[justify]
Ba ngày giao lưu của Omar Borkan Al Gala tại Việt Nam đã kết thúc với hàng loạt những lùm xùm và những lời chỉ trích từ dư luận. Một cái kết buồn cho một sự kiện tưởng chừng được rất nhiều người mong đợi.
Có lẽ, giờ này Omar đã yên vị trên quê hương của anh. Và có thể, anh không hề hay biết những ồn ào mà anh đã tạo ra ở Việt Nam. Cũng có thể, đến khi trở về nước sau ba ngày giao lưu, Omar cũng không thể tìm ra được lý đích đáng cho sự có mặt của mình ở xứ sở mến khách đến cuồng nhiệt như ở Việt Nam.
Kỳ thực, để tìm được mục đích mời chàng trai đẹp Omar đến Việt Nam không phải là chuyện đơn giản với tất cả chúng ta. Bởi, ngoài cụm từ “trai đẹp bị trục xuất” mà báo chí Việt gắn cho Omar, người ta không thể thấy được điều gì khác hay ho từ chàng trai này.
Tuy vậy, anh vẫn trở thành “thượng khách”, vẫn là người truyền cảm hứng, người “Kết nối ước mơ”. Đại diện của Ban tổ chức cho rằng, chàng Omar đến Việt Nam là: "Mục đích chính của chúng tôi là muốn mang cảm xúc mới đến cho khán giả của mình. Đây là sự giao lưu, kết nối giữa các nhân vật được các bạn trẻ trên thế giới quan tâm với các bạn trẻ Việt Nam".
Nhưng Ban tổ chức muốn đem đến “cảm xúc” gì cho “khán giả của mình”? Chẳng lẽ đó là sự cuồng loạn, sự điên rồ vì nhìn thấy nụ cười, ánh mắt của…trai đẹp? Hay đó là niềm hân hoan và hạnh phúc đến điên cuồng khi được ăn tối cùng trai đẹp với cái giá 30 triệu đồng?
Hay cảm xúc mới đó là niềm hy vọng cứ sửa mũi, sửa cằm và biến mình thành con búp bê hoàn hảo, bạn sẽ trở thành một người nổi tiếng, được tiếp đón như một “ông hoàng”?
Rõ ràng, dù đã cố gắng “đánh tráo con chữ”, vận dụng sự mập mờ trong cách diễn đạt nhưng Ban tổ chức vẫn không thể tìm ra được một lý do chính đáng cho việc mời “trai đẹp” đến Việt Nam. Nó càng không thể che đậy được mục đích thực sự của hành động được cho là vô bổ của họ. Đó là mong muốn kiếm được “núi tiền” từ khao khát được thấy “trai đẹp” bằng da bằng thịt của một số bạn trẻ Việt.
Sự phản đối của dư luận một phần do “trai đẹp không lung linh như ảnh” nhưng cơ bản vì họ nhận ra sự vô nghĩa và chuộc lợi từ việc mời Omar đến Việt Nam. Hãy nhìn những hoạt động mà Omar tham gia sẽ thấy, tất cả đều liên quan đến…tiền. Đấu giá từ thiện những vật dụng của Omar, đấu giá để được ăn tối với “trai đẹp”. Ngay cả chương trình “Kết nối ước mơ" cũng lại tiếp tục…đấu giá. Dường như, các hoạt động của trai đẹp đều gắn liền với cụm từ đấu giá.
Mà đấu giá còn mục đích nào khác ngoài tiền? Liệu đó có thể coi là một hình thức “buôn bán” sắc đẹp. Và, những người đứng ra tổ chức chương trình là những “con buôn"?
Omar đặt chân đến Việt Nam để giao lưu với người hâm mộ ngày 11/9 |
Sự thất bại của "con buôn"?
Công bằng mà nói, Omar cũng chỉ là nạn nhân của mưu đồ kiếm tiền của những người tổ chức đón anh thăm Việt Nam. Bởi cái cụm từ “trai đẹp bị trục xuất” cũng là do chính những người Việt gắn cho anh. Hơn nữa, tất cả những việc anh làm cũng chỉ là việc thực hiện hợp đồng với Ban tổ chức. Ở góc độ nào đó, anh cũng chỉ là một “con cờ” trong tay của những người muốn lợi dụng sự nổi tiếng của anh để kiếm tiền.
Giới trẻ và những người từng cuồng loạn vì Omar cũng chỉ là nạn nhân của trò “đánh tráo giá trị” nhằm mục đích kiếm tiền của một số người.
Tuy nhiên, việc làm của Ban tổ chức chương trình Kết nối ước mơ cũng rất hữu ích cho những nạn nhân của họ. Omar về nước mang theo những hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam và (tất nhiên) cả thù lao mà Ban tổ chức trả cho anh. Giới trẻ Việt đã phần nào nhận ra sự ảo tưởng và trống rỗng của mình ở trình độ thẩm mỹ. Họ có thể đã nhận ra (một cách không rõ ràng) giá trị đích thực của cái đẹp.
Người chịu “lỗ vốn” chính là những người đã tạo ra chương trình. Họ đã thất bại trong mục đích cuối cùng của mình là kiếm tiền. Những phiên đấu giá ế ẩm chắc chắn không thể đem về cho họ gần chục tỷ đồng để bù đắp chi phí mà họ bỏ ra để mời “trai đẹp” về nước (Theo thông tin từ một ca sĩ, riêng số tiền mời 'trai đẹp' Omar đến Việt Nam là 4,5 tỷ chưa kể các chi phí khác).
Tuy nhiên, “cái lỗ” lớn nhất của họ chính là hiệu ứng về mặt truyền thông. Hoạt động vô bổ và tốn kém vô tình làm tổn hại đến chính hình ảnh của họ trong mắt công chúng.
Ban tổ chức cho rằng, việc bỏ về của Hoa hậu Thùy Dung là nguyên nhân khiến chương trình đổ bể. Tuy nhiên, chương trình này đã thất bại ngay từ khi nó chưa diễn ra. Bởi một chương trình được tổ chức thiếu chuyên nghiệp, đặc biệt là thiếu cả một mục đích rõ ràng và chính đáng sẽ không bao giờ giành được thắng lợi.[/justify]
Quốc Khánh