Giới khoa học vẫn không ngừng tranh cãi nên hay không nên mở bình rượu vang cổ Speyer được tìm thấy trong mộ một quý tộc La Mã.
Các nhà khoa học nhiều năm qua vẫn tranh luận gay gắt về việc có nên mở một bình rượu vang có niên đại 1650 năm đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Pfalz, thành phố Speyer, Đức hay không, theo Ancient Origins. Dù rất hiếu kỳ, cho tới nay không nhà khoa học nào dám mở bình rượu cổ đóng chặt nắp này.
Các nhà khoa học phát hiện bình rượu này vào năm 1867, khi khai quật ngôi mộ từ thế kỷ 4 của một quý tộc La Mã ở gần thành phố Speyer. Đây là bình rượu nguyên vẹn nhất trong 16 bình thủy tinh bên trong ngôi mộ.
Chiếc bình thủy tinh có dung tích 1,5 lít, màu vàng xanh, quai cầm hình cá heo, được cho sản xuất tại địa phương khoảng từ năm 325 đến năm 350. Đây được cho là bình rượu vang cổ nhất thế giới. Dưới đáy bình là lớp chất lỏng trong suốt, phía trên là hỗn hợp màu nâu vàng giống như nhựa colofan. Bình được hàn kín bằng sáp ong kể từ khi sản xuất tới nay.
Bình rượu cổ đang được trưng bày trong bảo tàng ở Đức.
Mộ cổ có hai quách chứa hài cốt của một nam và một nữ. Người đàn ông được cho là một quý tộc có tiếng tăm của La Mã. Bình rượu được chuẩn bị cho hành trình lên thiên đường của người đàn ông này.
Trong Thế chiến II, một nhà hóa học đã tìm cách phân tích bình rượu này nhưngkhông mở nó ra. Dù rượu càng để lâu càng dậy vị, nhiều chuyên gia nghi ngờ loại rượu bên trong không còn phù hợp để uống do đã để quá lâu.
Nhiều nhà vi trùng học khẳng định việc mở bình có thể hủy hoại rượu bên trong. "Chúng ta không chắc rượu có thể chịu được cú sốc khi tiếp xúc với không khí hay không", Ludger Tekampe, người phụ trách giám định rượu vang của bảo tàng, cho biết.
"Về mặt vi trùng học, rượu cổ có khả năng chưa bị hỏng, nhưng nó sẽ không còn gây kích thích cho vị giác", giáo sư rượu vang Monika Christman cho hay.