"Ăn đồng chia đủ" mới tốt?
Chị Ngọc, một nhân viên hành chính chia sẻ, thi thoảng tranh thủ giờ rảnh buổi trưa, chị và bạn bè thường hẹn hò ăn uống. Khi là vì công việc, khi chỉ là những chia sẻ về những chuyện gia đình, cuộc sống. Nhưng dù là bạn bè hay là đồng nghiệp, điều đáng nói ở đây, chị Ngọc kể, đó là văn hóa "share tiền - chia tiền" sau mỗi bữa ăn, sau mỗi chầu cà phê.
Chị Ngọc không biết văn hóa này có từ bao giờ, và có phải từ phương Tây du nhập vào Việt Nam hay không nhưng chuyện tiền bạc, tài chính luôn là vấn đề "nhạy cảm". Mới đầu, một số người bạn của chị còn tỏ ra ngần ngại khi phải sòng phẳng tiền bạc nhưng sau vài lần chia tiền như thế lâu rồi thành quen. Đa số bạn bè của chị Ngọc đều thấy thoải mái khi san sẻ với nhau nên chẳng ai phản đối gì.
Sau mỗi cuộc ăn uống vui chơi giới trẻ thường có thói quen "share" tiền. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Nhưng các anh chị đồng nghiệp ngay lập tức gạt phắt và bảo: "Bọn tớ toàn chia thôi. Cậu đừng làm thế mất hay". Thế là hóa đơn hết 210.000 đồng chia đều 7 người, mỗi người tự bỏ ra 30.000 cùng góp vào để trả. Theo anh Nam, như thế cũng hay, vì cùng làm với nhau chẳng ai nợ ai mà lại công bằng, đỡ phải nhìn nhau khó xử, rồi có khi lại còn ảnh hưởng đến công việc.
Còn anh Công, một du học sinh từ Mỹ về cũng chia sẻ, anh chơi thân với một cậu bạn và một cô bạn nữa. Cả 3 cùng là du học sinh Mỹ, người về nước trước, người về sau, mỗi người một công việc khác nhau. Rảnh rỗi, cả 3 tụ tập ăn tối, cà phê. Cuối buổi, giữa họ chẳng bao giờ có cảnh tranh nhau trả tiền mà hoàn toàn chia đều theo đầu người. Lần nào cũng thế, chưa bao giờ vì chuyện 2 đấng mày râu không chịu "bao" phái nữ mà tình cảm bạn bè giữa họ bị sứt mẻ.
Đến "tình phí" cũng "chia"!!!
Bạn Nga, sinh viên Đại học KHXH&NV nhớ lại câu chuyện mà một người chị đã kể lại cho Nga nghe, chị Nga có một người bạn yêu một anh thuộc họ "Ki". Có lần cô bạn đó đi mua áo, chàng điện thoại hỏi nàng đang ở đâu rồi lập tức phi đến.
Thấy người yêu đến, lại lăng xăng xắn tay áo vào chọn cùng, cũng "nhiệt tình" chê áo nọ, khen áo kia làm nàng như mở cờ trong bụng. Thế nhưng đến lúc thanh toán, chàng lờ lớ lơ quên mất hành động ga lăng, nói nhanh: "Anh ra lấy xe trước nhé" rồi chạy vù ra cửa, bỏ lại nàng đứng chưng hửng.
Theo Nga, thực ra vì cô bạn gái ấy quá quen với tâm lý người móc ví trả tiền bao giờ cũng phải là đấng nam nhi nên mới hụt hẫng, chứ còn giới trẻ ngày nay dù là tình bạn hay tình yêu, họ cũng không còn quá câu nệ chuyện này.
Đồng tình với quan điểm của Nga, chị Thanh, làm việc tại một cơ quan Nhà nước cũng cho rằng bạn bè mình khi yêu cũng không bao giờ nhất nhất quan niệm rằng, bạn trai phải trả tiền cho mình từ A đến Z. Thanh kể, cũng có nhiều bạn trai vẫn cương quyết đòi trả tiền khi đi ăn, đi uống nước hay đi xem phim.
"Nếu là người con gái biết suy nghĩ cho mình và cho người yêu, chắc chắn cô ấy sẽ bằng cách này hay cách khác để bù đắp những thiệt thòi cho bạn trai của mình. Không phải chia đều 50/50 đâu, nhưng ví dụ như nếu anh ấy xếp hàng mua vé xem phim cho cả 2 thì người bạn gái đó có thể đi mua đồ ăn, nước uống. Hay chọn một dịp nào đó, mua một món quà nhỏ nhỏ tặng cho người yêu cũng là một cách "có qua có lại", Thanh bày tỏ.
Một bạn nam tên C. cũng cho biết, quan niệm yêu thì nam giới phải trả tiền ngày nay không còn nặng nề như xưa nữa. Có những trường hợp 2 người yêu nhau mà hoàn cảnh, điều kiện kinh tế không mấy khá khẩm, thì bữa này anh mời anh trả, bữa sau em mời em lại trả thì cũng là điều hoàn toàn bình thường.
"Hơn nữa, nữ giới ngày nay cũng có điều kiện hơn ngày xưa. Có những đôi yêu nhau nhưng bạn gái lại kiếm tiền nhiều hơn bạn trai, nếu quá câu nệ cứ con trai phải trả tiền thì chẳng mấy mà tình cảm rạn nứt. Tình cảm chỉ có thể bền vững khi họ biết chia sẻ với nhau cả về tiền bạc, kinh tế", C. cho biết.