Rời bộ tộc Yali, chúng tôi lên đường đi tìm những người Lani, những thổ dân sống trong thung lũng Baliem, có chiếc koteka – dụng cụ bịt dương vật to lớn dị thường.
Trong ba bộ tộc lớn nhất trong vùng rừng núi Trikora và thung lũng Baliem Dani, Yali và Lani, người Lani có đời sống vui tươi hơn cả. Họ yêu thiên nhiên, yêu màu sắc, thích ca hát và hoà nhập rất nhanh với lối sống hiện đại. Cả vùng núi rừng rộng lớn khắp Baliem, số người Lani nguyên thuỷ còn lại rất ít. Chúng tôi khởi hành trong hy vọng rất mong manh, tất cả dồn vào Mir, người Lani duy nhất trong nhóm thổ dân dẫn đường cho chúng tôi.
Những chiếc koteka – dụng cụ bịt dương vật to lớn dị thường.
Biến thù thành bạn.
Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học, thực chất người Dani và Lani có xuất phát điểm giống nhau, có cùng tổ tiên. Nhưng khi thế giới hiện đại xuất hiện, những người Lani tiếp cận nhanh và rất nhiều thổ dân Lani đã rời bỏ bản làng trong rừng sâu để hướng về cuộc sống hiện đại. Do đó, trong ngôn ngữ Dani, Lani có nghĩa là “rời bỏ”, “chạy trốn”.
Cuộc sống đời thường của người Lani rất giống với người Dani, đàn ông ở trong honai riêng của họ, còn phụ nữ tách biệt trong các honai khác. Đời sống thường ngày của họ cũng săn bắt hái lượm, dựa vào tự nhiên. Đây cũng là bộ tộc từng có truyền thống săn đầu người và thiện chiến.
Sau một hành trình dài đến khu vực Tiaom phía tây thung lũng Baliem, chúng tôi ghé vào ngôi làng nơi Mir và các thổ dân Lani từng sinh sống. Già Kerao – một người Lani nguyên thuỷ đón chúng tôi trong trang phục truyền thống và tươi cười mời những người mới quen ở lại đêm nay. Mir cho chúng tôi biết, Kerao từng là tộc trưởng một thời lừng lẫy, tham gia rất nhiều cuộc chiến giữa các bộ tộc.
Rít một hơi thuốc dài, thông qua sự phiên dịch của Mir, già Kerao thật thà cho biết: “Người Lani chúng tôi thật ra không thích chiến tranh. Cũng chẳng qua vì đất đai và phụ nữ, những cuộc chiến mới nổ ra. Một cuộc chiến kéo dài vài ngày cho đến vài tuần. Khi hai bên cảm thấy mệt mỏi sẽ đi đến việc ngưng chiến và thoả thuận hoà bình. Người Lani chúng tôi rất yêu hoà bình và lễ hội. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, chúng tôi và kẻ thù cùng mang heo, gà và đồ ăn để làm lễ tế, đốt hết những vũ khí rồi trở thành bạn bè”.
Nói đến đây, già Kerao cười vang, chính ông cũng cảm thấy vui khi sau mỗi cuộc chiến, ông và bộ tộc của mình lại có thêm nhiều bạn mới. Kerao đưa chân ra cho chúng tôi xem một vết thương sâu hoắm nơi đùi và nói: “Kẻ đã bắn mũi tên vào chân tôi, bây giờ là bạn rất thân thiết của tôi!” Với Kerao bây giờ, vui sống mới là điều quan trọng.
“Càng to, càng hợp thời trang !”
Càng đi sâu vào những cánh rừng già, đi sâu vào thế giới của những con người có lối sống cổ xưa như người “nguyên thuỷ”, chúng tôi nhận ra rằng, đấy là những bộ tộc tuy đời sống còn hoang dã, nhưng tất cả họ ai cũng có một ý thức rất rõ ràng trong việc bảo vệ và duy trì nòi giống, thông qua công cụ che thân của họ là chiếc koteka. Người Lani, được thừa hưởng từ tổ tiên kiểu sử dụng những chiếc koteka rất to.
Người thổ dân dẫn đường Mir “bật mí” cho chúng tôi biết: “Những chiếc koteka to đùng của người Lani, không chỉ nhằm bảo vệ dương vật, mà người Lani còn dùng chiếc koteka thật to kia để chứa đồ, họ nhét tất cả thứ gì có thể vào koteka, vì họ ngại không muốn người khác biết họ đang sở hữu cái gì!”
Wenerius, con trai già Kerao kể lại một cách hóm hỉnh: “Lúc còn nhỏ, mỗi khi cha tôi có việc đi sang làng bên, đi săn bắn, hái lượm, những đứa trẻ chúng tôi thường ở nhà chờ cha về. Từ xa xa chỉ cần nhìn vào sự dao động của chiếc koteka mà cha tôi đang mang là chúng tôi rất vui vì biết rằng trong đó ngoài thuốc lá, thế nào cũng có một chút quà, khi thì đậu phộng, miếng thịt rừng, thậm chí có khi là cả một con gà!” Những người đàn ông Lani cột chiếc koteka to của mình sát vào bụng bằng dây rừng hoặc thân chuối hơ trên bếp lửa cho thật khô mà vẫn dai. Người Lani quan niệm: koteka càng to càng “hợp thời trang”.
Bồ hóng màu đen bôi lên trán, trái càri màu đỏ bôi dọc theo sống mũi và má, Kerao nhìn có vẻ dí dỏm hơn là một chiến binh lừng lẫy một thời.
Già Kerao tuy bước đi đã chậm chạp nhưng khi ra đường ông không quên “trang điểm” khuôn mặt của mình. Bồ hóng màu đen bôi lên trán, trái càri màu đỏ bôi dọc theo sống mũi và má, Kerao nhìn có vẻ dí dỏm hơn là một chiến binh lừng lẫy một thời. Chúng tôi hỏi ông có mắc cỡ không nếu đi bộ ra chợ Wamena, nơi toàn những người hiện đại mặc quần áo và không trang điểm, già Kerao đáp lời ngay: “Ồ, chẳng có việc gì mà phải ngại ngùng cả”.
Cho dù người Lani ngày nay đã thay đổi rất nhiều, họ di cư dần xuống ở gần các thị trấn, biết mặc quần áo và học ngôn ngữ Indonesia để giao tiếp với người hiện đại. Nhưng ở Tiaom, chúng tôi vẫn gặp được những người Lani quyết tâm giữ gìn bản sắc riêng của mình, Werenius con già Kerao tuy không bao giờ rời bộ cung tên nhưng lại hay cười và cũng rất thích “trang điểm” với hoa lá cài trên tóc, trên râu.
Ở một góc làng, chú bé Kris, cháu trai của già Kerao đeo chiếc koteka to hơn nửa thân người gảy cây đàn tự chế và nghêu ngao hát. Chúng tôi tặng Kris mấy viên kẹo, cậu nhoẻn miệng cười bỏ ngay vào chiếc koteka đang chật kín nào khoai, nào bắp. Khi hỏi Kris có thích “mặc” koteka không, cậu chỉ bẽn lẽn cười và gật đầu rồi lại tung tăng chạy khắp làng ca há