Bức ảnh chụp không thể gần hơn hàm răng đang mở rộng ngoác của một con cá mập trắng hung dữ chỉ vài giây trước khi chúng cắm phập xuống đã cho ta thấy một cảnh tượng vô cùng hiếm gặp và tột cùng nguy hiểm trong thế giới tự nhiên.
Bên trong hàm cá mập
Loạt ảnh này là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Julian Cohen, người phải đứng trong lồng sắt bảo vệ khi con “quái vật” hung hãn lao thẳng về phía anh. Địa điểm chụp là gần đảo Neptune, ngay ngoài khơi Nam Úc.
Cá mập bị oan!
Cohen cho biết anh chủ động đến đó để chụp ảnh cá mập, một loài động vật mà theo anh đã bị hiểu sai hoàn toàn. “Tôi muốn minh họa sức mạnh kinh hoàng của cá mập chứ không phải khắc họa chúng như những kẻ sát nhân điên cuồng”, anh chia sẻ trên Daily Mail.
Theo Cohen, dù chúng ta không lang thang trong rừng rậm nơi hổ dữ sinh sống, điều đó không thể ngăn con người ngưỡng mộ sức mạnh, sự uyển chuyển và vẻ đẹp của loài hổ. Và thái độ đó cũng cần được áp dụng cho cá mập.
Dù cho những cảnh quay trong loạt phim Hàm cá mập có đáng sợ đến đâu, theo thống kê, từ năm 2000 đến nay cả thế giới cũng chỉ ghi nhận được 66 vụ cá mập trắng tấn công. Chỉ 14 vụ trong đó gây chết người.
"Cắn chỉ để thử"
Trên thực tế, cá mập không cố ý nhắm đến con người và thậm chí còn không thích “vị máu người”. Chúng chỉ ưa những con hải cẩu béo căng, giàu protein. Mặc dù vậy, đôi lúc chúng bị nhận nhầm con mồi. Khi nhìn thấy người tắm biển hoặc lướt sóng trên mặt nước, cá mập lại nghĩ cái bóng đó là từ hải cẩu.
Nhận định này được chứng minh bằng một thực tế là hầu hết các vụ tấn công đều xảy ra ở những khu vực nước đục, hoặc trong những tình huống mà các giác quan của cá mập bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, theo các nhà sinh vật biển, trong nhiều vụ, cá mập chủ định “cắn thử” để xác định chỉ sau một cú cắn rắng mục tiêu có đáng tấn công hay không. Ngoài con người, cá mập trắng cũng từng cắn thử phao cứu hộ, các vật thể trôi lềnh bềnh trên mặt nước để “nhận dạng” con mồi.
Loài vật bị đe dọa
Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng cá mập trắng song loài động vật này đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Một điều đáng chú ý là chuyến đi của Cohen lại do Rodney Fox, một người từng bị cá mập trắng tấn công, tổ chức. Năm 1963, Fox từng bị một con cá mập trắng khổng lồ cắn và ông ấy phải khâu tới 360 mũi. “Ông ấy đi câu cá và con cá mập đã tấn công Fox vì máu của con cá bị thương lan trong nước”, Cohen cho biết.
Ban đầu, Fox rất căm hận cá mập và tìm cách tiêu diệt cá mập để trả thù. Nhưng rất nhanh chóng, ông đã nhận ra đó là sai lầm và giờ đây, Fox là một trong những nhà vận động bảo vệ cá mập nổi tiếng nhất thế giới.