Từ xưa tới nay, chuẩn mực của người phụ nữ Việt gói gọn ở 4 chữ: “Công, dung, ngôn, hạnh”. Trong đó, vẻ đẹp bên trong, phẩm chất và đức hạnh luôn là những yếu tố được người phụ nữ Việt Nam coi trọng hàng đầu.
Tuy nhiên, vẻ đẹp bên ngoài cũng đóng vai trò quan trọng và luôn được các bà, các cô xưa kia chăm chút, coi sóc hàng ngày. Cùng xem những chuẩn mực làm đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa qua bài viết dưới đây.
1. Nhuộm răng đen - nét duyên thầm của người con gái
Nhuộm răng đen là một tục lệ truyền thống của người Việt cổ, nhưng hơn thế, đó là một bí quyết làm đẹp của phụ nữ nước ta xưa. Chuẩn mực cái đẹp truyền thống được truyền lại đó là “da trắng, răng đen” - một sự tương phản cao và nghệ thuật, thể hiện sự duyên dáng cho hàm răng.
Nhuộm răng đen không đơn giản mà ngược lại, nó vô cùng cầu kỳ, phức tạp. Thậm chí, nhiều phụ nữ xưa phải chịu đau đớn mới có được hàm răng đen như mong ước. Đối với người Kinh, trong ba ngày đầu tiên của quá trình này phải đánh, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối bột.
Một ngày trước khi nhuộm phải ngậm chanh, súc miệng bằng rượu trắng để lớp men răng mềm đi, axit chanh bào mòn tạo thành những vết lõm trên men răng. Đây cũng là giai đoạn đau đớn nhất cho người nhuộm, bởi răng, môi, lưỡi, lợi lúc nào cũng sưng tấy như muốn rụng ra.
Sau đó, người ta phết thuốc nhuộm bằng nhựa cánh kiến lên răng trong nhiều ngày với quy trình tỉ mỉ và cặn kẽ cho tới khi răng có màu đỏ cánh kiến mới được. Đặc biệt, thời gian này, khi đói, người nhuộm răng chỉ được phép nuốt chửng thức ăn mà thôi.
Quả phèn đen - một trong những nguyên liệu để nhuộm răng.
Cuối cùng, người ta phết lên răng hỗn hợp phèn đen với nhựa cánh kiến trong vài ngày. Kết quả thu được là một hàm răng đen bóng như hột mãng cầu, có thể bảo vệ trong vòng 20-30 năm. Tuy nhiên, mỗi năm một lần, các bà, các cô lại nhuộm thêm một lớp mới để màu không phai, nhất là vào các dịp lễ cưới, hỏi, tết, hội…
2. Mái tóc thơm mùi bồ kết
Người Việt xưa có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Không ngoa khi khẳng định rằng: mái tóc chính là thứ được người phụ nữ Việt xưa trân trọng, chăm sóc nhiều nhất.
Tứ đại mỹ nhân Hà thành xưa.
Thời xưa, các cụ ta quan niệm một mái tóc đẹp là phải đen, dài, mượt, thơm và sạch sẽ. Để sở hữu một mái tóc như mơ ước, từ cung tần hoàng gia cho tới những người phụ nữ nông thôn, tất cả đều sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên sẵn có, chế thành thứ dầu gội hoàn hảo.
Theo đó, công thức tạo nên thứ dầu ấy bao gồm bồ kết, củ sả, bồ hòn, chanh, vỏ bưởi, lá hương nhu, tang bạch bì (vỏ rễ sấy khô từ cây dâu tằm)… Nguyên liệu chính và quan trọng nhất là bồ kết - có tác dụng làm sạch da đầu, giúp tóc mềm mại, đen mượt và trị gàu rất tốt.
Bên cạnh đó, phải kể tới tang bạch bì, một loại thuốc chữa các bệnh về tóc được dùng trong dân gian. Chỉ cần cạo bỏ vỏ, ngâm vào nước và đun sôi 5, 6 lần rồi đem gội đầu thì tóc sẽ mọc nhanh, khỏe hơn và sạch gàu. Ngoài ra, vỏ bưởi và chanh đem pha vào dầu gội làm cho mái tóc lúc nào cũng thơm dịu, càng làm tăng sự quyến rũ của thiếu nữ Việt xưa.
3. Sử dụng phấn son từ hương liệu tự nhiên
Ngoài chăm sóc tóc, răng, phần lớn những phương pháp, bí quyết làm đẹp của phụ nữ Việt xưa đều có nguồn gốc từ trong cung đình, do các phi tần muốn được vua sủng ái mà tạo ra.
Thời nhà Nguyễn, cung đình Huế có hẳn những xưởng chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi… với nguyên liệu chính đến từ thiên nhiên. Chẳng hạn như sáp dưỡng môi làm từ sáp ong ruồi đem nấu chảy, trộn thêm dầu rồi lọc vài lần, sau đó trộn với màu ưa thích như hồng, cánh sen… Son này được các phi tần bôi lên môi tạo độ bóng tự nhiên, làm môi mềm, lâu phai màu.
Mật ong là một dược liệu quý.
Mỹ phẩm nổi tiếng nhất cho tới tận ngày nay là phấn nụ Huế. Loại phấn này có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, làm trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế sự lão hóa của da.
Quy trình sản xuất loại mỹ phẩm cung đình này rất công phu, gồm 9 công đoạn bí mật với nguyên liệu chính là thạch cao và 10 vị thuốc bắc bí truyền, một số loại hoa, nước mưa xứ Huế tinh khiết…
Hình ảnh phấn nụ - mỹ phẩm đặc sản của cung đình Huế.
Quy trình sản xuất phấn nụ cho tới giờ vẫn còn bí mật.
Hay như để tô kẻ lông mày, phụ nữ quý tộc thường lấy than đốt từ gỗ cây điên điển làm phấn tô lông mày. Sau này khi văn hóa phương Tây du nhập vào, người ta đốt nút chai sâm-panh thành than với công dụng tương tự. Bút vẽ chính là cây điên điển phơi khô, giã giập mịn đầu rồi cắt chéo vạt.
Cây điên điển…
… nút chai sâm-panh…
là những nguyên liệu tạo nên loại bột phấn tô lông mày cho cung tần thời xưa.
Ngoài ra, có một "bí mật ít được biết đến", đó là để có vòng một căng đầy mà không cần “bơm”, phụ nữ xưa có nhiều bí quyết khác nhau như ăn nhiều đu đủ và sắn dây sau mỗi kỳ “đèn đỏ”. Hay bên cạnh đó, các bà, các mẹ có thể vừa thoa, vừa massage nhẹ nhàng khắp vùng ngực cùng loại thuốc cao do có chứa thành phần thực vật tự nhiên như trầm hương, cam thảo để kích thích tuần hoàn máu, khai thông huyệt đạo, hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng cần thiết… Nhân sâm cũng được coi là một “thần dược” giúp cho bộ ngực nảy nở căng tràn trong thời xa xưa.