[/size]
[size=3]
Tỷ lệ tử vong khi sinh ở các tỉnh miền núi nước ta vẫn cao với 200/100.000 bà mẹ tử vong. Khu vực miền núi phía Bắc đứng đầu cả nước về tình trạng tử vong ở bà mẹ, tiếp đến là khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân là do đồng bào dân tộc ít người vẫn còn thói quen tự sinh con ở nhà; thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra.
Những cái chết thương tâm
Đến tận bây giờ, Hoàng Mùi Phấy, 25 tuổi, “bà” đỡ của thôn Đắc Di, Tân Thành, Krông Nô, Đăk Nông, vẫn chưa quên được ca tử vong cả mẹ lẫn con của một người cùng thôn cách đây hai năm. Người dân tộc ít người quê cô vẫn có thói quen sinh đẻ ở nhà mà không đến trạm xá. Hôm ấy thai phụ trở dạ, khi sinh xong dây rốn của trẻ không bong nhưng do không có kiến thức, người nhà không cắt dây rốn mà lại kéo ra nên gây tử vong cả mẹ cả con.
Phấy cũng cho biết thêm, ở nơi cô sinh sống, trường hợp tử vong mẹ hoặc con không phải là hiếm. Cô đã chứng kiến nhiều ca tử vong do thai ngược, chân thai nhi ra trước nhưng người nhà không biết cách đỡ đẻ. Nhưng nhiều nhất vẫn là tình trạng thai chết lưu bởi đồng bào dân tộc ít người không bao giờ đi khám thai. Bên cạnh đó, tình trạng tự ý phá thai bằng lá xảy ra tràn lan. “Vì nhiều người không hiểu biết về bất cứ một biện pháp tránh thai nào nên khi đã lỡ có bầu rồi thì họ sẽ phá thai”, Phấy kể.
[/size]
![]() |
Nhiều phụ nữ dân tộc chưa được trang bị kiến thức sinh sản. Ảnh minh họa: Kim Anh. |
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đak Nông, cho biết nhiều dân tộc thiểu số vẫn có phong tục lạc hậu khi sinh đẻ. Ví dụ một nhóm người H’mông di cư từ phía Bắc vào không thích đến cơ sở y tế hay mời cán bộ y tế tới nhà. Khi sinh, họ thích mẹ chồng hoặc chồng đỡ đẻ trong khi những người này không có chuyên môn ý tế nên rất nhiều nguy hiểm.
Đào tạo bà đỡ tại bản
Hơn một năm nay, Phấy được trạm xá đưa đi học để là bà đỡ tại bản của mình. Từ khi đi học, Phấy đã đỡ đẻ được ba ca, chuyển tuyến lên trạm xá được hai ca. “Mặc dù vẫn có những người còn chưa tin, ngại ngùng nên khi sinh họ vẫn giấu. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thôi, do cùng tiếng nói, họ cũng tin tưởng khá nhiều, rồi dần dần người ta cũng mách nhau, tự tìm đến để hỏi kiến thức chăm sóc con”, Phấy nói. Còn bà Nguyễn Thị Lan cho biết hiện Đăk Nông đã có 93 cô đỡ thôn bản được Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, đào tạo.
Theo bà Lưu Thị Hồng, Giám đốc Ban Quản lý chương trình Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, tại đa số các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên người dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán sinh đẻ tại nhà, đặc biệt là dân tộc H’mông, Dao… Các tỉnh này địa hình lại khó khăn, nguy cơ đẻ rơi trên đường đến cơ sở y tế rất cao nên việc đào tạo các bà đỡ thôn bản là rất cần thiết.
“Bà đỡ thôn bản sẽ được trang bị kiến thức về chăm sóc bà mẹ khi mang thai, vận động phụ nữ có thai đến khám và sinh con tại các cơ sở y tế, chăm sóc sau sinh… Khi gặp các trường hợp như đẻ tại nhà hay đẻ rơi, bà đỡ thôn bản có thể đỡ đẻ, giảm tai biến cho mẹ và con”, bà Hồng nói.
Trong năm 2011, chương trình đã tổ chức các lớp đào tạo bà đỡ thôn bản cho 3 tỉnh đặc biệt khó khăn có tỷ lệ sinh tại nhà nhiều như Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La và đã thu được nhiều kết quả tốt. Cụ thể như Cao Bằng, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm từ 411/100.000 trẻ xuống 144/100.000 trẻ. Năm 2012, chương trình tiếp tục triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.[/size]