Anh Minh | PC - Console | 22-03-2015 09:30
Đằng sau một tựa game thành công là những bí mật chưa từng được biết đến, hôm nay chúng ta sẽ đến với câu chuyện phía sau tựa game xếp hình Tetris.
Khi nhắc đến Tetris (Tiếng Việt là game xếp hình), chúng ta thường nhớ đến một trong những thương hiệu game lớn và lâu đời nhất trong lịch sử ngành game thế giới. Thế nhưng rất ít người để ý đến những người đã làm nên tựa game thành công này cũng như số phận của họ.
Một trong những con người đó là Vladimir Pokhilko, cha đẻ của tựa game này. Dù là người tạo ra ra một trong những thương hiệu game thành công nhất thế giới, nhưng cuộc đời người đàn ông này là một tấn thảm kịch, kết thúc bằng việc sát hại cả gia đình và tự sát. Hôm nay hãy cùng tìm hiểu về cái kết đầy bi thảm của người đàn ông này.
Vladimir Pokhilko sinh năm 1954 tại Nga. Đến giữa những năm 80, ông làm việc trong nhóm phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) tại Đại học khoa học quốc gia liên bang Xô Viết ở Moscow. Trong quá trình thử nghiệm phần mềm mới, ông đã tạo ra một trò chơi xếp hình đơn giản bao gồm 7 loại ký tự khác nhau, dựa trên bảng chữ cái alphabet. Tựa game này nhanh chóng được các đồng nghiệp của ông tại Đại học khoa học quốc gia yêu thích.
Tựa game này sau đó được hai đồng nghiệp của ông là Dmitry Pavlovsky và Vadim Gerasimov port lên hệ máy PC của IBM. Phiên bản này sau đó trở nên vô cùng ăn khách tại Moscow và dần dần được biết đến ở nước ngoài. Cái tên Tetris, sau này được Pokhilko giải thích là sự kết hợp giữa hai từ ’tetromino’ và ‘tennis’. Về phần mình, nhận ra thành công quá lớn từ tựagame xếp hình này Vladimir Pokhilko quyết định bán bản quyền của game.
Tuy nhiên vào năm 1986, ngay trước khi game được phát hành. Dưới áp lực của chính quyền Nga lúc bấy giờ, ông bắt buộc phải ký một bản ủy quyền thương hiệu game này cho chính phủ. Trong suốt 10 năm sau đó, phía Nga liên tục phá vỡ các hợp đồng với nhiều hãng game lớn như Nintendo, Atari và đặc biệt là Bullet Proof Software trong việc cung cấp bản quyền Tetris. Việc này khiến Pokhilko thiệt hại hơn 40 triệu $ và được hưởng lợi rất ít từ sản phẩm do chính ông tạo ra (vì các phiên bản nhái của game liên tục được phát triển bên ngoài nước Nga).
Vượt qua những khó khăn đó, đến năm 1989, với sự giúp đỡ của Henk Rogers, Vladimir Pokhilko đã thành lập nên AnimaTek, một công ty thiết kế phần mềm 3D đặt trụ sở tại thủ đô Moscow của Nga. Năm 1996, khi ủy thác bản quyền giữa Pokhilko và chính phủ Nga kết thúc, ông giành lại được bản quyền cho tựa game Tetris của mình. Đến năm 1996 ông tiếp tục cùng Henk Rogers lập ra The Tetris Company, một công ty chuyên nắm giữ bản quyền cho tựa game Tetris.
Henk Rogers và Vladimir Pokhilko
Mọi chuyện tưởng như đã trở nên tốt đẹp thì cũng là lúc bi kịch của Vladimir Pokhilko bắt đầu. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 tại Nga kép theo sự sụp đổ của rất nhiều danh nghiệp, trong đó có cả công ty AnimaTek của Pokhilko. Việc này khiến ông thực sự lâm vào khủng hoảng trong một khoảng thời gian dài sau đó.
Đến sáng ngày 22/09/1998, sau nhiều ngày không thể liên lạc với gia đình Pokhilko, một người bạn của gia đình đã trực tiếp đến kiểm tra. Khi đến nơi, người này phát hiện ra xác của Pokhilko bên cạnh giường con trai của ông, trên tay vẫn còn cầm một con dao đi săn. Người này nhanh chóng phát hiện ra xác của vợ Pokhilko là Elena Fedotova và con trai của họ là Peter Pokhilko (12 tuổi) và gọi điện cho cảnh sát.
Qua những thông báo của cảnh sát thì Elena và Peter bị tấn công bằng búa và bị đâm liên tiếp bằng dao trong khi ngủ, không có dấu hiệu chống cự tại hiện trường. Pokhilko thì chết do bị cứa cổ , hung khí sau đó được xác định chính là con dao mà ông cầm trên tay khi được phát hiện. Từ những bằng chứng thu được, cảnh sát tin rằng chính Pokhilko đã sát hại vợ con của mình và tự tử ngay sau đó. Nguyên nhân có thể do áp lực tài chính và thất bại liên tiếp trong công việc. Tại hiện trường cảnh sát cũng tìm được một mảnh giấy với thông điệp rất khó hiểu:
Ta đang bị ăn sống. Vladimir. Hãy nhớ rằng ta có tồn tại. The davil (đây được cho là cách đọc lái của từ devil – quỷ dữ trong tiếng Anh)
Dù không thể xác minh được ai là người đã viết mảnh giấy này hay ý nghĩa của nó là gì nhưng cảnh sát tin rằng đó có thể là một dạng thư tuyệt mệnh mà Pokhilko để lại. Đồng thời họ cũng khép lại vụ án này với kết luận chính Pokhilko là người đã sát hại dã man cả gia đình mình.
Dù vậy, kết luận này không được bạn bè, người thân và những người từng quen biết Pokhilko đồng tình. Họ vẫn tiếp tục bầy tỏ sự tin tưởng vào ông nhiều năm sau này. Vụ án của Pokhilko không bao giờ được đề cập lại và dần dần rơi vào quên lãng. Thực tế có rất ít người ngày nay còn biết đến câu chuyện này, một cái kết đáng buồn cho cha đẻ của tựa game xếp hình Tetris.