Người đàn ông ngồi trước mặt tôi đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông có đôi mắt nhỏ, dáng đi tấp tểnh và mái tóc đã nhuộm hai màu, duy có thân hình nom còn vạm vỡ lắm. Thế nhưng, người đàn ông có dáng vẻ bề ngoài bình thường ấy lại “nức tiếng” cả xã Thượng Cửu (Phú Thọ). Ông có 4 vợ “chính thức”, 22 con, 69 cháu và hai chắt có đứa đã lên 6. “Con số” này chúng tôi được “bà tư” cung cấp, chứ ông cũng cười xòa, thú thật “Tôi cũng chẳng nhớ chính xác”.
Người ta đồn đại nhau hẳn ông Lai phải có bùa ngải gì linh lắm, chả thế mà ông cưới được những bốn bà vợ, bà nào cũng nhan sắc mặn mà. Ông xua tay, bảo: “Bùa ngải gì chứ! Tôi tán, người ta thích thì theo tôi thôi”.
Tán được vợ nhờ… thơ
Ông Lai quê gốc ở Đan Phượng (Hà Tây cũ), lên Phú Thọ “khai hoang” từ năm 21 tuổi, khi ấy ông đã có một vợ, một con. Nhưng hình như thế là “chưa đủ” với ông. Trời phú cho người đàn ông đa tình ấy giọng nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ như đi vào lòng người. Hơn thế nữa, ông còn có tài ca hát và “xuất khẩu thành thơ”.
Ông bảo ông như con ngựa bất kham, cứ đi tới đâu gặp cô nào “xinh xinh, đẹp nết” là ông yêu, yêu thật lòng, rồi ông tán. Tán bằng miệng, xong rồi ông lại tán bằng thơ. Mà chỉ cần gặp buổi sáng đến tối là ông có bài thơ dài hai ba trang giấy tặng “người đẹp”. “Tôi không nói quá, hoa hậu xóm tôi tán không quá hai ngày. Rồi cứ thế họ theo tôi, chết mê chết mệt”. Nói rồi ông cười khà khà chỉ tay sang tôi: “Thời tôi mà còn trẻ, cô “chết với” tôi!”
Ông Lai bên bà Tuyết, vợ thứ tư. |
Đứa chắt mới ra đời của ông Lai. |
Gia đình “kỳ lạ nhất Việt Nam”
“Chuyện lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con thì không hiếm, nhưng sống vui vẻ đầm ấm được như đại gia đình tôi thì đảm bảo cả Việt Nam chỉ có một”, ông Lai không giấu vẻ tự hào hồ hởi nói.
Ông kể, tuy ông có “thói trăng hoa ngấm vào máu”, nhưng ông chưa từng bị đánh ghen hay gặp phải sự phản ứng của các bà vợ. Hơn thế nữa, khi cưới về họ còn sống vui vẻ hòa thuận như chị em trong nhà.
Theo lời ông Lai, chỉ có bà hai chuyển về Tam Nông sống cùng các con. Ba bà còn lại sống quây quần như cái “chân kiềng” ở xóm Cáp. “Chừng ấy năm chưa bà nào sinh lời cãi cọ hay ghen ghét. Con cái cũng vậy, chúng không so bì hay đòi hỏi gì. Chúng tôi ăn cùng mâm, ở cùng nhà… Được như thế âu cũng nhờ cái nết ở của ông ấy. Ngoài thói trăng hoa, ông ấy là người điềm đạm, hiền lành được làng xóm quý mến lắm”, bà Tuyết (vợ thứ tư của ông Lai) kể.
Ba bà vợ ông Lai quây quần bên con cháu. |
Giờ đây xóm Cáp với hai bà vợ ông và đám “con đàn cháu đống” của ông đã chiếm… quá nửa làng. Chúng tôi đi đến đâu, gặp đứa trẻ nào cũng nhận là cháu nội, cháu ngoại, chắt ông Lai. Cũng không biết cái sự thuận hòa của đại gia đình ông Lai theo như ông kể có đúng hoàn toàn không, nhưng nhiều người vẫn phải trầm trồ, mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau khi chứng kiến cái cảnh ba bà ngồi quây quần, tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau. Rồi đứa cháu con nhà bà cả nhìn thấy bà Tuyết từ xa đã reo lên mừng rỡ: “A, bà nội đi đâu đấy”.