng cô ấy đã bỏ đi,” Richard kể. “Vậy là tôi mắc kẹt với ngôi nhà mà tôi chẳng muốn ở nữa. Đó là một nỗi đau trong tim. Nên tôi đã mua chiếc xe và chu du đây đó.”
Mất vài tháng Richard mới bán xong hầu hết tài sản của mình, trong đó có ngôi nhà mới. Cộng thêm số tiền tiết kiệm, anh mua được một chiếc Lamborghini Gallardo màu đen, giá 180.000 USD (trả trước 90.000 USD) vào ngày 4/6/2006.
Chiếc xe sở hữu động cơ V10 công suất 512 mã lực, có khả năng tăng tốc 0-100km/h chỉ trong 4 giây và đạt tốc độ cực đại hơn 300km/h.
Richard chọn đúng Ngày Độc lập của Mỹ (4/7) để bắt đầu hành trình… làm lại cuộc đời.
Lên đường
Với một trong những chiếc xe nhanh nhất thế giới, Jordan bắt đầu hành trình chu du khắp nước Mỹ. Trong hơn một năm, anh lái xe đi khắp nơi, sống trong những khách sạn nhỏ dọc đường và kết bạn mới. Anh đã đi xuyên nước Mỹ tới 3 lần.
“Tôi có cảm giác mình thực sự không có nhà, chẳng đâu an toàn bằng chiếc Lambo,” Richard nói.
Hành trình này đã khiến Richard lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, nhiều lần anh suýt mất cả ngôi nhà mua trả góp ở Dallas, tài sản cuối cùng còn lại của anh.
Xuyên suốt hành trình, không ít lần Richard không kiềm chế được mong muốn cho chiếc Lamborghini chạy hết tốc lực. Kết quả là anh nhận được 53 vé phạt tốc độ.
Anh cũng gặp chút rắc rối với cảnh sát khi đăng ký xe của anh quá hạn một ngày và họ phát hiện trên xe có một khẩu súng. Họ nghĩ anh đang vận chuyển ma tuý. Nhưng anh giải thích rằng súng chỉ là để phòng thân vì anh chu du khắp nơi trên một chiếc xe đắt tiền (Luật pháp Mỹ cho phép dân thường sở hữu súng).
Anh được thả sau khi nộp phạt 25.000 USD cho tất cả các lỗi.
Dù cuộc sống là chuyển từ phòng khách sạn này sang khách sạn khác, nhưng Richard vẫn không quên trách nhiệm gia đình. Anh vẫn có mặt và nhiệt tình giúp đỡ trong lễ cưới của em họ.
Công-tơ-mét chỉ 91.807 dặm
Hầu hết mọi người không dùng những chiếc ô tô đắt tiền như Lamborghini làm phương tiện đi lại hàng ngày. Chiếc Lamborghini Gallardo sử dụng nhiều nhất được rao bán trên eBay Motors là một chiếc đời 2004, đã chạy 38.835 dặm (62.500km), còn lại đa số chỉ chạy dưới 10.000 dặm (16.000km).
Trong khi đó, kết thúc hành trình xuyên Mỹ, công-tơ-mét trên chiếc Lamborghini Gallardo của Richard dừng lại ở con số 91.807 dặm, gần 148.000km
“Tôi không đủ tiền mua một chiếc xe như thế chỉ để chạy vào cuối tuần,” Richard giải thích. “Sự khác biệt giữa quan điểm duy vật và không là khi bạn sử dụng những gì bạn có.”
Với Richard, tốt hơn hết là khai thác hết giá trị của chiếc Lamborghini. Thậm chí anh còn thấy ngạc nhiên khi mọi người nghĩ rằng với một chiếc xe đắt tiền như Lamborghini thì không nên sử dụng nhiều.
“Với tôi, sẽ là lãng phí nếu không sử dụng nó. Với bất cứ thứ gì… Tôi có thể ăn uống đạm bạc để có tiền mua xăng, miễn là chiếc xe không bị giam trong 4 bức tường,” anh nói.
Với suy nghĩ đó, Richard đã chu du khắp nước Mỹ trên chiếc Lamborghini Gallardo. Kết quả là nhiều phụ tùng bị hỏng. Chiếc xe giờ đây mất giá nhiều và ngân hàng từ chối cho anh vay tiền.
Tuy nhiên, nếu so với nỗi đau tinh thần đã đẩy Richard tới quyết định bán gần hết tài sản để mua xe, thì việc chiếc xe bị hỏng như vậy sau khi kết thúc hành trình với anh cũng không quá nặng nề.
“Nó hoạt động mỗi ngày và chưa bao giờ hỏng giữa đường,” Richard quả quyết. “Nó vượt quá sự mong đợi của tôi.”
Sau hành trình, dù tạm thời không thể tiếp tục sử dụng chiếc Lamborghini, nhưng Richard không xem đó như một sự kết thúc của một hành trình, mà là bắt đầu một hành trình mới. Anh mở một cửa hàng ở Dallas với kế hoạch chế tạo những chiếc mô-tô và siêu mô-tô "độ".
Anh định sẽ sửa hoặc thay động cơ cho chiếc Lamborghini khi có đủ tiền, còn trước mắt, anh để chiếc xe ngay giữa văn phòng mới, để bạn bè và các khách hàng tiềm năng thoải mái chiêm ngưỡng.
Chiếc Lamborghini của anh có thể không bao giờ lăn bánh trở lại, nhưng Richard không hối tiếc với quyết định của mình. Anh nói rằng anh thấy may mắn khi có thể bỏ mọi thứ lại phía sau và trải nghiệm điều mà nhiều người rất mong muốn nhưng đa số không dám thực hiện
[/size]