Tin tức - pháp luật 2012-10-16 03:50:54

Còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí?


Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) buộc báo chí đưa tin về hành vi tham nhũng “có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu” trong khi việc bảo vệ nguồn tin được coi là “lá chắn” của báo chí trong cuộc chiến không khoan nhượng này



Quang cảnh buổi hội thảo sáng 15-10


“Nếu báo chí đưa tin mà để lộ nguồn tin thì vô hình trung đi tố cáo người cung cấp thông tin. Cứ lộ ra như vậy, còn ai dám cung cấp thông tin cho báo chí nữa?” - ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhấn mạnh như vậy tại hội thảo “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí” do Báo Pháp Luật TPHCM phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) tổ chức ngày 15-10 tại Hà Nội.

Mất “lá chắn” của báo chí

Hội thảo diễn ra trước thời điểm Quốc hội thảo luận thông qua dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN, sửa đổi). Trong đó, khoản 4, điều 101 quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Trong khi đó, điều 7 Luật Báo chí quy định phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí “có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

Như vậy, nếu dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (khai mạc vào ngày 22-10 tới đây) thì bất kỳ một cơ quan Nhà nước nào cũng đều có quyền đến cơ quan báo chí yêu cầu cung cấp nguồn tin mà cơ quan báo chí sử dụng để đăng tin, bài về vấn đề tham nhũng, tiêu cực.

Nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhấn mạnh: “Việc quy định báo chí không tiết lộ nguồn tin là quy định phổ biến của thế giới. Khi hội nhập thì phải tiếp thu những thông lệ tiến bộ của thế giới”.

Đồng tình quan điểm này, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại nếu được thông qua, điều 101 của dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ có tác động mạnh đến việc PCTN trên báo chí và người tố cáo tiêu cực. Từ đó hạn chế báo chí thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh PCTN. Mặt khác, nhiều nhà báo cũng bày tỏ sự băn khoăn khi điều 101 của dự thảo sửa đổi Luật PCTN có tác động sâu rộng đến báo chí nhưng cơ quan soạn thảo không lấy ý kiến của cơ quan báo chí là chưa khách quan.

Cản trở nhà báo tác nghiệp

Trên góc độ phục vụ tác nghiệp, nhà báo Hà Kim Chi, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cũng đặt vấn đề việc bảo vệ nguồn tin là trách nhiệm sống còn của nhà báo. “Nếu chưa kết thúc vụ việc đã phải trình bày các thông tin đến rất nhiều đối tượng như vậy sẽ khai thác thông tin tiếp theo thế nào? Phải coi chống tiêu cực là thi hành nhiệm vụ đặc biệt và các hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp sẽ phải bị xử lý nghiêm minh” - bà Chi nhấn mạnh.

Nhà báo Bá Kiên (Báo Tiền Phong) lo ngại nếu được Quốc hội ban hành, nó sẽ là căn cứ để bất kỳ cơ quan Nhà nước nào, từ công an, thanh tra, UBND, kiểm tra Đảng… đều có quyền đến cơ quan báo chí yêu cầu cung cấp nguồn tin mà cơ quan báo chí sử dụng để đăng bài, lúc đó báo chí không có quyền từ chối. Điều này cản trở cuộc chiến chống tham nhũng, đi ngược chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

“Không ai dám khẳng định việc cơ quan chức năng sau khi được cung cấp thông tin, tài liệu, nguồn tin họ sẽ dùng vào mục đích tốt, không lợi dụng để phục vụ cho lợi ích và động cơ cá nhân, gây hại cho nguồn tin?” - nhà báo Bá Kiên phản biện.

Ở góc độ cơ quan Nhà nước về quản lý báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Pháp luật Chính sách Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng chỉ ra một thực tế: “Đấu tranh PCTN là công việc vô cùng khó khăn, các nhà báo ngoài việc thu thập thông tin còn phải bảo vệ người cung cấp thông tin cho mình, tránh các hệ lụy đối với họ”.
Đề nghị bỏ khoản 4, điều 101 của dự thảo


Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã đề nghị ban tổ chức hội thảo chuyển các nội dung nói trên lên Quốc hội và Chính phủ đề nghị bỏ khoản 4, điều 101 dự thảo sửa đổi Luật PCTN; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định tại điều 7 của Luật Báo chí.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUYẾT - NLD


Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)