Từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút sáng các ngày làm việc trong tuần, chỉ cần đứng ở cổng Bệnh viện (BV) Việt Đức, BV Phụ sản T.Ư, BV Bạch Mai… sẽ dễ dàng nhận thấy rất nhiều bác sĩ (BS), y tá, điều dưỡng đến BV làm việc bằng ô tô, thậm chí có rất nhiều ô tô sang trọng, đẳng cấp thời thượng.
Tại cổng BV Việt Đức ở phố Tràng Thi chỉ trong vòng 1 tiếng đầu giờ sáng có thể thấy lũ lượt xe ô tô phóng thẳng vào BV. Cổng vào BV Phụ sản T.Ư trên phố Triệu Quốc Đạt cũng tấp nập xe ô tô đi vào…Cũng giờ này, nhà để xe ô tô cao 5 tầng của BV Bạch Mai cũng bắt đầu kín chỗ. Và có lẽ bãi đỗ xe ở hầu hết các BV T.Ư hay BV của Hà Nội đều chật kín ô tô. Đủ các loại xe, từ xe hạng trung bình đến hạng cao cấp. Chắc chắn một điều là những chiếc xe này phải có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng. Và người bước ra từ những chiếc xe ô tô đó chủ yếu là các BS. BS càng có “lon”, có “hàm” càng đi xe xịn.
Cách đây 10 năm, một vị BS có tiếng của BV Việt Đức đi làm bằng chiếc xe ô tô Mercedes đã trở thành chuyện lạ của BV. Nhưng đến giờ chuyện đó đã trở nên hết sức bình thường. Vị BS đó đã đổi 3 đời ô tô và chiếc xe ô tô hiện thời được đánh giá là đẳng cấp nhất BV. Một thực tế rất đáng ngại nữa là, các thầy thuốc đang nhìn nhau bằng chiếc ô tô chứ không phải là trình độ chuyên môn. BS A, BS B… mới đổi con xe thời thượng trở thành đề tài xôn xao trong BV và mọi người phải nhìn anh ta với ánh mắt ngưỡng mộ.
Trong khuôn viên BV Việt Đức xe ô tô đậu khắp nơi
Tại bãi gửi xe máy dành cho cán bộ nhân viên của các BV cũng có vô vàn các loại xe máy đắt tiền như: SH, Spacy, Dylan… mà chẳng thấy đâu bóng dáng một chiếc xe đạp. Đáng ngưỡng mộ hơn là chủ nhân của những chiếc xe máy đắt tiền đó đến BV luôn có chiếc túi xách hàng hiệu đi kèm, quần áo, trang sức, giày dép cũng sang trọng không kém. Chỉ cần nhìn những thứ đó đã đủ thấy họ đang sở hữu số tài sản hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, chiếc điện thoại di động, vật bất li thân của các thầy thuốc đã “tố cáo” sự sành điệu của họ. Hầu như các bác sĩ đều mang bên mình những chiếc điện thoại hiện đại, đắt tiền có giá tới chục triệu đồng. Thậm chí có cô y tá đang chăm sóc bệnh nhân có cuộc gọi đến đã lấy từ trong túi áo blu chiếc điện thoại có hình quả táo vuốt nhẹ rồi khúc khích nói cười bỏ mặc bệnh nhân nằm chờ.
Một thực tế không thể phủ nhận đó là, các bác sĩ rất rủng rỉnh tiền để cho con đi du học nước ngoài. Bác sĩ có chức, có quyền cho cả 2 con đi du học từ khi còn học phổ thông, bác sĩ thường thì ít ra cũng có 1 đứa con được đi du học. Và đáng nể nhất là con của các bác sĩ đều được du học ở các nước Pháp, Mỹ, Anh, Úc…
Đây là những chiếc xe ô tô của cán bộ nhân viên BV Phụ sản T.Ư
Có giàu bất thường?
Nếu nói, tất cả các thầy thuốc của các BV tuyến T.Ư hay ở Hà Nội đều giàu có thì chưa hẳn đã đúng. Nhưng có lẽ số thầy thuốc được xếp vào hạng giàu có không còn hiếm.
Họ giàu từ đâu? Một BS trưởng khoa của BV T.Ư nói, lương BS bèo bọt chưa đến mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân!? Lương BS theo ngạch nhà nước mỗi tháng tầm 3 - 5 triệu đồng cộng thêm các khoản trợ cấp, trực, làm thêm giờ… thì mỗi tháng có tổng thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng. Vậy để có chiếc ô tô xịn đó, để hai đứa con đi du học nước ngoài, các BS kiếm tiền bằng cách nào? Phải chăng đó là “lậu”?
Nhiều BS thanh minh rằng, lương thấp phải kiếm tiền bằng nhiều cách như mở phòng khám tư, làm thêm ngoài giờ, đi mổ thuê… nhưng liệu đó có phải cách bao biện cho sự “bỗng dưng” giàu có của mình? Một bác sĩ ngoại khoa không mở phòng khám tư, 1 tuần vài buổi đi mổ thuê mà thu nhập hàng tháng nên đến hàng chục triệu đồng là chuyện khó tin. Theo nhận định của không ít người thì hiện nay BS đang giàu lên chính là nhờ phong bì của bệnh nhân?
“Nếu nhận phong bì của bệnh nhân, chỉ cần 10 người đã có thể được 3 triệu. Một năm có khoảng 2.000 người điều trị tại đây, muốn được đút tiền là có ngay, chỉ cần lơ đi chút, không cho thuốc, tỏ thái độ…", một BS kể.
Những chiếc xe này có giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng
Một y tá đã nghỉ hưu, trước đây làm việc tại phòng mổ của một BV sản nói: “Cách đây vài năm, khi tôi còn làm ở phòng mổ, mỗi sản phụ trước khi lên bàn mổ thường phải phong bì 2 triệu, 1 triệu cho BS mổ chính, 1 triệu cho kíp mổ, cứ thế mà chia. Đến giờ thời buổi trượt giá chắc phong bì cũng tăng giá theo. Nếu một ngày phòng mổ này mổ cho khoảng 20 bệnh nhân thì số tiền mà BS mổ được chia không hề nhỏ và 1 tháng sẽ là một khoản tiền lớn.”
Thật khó để buộc tội BS này hay BS kia nhận phong bì của bệnh nhân nhưng có một điều dễ thấy nhất là vào các buổi trưa hoặc chiều tối, tại trước cửa phòng làm việc của các BS, đặc biệt là các BS trưởng, phó khoa luôn có người nhà bệnh nhân đến gõ cửa. Câu trước là hỏi thăm tình hình bệnh của người nhà mình rồi sau là thò ra chiếc phong bì nhờ BS mổ sớm, mổ cẩn thận… và “trăm sự nhờ BS”.
Có lẽ những câu chuyện “hậu trường” này, giám đốc BV nào cũng rõ nhưng có vẻ như cố tình né tránh. Vẫn là những câu kể lể muôn thuở: lương ngành y quá thấp, BV quá tải, làm việc vất vả… để thanh minh cho việc thầy thuốc vì cuộc sống mà nhận phong bì của bệnh nhân. Cho đến lúc này, chưa có vị giám đốc BV nào, đặc biệt là giám đốc của 5 BV đã kí cam kết “Nói không với phong bì” nói về sự giàu có của thầy thuốc. Dư luận có thể đặt ra câu hỏi: Các BS có giàu “bất thường” không?
Để có lời kết cho bài viết này, chúng tôi xin kể lại lời đối thoại của hai người nhà bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại phòng khám BV Việt Đức. Một người nói: “BS ở Hà Nội giàu có thật, đi làm toàn bằng xe ô tô thế kia, thế mà còn nhận phong bì của bệnh nhân nhà quê chúng mình”. Người kia đáp: “Nói ngược à, nhờ có phong bì của bệnh nhân mới giàu có thế chứ!”.
Thật đau xót! Không biết các thầy thuốc sẽ nghĩ sao?