(PetroTimes) - Trong thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ phóng viên lợi dụng nghề nghiệp đi viết bài theo kiểu "đâm thuê chém mướn" hoặc tống tiền doanh nghiệp. Mới đây nhất, ngày 4/1/2014, cơ quan an ninh lại bắt được một vụ…
[size=medium][/size]
Ngày 4/1/2014, tại Nhà máy Kính nổi Chu Lai (Quảng Nam), cơ quan an ninh đã bắt quả tang Bùi Xuân Hiệu, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình cùng Phan Bùi Khang (ở Hà Nội) và Dương Kiều Trang - vừa tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về hành vi đe dọa, tống tiền doanh nghiệp, "đâm thuê chém mướn" theo đặt hàng của kẻ khác và làm giả con dấu, giấy tờ của các cơ quan nhà nước.
Qua lời khai ban đầu, Bùi Xuân Hiệu đã được một doanh nghiệp tại Ninh Bình thuê với giá tiền 500 triệu đồng để làm nhiều đơn vu cáo Nhà máy Kính nổi Chu Lai về cái gọi là "ô nhiễm môi trường" lên nhiều cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đồng thời mang tiền vào Quảng Nam - nơi Nhà máy Kính nổi Chu Lai đặt trụ sở - thuê mướn nhân dân đi khiếu kiện. Mặc dù, Nhà máy Kính nổi Chu Lai từ lâu nay đã được các cơ quan quản lý môi trường của tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá là doanh nghiệp có công tác bảo vệ môi trường tốt nhất khu vực.
Dây chuyền sản xuất kính ở Nhà máy Kính nổi Chu Lai (Quảng Nam)
Bùi Xuân Hiệu đã làm giả giấy giới thiệu là phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam và đến nhà máy Kính nổi Chu Lai đặt vấn đề làm phim, đồng thời đòi phải nộp cho gã 3.000 đô la. Phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường của "nhóm" phóng viên này, Ban giám đốc Nhà máy Kính nổi Chu Lai đã báo cáo cơ quan công an.
Khi "nhóm" phóng viên này đến "tác nghiệp", cơ quan an ninh đã phục kích và bắt quả tang Bùi Xuân Hiệu cùng Khang và Trang về hành vi tống tiền doanh nghiệp.
Hình ảnh Bùi Xuân Hiệu nhận tiền của doanh nghiệp
Khám xét ô tô của Hiệu, cơ quan công an đã thu được hàng chục con dấu giả mạo các cơ quan Trung ương, cùng nhiều giấy giới thiệu các loại, trong đó có cả 3 thẻ nhà báo giả.
Đây thực sự là một cú sốc đối với báo giới, bởi lẽ việc làm của những kẻ này không những đã vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng quy ước đạo đức nghề nghiệp nhà báo. Năm hết, Tết đến, đúng là có nhiều báo đang rất đói nên phải tung phóng viên đi "chạy", "xin" quảng cáo. Và không ít phóng viên đã có lối dọa dẫm doanh nghiệp. Mặc dù tại các cuộc họp giao ban Tổng biên tập các báo vào thứ Ba hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam luôn yêu cầu các cơ quan thông tấn, báo chí phải quản lý thật chặt phóng viên và cộng tác viên khi đi tác nghiệp.
Tuy nhiên, qua sự việc này, rất mong các cơ quan thông tấn báo chí hãy siết lại kỷ luật ở đơn vị mình, đừng để làm hoen ố hình ảnh những nhà báo chân chính.