Cái chết Đen là tên gọi của bệnh dịch hạch ở châu Á và châu Âu từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18. Dịch bùng phát tới hơn 100 lần tại châu Âu trong giai đoạn này. Đây là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Giới khoa học cho rằng nó giết chết 75 triệu người trên thế giới, trong đó từ 25 tới 50 triệu người thuộc châu Âu.
Trước đó khoảng 800 năm, Đại dịch hạch Justinian bùng phát tại Đế chế Đông La Mã trong năm 541 và 542 sau Công nguyên rồi lan ra nhiều khu vực khác. Các sử gia ước tính khoảng 25 triệu người đã chết vì nó.
Hình minh họa đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu trong thế kỷ 14. Ảnh: blogspot.com |
Dave Wagner, một giáo sư của trung tâm Di truyền Vi sinh của Đại học Northern Arizona tại Mỹ, cảnh báo rằng dịch hạch có thể gây họa lớn cho người trong tương lai.
"Chúng ta đều biết vi khuẩn Y. pestis đã truyền từ chuột sang người trong quá khứ. Ngày nay chúng vẫn ẩn náu trong cơ thể chuột ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu dịch hạch có thể bùng phát ở người và lan truyền trên diện rộng rồi biến mất thì điều đó có nghĩa là nó có thể tái xuất", Wagner nói.
Wagner cùng các đồng nghiệp đã lấy mẫu vi khuẩn Y. pestis từ hài cốt những nạn nhân của đại dịch Justinina tại vùng Bavaria, Đức để phân tích. Họ cũng dùng DNA trong xương của các nạn nhân để dựng lên toàn bộ mã gene của vi khuẩn. Sau đó họ so sánh mã gene đó với những tác nhân gây dịch hạch ngày nay.
Kết quả cho thấy vi khuẩn gây nên đại dịch Justinian rất khác biệt so với vi khuẩn gây nên Cái chết Đen. Nhưng vi khuẩn gây nên đại dịch tiếp theo - bắt đầu từ Hong Kong và lan ra khắp thế giới - rất có thể là "hậu duệ" của vi khuẩn đã gây nên Cái chết Đen. Tất nhiên, mức độ nguy hiểm của vi khuẩn gây nên đại dịch thứ ba cao hơn rất nhiều so với vi khuẩn gây nên đại dịch Justinian.
Giáo sư Hendrik Poinar, một chuyên gia về DNA cổ đại, cho rằng phát hiện của nhóm Wagner vừa thú vị vừa gây bối rối.
"Chúng ta cần trả lời một câu hỏi: Tại sao đại dịch hạch từng giết hàng triệu người lại đột nhiên biến mất?", Poinar nói.
Một giả thuyết là loài người đã tiến hóa để đối phó tốt hơn với vi khuẩn nên mức độ hủy diệt của dịch hạch giảm. Ngoài ra, Wagner cũng nhận định rằng, rất có thể khí hậu đã biến đổi theo hướng bất lợi đối với vi khuẩn, khiến chúng không thể tồn tại dễ dàng như trước kia.