Cosplay là viết tắt của cụm từ Costume Play, nghĩa là hóa trang, ở đây được hiểu là “mặc những bộ trang phục của những nhân vật truyện tranh/hoạt hình và hóa thân thành tính cách của họ”. Ban đầu, trào lưu này chỉ có ở Nhật, nhưng sau này fan các nước trên thế giới cũng học theo và từ đó, cosplay trở thành một trào lưu rộng rãi trên toàn thế giới. Từ đó, cosplay không chỉ giới hạn ở việc hóa trang thành nhân vật truyện tranh, mà hóa trang thành các diễn viên, các ngôi sao ca sĩ cũng được coi là cosplay.
Cosplay nhân vật - Neon Genesis Evangelion/ Cosplay Superman
Cosplay đã trở thành một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp Manga Anime đã mang lại doanh thu bạc tỉ hàng năm cho Nhật Bản. Hàng năm có hàng trăm những festival lớn nhỏ được tổ chức. Riêng ở Mỹ, một năm có đến hàng chục festival trên cả nước, có một lễ hội chính thức mang tính quốc gia là Anime Expo. Festival mang tầm cỡ thế giới được tổ chức tại Nhật là Japan’s World Cosplay Summit, mỗi năm tổ chức một lần, luôn thu hút các cosplayer từ khắp nơi trên thế giới đổ về Nhật Bản cũng như các du khách. Japan’s World Cosplay Summit 2007, Anime Expo 2007 tại Mỹ
Còn ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, Cosplay không còn là một khái niệm xa lạ đối với giới trẻ nói chung và các bạn trẻ mê truyện tranh nói riêng. Ban đầu, bắt đầu bằng những lễ hội đơn giản và mang tính tự phát được tổ chức bởi một vài forum nhỏ, cho đến những lễ hội được tổ chức bởi những nhà tổ chức có tiếng tăm như nhà xuất bản Kim Đồng, hay những lễ hội do các nhà sản xuất muốn dùng cosplay quảng bá sự kiện của mình như X-style 2007 và Cos Ground 2008 của Mirinda … Đặc biệt phải kể đến lễ hội Acctive Expo năm 2007 được tổ chức tại Triển lãm Vân Hồ, không chỉ đưa đến một cái nhìn mới về cosplay nói riêng và văn hóa Nhật Bản nói chung, mà còn đưa đến cho khán giả một sân chơi thực sự sôi động với những màn biểu diễn công phu trên sân khấu. Chương trình biểu diễn buổi tối
… Đến những phong cách thời trang đặc biệt chỉ có ở Nhật BảnLàn gió cosplay đã thổi vào lòng thế hệ trẻ Việt Nam những nét mới của văn hóa Nhật Bản, trong đó nổi trội là văn hóa “thời trang đường phố” của Nhật. Có thể nhìn nhận một cách khách quan, nó đã trở thành trào lưu ở Việt Nam, có những nhóm cộng đồng đã chọn phong cách thời trang độc đáo này để làm nên thương hiệu bản thân.
Các bạn trẻ theo phong cách “Harajuku”
Ngọc Trang (22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Ngoại Thương) cho biết: “Những thứ màu mè xé te tua tầng tầng lớp lớp mà các bạn trẻ mặc bây giờ không phải là tất cả thời trang Harajuku đâu. Thời trang Harajuku chia nhiều nhánh lắm, riêng tớ thì tớ thấy Gothic với Lolita đẹp, đồ kiểu quý tộc, búp bê, diêm dúa trông yêu lắm!” Lolita, Punk
Thời trang theo phong cách Nhật Bản đã gây ra những phản ứng khác nhau trong dư luận, ngay cả đối với những bạn trẻ, có những người cũng không chấp nhận được phong cách thời trang này. Cẩm Vân (23 tuổi, nhân viên công sở), gay gắt: “ Nhiều người thế hệ sau mình bây giờ mặc cái thời trang gì ấy, tự phong cho bản thân là Unisex từ Harajuku. Mình biết thừa Harajuku làm gì có cái nhánh nào tên là Unisex đâu. Hồi trước khi đi làm mình thích mặc đồ Punk, giờ ngày nghỉ hay có lễ hội gì mình vẫn mặc thế.” Một thành viên trong ban biên tập Ichinews chuyên về manga anime cho biết: “Người không trong giới dễ thích cái bề nổi mà bắt chước, cố tỏ ra khác người để gây ấn tượng. Thời trang đường phố Nhật Bản rất phức tạp, nếu bạn không nghiên cứu kĩ thì không thể hiểu hết. Rất tiếc là có những bạn trẻ thích thể hiện bản thân quá mức làm người khác hiểu lệch lạc về thời trang Nhật Bản. Báo giới cũng hay viết về những bạn trẻ này khiến ấn tượng về nó lại càng xấu nữa. Thực ra phong cách thời trang đường phố Nhật Bản đã tồn tại rất lâu và vẫn còn đang phát triển. Chuyên mục Ichi Fashion trong trang tin của bọn tớ chuyên khai thác đề tài này, vì đấy là đam mê chung của dân mê truyện trang và cosplay bọn tớ!”
Ở Nhật có rất nhiều nơi quy tụ thời trang đường phố: Harajuku, Shibuya, Shihabara… Sở dĩ nó được gọi là thời trang đường phố cũng bởi vì dòng thời trang này những “người mẫu” không bước trên sàn catwalk, họ bước đi trên đường phố vào mỗi ngày Chủ Nhật, tập hợp thành từng nhóm, đi dạo,thậm chí ngồi cắm trại trên cây cầu Harajuku. Ở Shibuya thì đường phố đông đúc hơn, những cô gái ở đây cũng hướng đến phong cách thời trang điệu đà và xa hoa hơn là sự ngây thơ hay nổi loạn ở Harajuku. Những nhánh phong cách có thể tìm thấy ở Shibuya là Kogal, Ganguro…
Cầu Harajuku, nơi giới trẻ tụ tập vào các ngày nghỉ
Các phong cách thời trang đường phố có một mối quan hệ chặt chẽ đối với nền manga của Nhật. Những họa sĩ vẽ truyện lấy mẫu thời trang ngay trên đường để làm cảm hứng, cũng như những người đọc lại lấy những bộ trang phục trong cuốn truyện mình yêu thích để làm phong cách cho chính mình. Có rất nhiều những tác giả truyện tranh đã hình thành được một phong cách thời trang riêng được nhiều người biết đến, cũng có những họa sĩ đã từ việc thiết kế trang phục cho nhân vật trở thành nhà thiết kế thời trang và tạo thành hãng thời trang của riêng mình. Mối quan hệ và tính chất qua lại của hai ngành công nghiệp này đã làm nên một phần văn hóa của Nhật Bản. Hiểu được điều này, dân mê truyện tranh ở Việt Nam càng say mê hơn với những bộ đồ tự thiết kế dựa trên những mẫu hình trang phục của nhân vật truyện mình yêu thích, hay là biến tấu từ những mẫu có sẵn trên các tạp chí thời trang của Nhật. Bởi vậy nên dân mê truyện mừng húm khi bắt gặp cuộc thi MIC – thiết kế thời trang theo cảm hứng truyện tranh dành cho những bạn trẻ đam mê thời trang Nhật Bản sẽ được cộng đồng Truyện tranh và Họa hình Việt Nam ACC tổ chức biểu diễn và trao giải vào lễ hội ACCtive Expo 2008 vào 21 tháng 9 này. Đó là một cơ hội để dân anime manga lại một lần nữa có thể sống trong không khí của cosplay, thời trang Nhật Bản, không khí của sự say mê./.