(Kiến Thức) - Chuyện một người được đưa lên ngôi do thời cuộc đưa đẩy, sau bị ép phải trả lại ngai vàng có lẽ chỉ có trường hợp của Lê Ý Tông.
Một người lên ngôi, có thể do tranh giành, cướp đoạt mà có được ngôi vị đế vương, có người được người khác lập lên, có người do người khác (có thể là ông, cha,…) truyền cho, nhưng chuyện một người được đưa lên ngôi do thời cuộc đưa đẩy, sau bị ép phải trả lại ngai vàng thì có lẽ chỉ có trường hợp của Lê Ý Tông.
Lê Ý Tông là hoàng đế thứ 25 của nhà Hậu Lê, ông tên thật là Lê Duy Thần, còn có tên khác là Lê Duy Thận, Lê Duy Chấn, sinh vào ngày Nhâm Tý tháng 2 năm Kỷ Hợi (1719), là con thứ 11 của Lê Dụ Tông, thân mẫu chưa rõ là ai.
Ngày 15 tháng 4 năm Ất Mão (1735), vua Lê Thuần Tông (Lê Duy Tường) mất sau một thời gian lâm bệnh, thọ 36 tuổi, ở ngôi được 3 năm (1732-1735), chúa Trịnh Giang sai quần thần tìm xét xem vị hoàng thân nào nổi bật về tài đức để đón lập lên làm vua, cuối cùng chọn lấy hoàng thân Lê Duy Thần, em ruột Lê Thuần Tông đưa vào cung tôn lên làm vua vào ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão (1735), đặt niên hiệu là Vĩnh Hựu.
Vĩnh Hựu đế (tức Lê Ý Tông) lên ngôi lấy ngày sinh nhật của mình gọi là “Xuân hòa thánh tiết”, xá cho thiên hạ 2 phần 10 thuế tô, dung cho cả nước. Tuy nhiên ít người biết rằng việc lên ngôi của Lê Ý Tông hoàn toàn do chủ ý của chúa Trịnh Giang.
Tượng chúa Trịnh Giang. |
Theo sử sách thì chúa Trịnh Giang còn có tên khác là Trịnh Khương con của chúa Trịnh Cương, nối ngôi chúa tháng 10 năm Canh Tý (1720), đây là một người háo danh, ngang ngược, chuyên quyền, ham mê tửu sắc, thích làm oai làm phúc, không chịu nghe lời người hiền, tin dùng bọn xu nịnh. Chính vì không nối theo chế độ cũ, bãi bõ các phép tắc về tài chính, thuế khóa mà cha ông cùng triều đình cất công suy nghĩ, đặt ra để ổn định đất nước nên thời kỳ Trịnh Giang cầm quyền, xã hội rối loạn, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi, kinh tế sa sút, chính trị suy đồi; không những vậy, Trịnh Giang hống hách, luôn tìm cách áp chế, o ép vua Lê, không ý thức được tầm quan trọng của liên minh chính trị vua Lê chúa Trịnh, khiến quan hệ giữa cung vua và phủ chúa ngày càng lỏng lẻo, dẫn tới việc con cháu họ Lê có người căm giận, bất mãn mà dấy quân nổi lên như trường hợp hoàng thân Lê Duy Mật…
Trịnh Giang rất ngang ngược trong quan hệ với cung vua, tỏ ý coi thường khinh nhờn như chuyện vu oan cho Vĩnh Khánh đế (Lê Duy Phường) rồi phế truất ngôi vua đem giam cầm rồi sau đó giết hại. Liên quan đến việc lên ngôi của Lê Ý Tông, chính Trịnh Giang là người chủ định quyết việc này với mục đích đưa một người trẻ tuổi, dễ điều khiển hơn là một người trưởng thành, có chí khí. Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết như sau: “Trước đó vua (tức Thuần Tông) bị ốm, chúa Trịnh Khương (Giang) sai trọng thần vào tẩm điện chăm sóc, nhân đó xét hoàng thân xem ai đáng lập làm vua. Lúc bấy giờ con trưởng của vua là Duy Diêu (sau này là Hiển Tông Vĩnh hoàng đế) tuổi đã 19. Em vua là Duy Thần, là cháu gọi Thái phi Vũ thị bằng cô, được nuôi ở trong phủ chúa, tuổi 17. Chúa ngại Duy Diêu đã trưởng thành, có trí khôn và nghĩ Duy Thần là chỗ thân quyến quen lờn, dễ chế ngự, bèn nói thác rằng Duy Thần có diện mạo giống tiên đế (Dụ Tông) nên quyết ý lập làm vua; quần thần cũng theo ý chúa, không ai bàn khác cả. Ngày Giáp Ngọ cáo ở Thái Miếu. Ngày Bính Thân, Duy Thần lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Vĩnh Hựu”.
Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết vào thời Nguyễn cũng có đoạn ghi như sau: “Giang lập Duy Thận, em nhà vua (hoàng đệ), lên ngôi, đổi niên hiệu, đại xá. Duy Thận, con thứ mười một của Dụ Tông và là em Thuần Tông. Lúc ấy Duy Thận 17 tuổi, kém Duy Diêu, con cả nhà vua (hoàng trưởng tử) 2 tuổi. Nhưng Trịnh Giang e rằng Duy Diêu tuổi đã trưởng thành, và nhận thấy Duy Thận là cháu ngoại bà thái phi Vũ Thị (bà của Trịnh Giang), trước kia vẫn nuôi nấng ở trong phủ, thân cận yêu đương có phần dễ kiềm chế. Giang mới nói thác ra rằng diện mạo Duy Thận giống như tiên đế, nên quyết ý lập làm vua. Bầy tôi không ai dám nói gì cả”.
Triều đình thời Lê trung hưng. |
Như vậy Trịnh Giang chuyên quyền, không e dè gì, đã thế lại ham mê sắc dục, dâm loạn bừa bãi nên bị mắc bệnh kinh quý (tâm thần hoảng hốt), phải ở ẩn trong hầm sâu dưới đất. Trước tình hình đó, tháng Giêng năm Canh Thân (1740), mẹ Trịnh Giang bàn với một số đại thần đưa em Trịnh Giang là Trịnh Doanh lên thay ngôi chúa, tôn Trịnh Giang làm Thái thượng vương.
Thay anh ở ngôi chúa, Trịnh Doanh đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm khắc phục những sai lầm của thời Trịnh Giang cầm quyền, một trong những việc làm đầu tiên và quan trọng nhất được thực hiện đó là “thay vua mới”. Vị chúa đã thể hiện uy quyền của mình bằng cách tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Minh Đô vương. Khi đó Lê Ý Tông đã ở ngôi được gần 5 năm; “lúc bấy giờ trong nước nhiều biến cố, dân sinh hai lòng. Chúa Trịnh Doanh nghĩ rằng hoàng điệt Duy Diêu (cháu gọi vua bằng chú) là ngành trưởng đáng làm vua, nên theo đúng phép tắc để lấp đường kẻ phản trắc. Bèn xin vua trả ngôi cho cháu trưởng để trong nước yên ổn. Vua nghe theo, lấy ngày 21 Canh Thân truyền ngôi. Tờ chiếu truyền ngôi có câu rằng: Nghĩa chốn biên cương còn có đứa ngu xuẩn, ngang ngạnh, muốn cho kinh kỳ được yên mà bờ cõi được yên lặng, xét lẽ chính đáng nên duy tôn dòng đích, cốt để trọng tông thống mà thống nhất nhân tâm”. Tờ chiếu ban xuống, dân tình vui mừng lắm. Ngày ấy Duy Diêu lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Cảnh Hưng, tôn vua là Thái thượng hoàng” (Đại Việt sử ký tục biên).
Minh Đô vương Trịnh Doanh. |
Chuyện Lê Ý Tông bị ép trả ngôi cho cháu còn liên quan đến một câu chuyện kỳ lạ, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Duy Diêu, râu rồng, mắt phượng, là con trưởng Thuần Tông và là cháu nhà vua (Ý Tông Duy Thận). Duy Diêu lấy địa vị người con trưởng, đáng được lập làm vua từ trước. Nhưng vì chú ruột là Duy Mật dấy quân, nên Trịnh Giang truất đi, đã lâu vẫn bị giam cấm. Trịnh Doanh mật sai người dời Duy Diêu đến ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận. Trước đây, Tất Thận chưa biết việc này. Một đêm, nằm mộng thấy một người "kẻ cả" đến nhà, cờ quạt âm nhạc, hệt như nghi trượng thái bình thiên tử. Sáng hôm sau, thấy Duy Diêu đến. Tất Thận bèn đem việc này nói với Doanh. Doanh muốn nhờ vào phúc đức Duy Diêu, mới cùng các đại thần bàn định tôn lập làm vua và xin nhà vua nhường ngôi cho Duy Diêu”.
Sách còn cho biết thêm: “Lúc bấy giờ giặc cướp tràn lan, dân tình náo động. Doanh nghe nói mộng ấy, cho là điềm tốt, muốn nhờ phúc đức của vua để yên quốc gia, bèn lấy cớ chuộng dòng đích, tâu xin Ý Tông nhường ngôi cho vua. Lúc bấy giờ quyền ban tước, khen thưởng, cho hay lấy, tha hay giết và việc chinh phạt đều do nhà chúa quyết cả”. Tiếp đó còn có lời bình về Lê Ý Tông như sau: “Vua lúc lên ngôi là em nối anh. Lúc nhường ngôi lại là chú trả cháu, việc người mà ý trời, chứ chả có lòng nào. Rút cục lại được tôn xưng, hưởng mỹ thụy, há chẳng là ngẫu nhiên đó sao”.
Từ khi bị ép trả ngôi cho cháu, Lê Ý Tông sống âm thầm trong cung cấm với vai trò là Thái thượng hoàng. Đến tháng 6 nhuận năm Kỷ Mão (1759) Lê Ý Tông mất ở điện Kiền Thọ, hưởng thọ 41 tuổi. Triều đình dâng tôn thụy cho ông là Ôn gia Trang túc Khải túy Minh mẫn, khoan hồng, Uyên duệ Huy hoàng đế.
Lê Thái Dũng