Căn nhà của NSƯT Trần Hạnh nằm lặng lẽ trong một con ngõ nhỏ ở gần ga Trần Quý Cáp, Hà Nội. Tổ ấm đơn sơ, không có nhiều đồ đạc, soi sáng bởi ánh đèn heo hắt. Ông tiếp chúng tôi trong không gian vừa là phòng thờ, vừa là chỗ ngủ của hai bố con. Chỗ ngủ đơn giản, chỉ là tấm chiếu mỏng được trải ra dưới lớp chăn cũ kỹ. Hỏi vì sao không kê đệm nằm cho đỡ lạnh và đau lưng, người nghệ sĩ nói mình không quen nằm đệm, nằm giường.
Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và xúc động trước hình ảnh người nghệ sĩ già trong bộ quần áo đã sờn màu dùng bữa cơm chiều đạm bạc, chỉ là một bát cơm trắng với chút muối lạc. Nếp nhăn của thời gian in hằn trên khuôn mặt khi ông vừa ăn vừa kể những câu chuyện cuộc đời, thỉnh thoảng lại nở nụ cười ấm áp.
“Mỗi người chỉ có một lần sống, phải trân trọng và yêu quý nó”
NSƯT Trần Hạnh tâm sự, cách đây 2 năm vợ ông qua đời do bệnh nặng. Ngày xưa lúc vợ còn sống, ông không phải lo nghĩ điều gì, công việc nhà đã có bà làm. Thời gian ông chỉ tập trung cho việc đóng phim, kiếm tiền nuôi gia đình. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, một mình ông phải quán xuyến việc nhà từ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo….
Nhắc chuyện gia đình, đôi mắt ông lại đượm buồn và đỏ hoe. Vợ chồng ông trước kia có 7 người con nhưng giờ chỉ còn 4. Trong đó, 3 người con đã xây dựng cuộc sống gia đình riêng, chỉ còn cậu út là ở lại với ông. 20 năm trước, do bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ảnh hưởng đến dây thần kinh nên giờ anh không còn tỉnh táo. Chính vì vậy, mỗi lần đi đóng phim xa nhà là ông lại đau đáu, lo lắng không yên. Chỉ những lần đi tận miền Nam hay vào Thanh Hóa, ông mới nhờ con gái, con dâu ở bên cạnh qua trông hộ. Còn không thì sáng đi đóng phim, chiều tối người nghệ sĩ già lại vội vã về nhà lo cơm nước cho con trai.
Góc nhỏ đơn sơ trong nhà, cũng là chỗ ngủ của NSƯT Trần Hạnh
Cậu con trai út nằm ở góc bên cạnh
“1 tháng lương hưu của tôi cũng chỉ được 2 - 3 triệu, vừa phải chi tiêu cơm ăn hàng ngày, vừa phải lo các khoản lặt vặt khác… Thi thoảng con gái hay con dâu cũng cho một ít nhưng tôi không lấy. Các con còn gia đình, còn nhiều việc phải lo. Kể hơi khó khăn một tí cũng không sao, bố con tôi có thì ăn thịt, không có thì ăn rau…” - ông tâm sự.
Mặc dù cuộc sống vất vả, lúc nào cũng xoay quanh cơm áo gạo tiền, nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn luôn khẳng định ông không buồn bởi vì bên cạnh vẫn còn các con, các cháu. “Buồn làm gì. Cuộc đời chẳng có gì buồn, vui lên con ạ. Buồn chẳng mang lại gì cả, mà chỉ khổ thêm. Mỗi người đều có một lần sống, nên phải trân trọng và yêu quý nó...” - ông cười tươi nói.
“Giờ được đạo diễn nào gọi đi đóng phim là tôi vui lắm”
Kể từ khi vợ mất, NSƯT Trần Hạnh suy sụp tinh thần và sức khỏe rất nhiều. 2 năm đó ông không nhận lời tham gia bất kỳ bộ phim nào. Chỉ đến cách đây ít tháng, ông mới quyết định trở lại với bộ phim Ma Làng phần 2 của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. “Quay lại đóng phim vui lắm, gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp tôi thấy mình khỏe hơn. Ở nhà mỗi bữa chỉ ăn được lưng bát cơm, nhưng đi làm tôi lại ăn được 2 bát. Có khi chỉ cần cơm canh, thêm chút rau và mấy quả cà pháo cũng đủ ngon rồi.”
Với ông, giờ được đạo diễn nào gọi đi đóng phim là ông vui lắm, ông nhận lời ngay. Ông tâm sự, lớp diễn viên trẻ bây giờ sướng hơn thời của ông nhiều lắm. Dường như ai cũng đầy đủ hơn, sung túc hơn… đi làm đều bằng xe hơi, còn ông ngày qua ngày vẫn lóc cóc trên chiếc xe máy cũ quen thuộc. Nhưng ông lại bảo mỗi thời đều có những sự khác nhau, chẳng thể so sánh khập khiễng được.
Vai diễn bố Lọt trong phim "Ma Làng" phần 2 sẽ đánh dấu sự trở lại của
NSƯT Trần Hạnh sau 2 nắm vắng bóng
Khi được hỏi về sự ra đi đột ngột của cố nghệ sĩ Văn Hiệp để lại nhiều thương tiếc cho người hâm mộ, NSƯT Trần Hạnh trầm ngâm: “Nếu những ai quan tâm tới Văn Hiệp thì đều biết ông ấy bị bệnh nặng hơn một năm nay rồi. Suy cho cùng ai cũng có tuổi già và cũng đến lúc cát bụi trở về với cát bụi. Văn Hiệp vẫn là nghệ sĩ của nhân dân, được mọi người yêu mến. Đôi khi, cái danh hiệu cũng không còn quan trọng.”
Nói đến đây, NSƯT Trần Hạnh bất giác đượm buồn. Ông kể mình là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1982-1984. Sau bao nhiêu năm cống hiến, bậc lương của ông vẫn không được tăng. Nhưng ông vẫn hạnh phúc khi được mọi người yêu mến và nhớ đến.
Ánh mắt người nghệ sĩ già lại ánh lên niềm vui khi ông tự hào kể về bộ phim mà mình nhận được cát-sê cao nhất. Ngày đó, ông chỉ quay có 1 tháng trong bộ phim Vệt nắng cuối trời nhưng cát-sê lên đến 48 triệu đồng. Bởi cái thời của ông, mỗi khi tham gia đóng phim tiền thù lao nhận được ít lắm, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Những câu chuyện về nghề, về đồng nghiệp, những lần đi đóng phim từ Bắc vào Nam như được tái hiện lại một cách sống động qua từng lời kể của NSƯT Trần Hạnh. Thỉnh thoảng đang nói chuyện, ông lại có cuộc điện thoại của đoàn làm phim nhắn mai nhớ đi quay phim, rồi vài ba người hâm mộ gọi hỏi thăm. Ông bảo cuộc đời người nghệ sĩ chẳng còn gì hạnh phúc hơn khi về già vẫn tiếp tục được đóng phim, được cống hiến hết mình. “Mặt trời mọc mặt trời phải lặn thôi. Quy luật của tự nhiên, chẳng có gì phải lo nghĩ cả.”
Mọi đồ dùng trong nhà đều không có gì đáng giá
Chiếc bàn ngày xưa ông ngồi để làm giày, giờ cũng không còn sức để tiếp tục công việc đó
Dù cuộc sống vất vả nhưng NSƯT Trần Hạnh vẫn luôn giữ thái độ lạc quan
[justify]NSƯT Trần Hạnh tên đầy đủ là Trần Ngọc Hạnh, sinh năm 1929 tại Hà Nội.[/justify]
[justify]Bố mất khi Trần Hạnh mới lên 8 tuổi. Từ năm 17, 18 tuổi, ông đã phải sống tự lập. Thời Pháp - Nhật đánh nhau, đi sơ tán bên Đông Dư (Gia Lâm), Trần Hạnh đã ra đồng làm. Tháng Giêng năm 1947, ông đi cùng tự vệ ra Hà Nội về Bình Lục, Hà Nam và tiếp tục làm đồng. Năm 1955, ông đi khôi phục kinh tế khu vực đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Mất 2 năm làm công trình, Trần Hạnh về Hà Nội làm giầy. [/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Sau đó, ông tham gia vào Đoàn kịch Hà Nội. Một số vai diễn gây được tiếng vang như Nguyễn Trãi trong vở Lam sơn tụ nghĩa (1962), Vũ Khiêm trong Tiền tuyến gọi đã mang về cho diễn viên “tay ngang” Trần Hạnh giải vàng, và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.[/justify]
[justify]Đến năm 1989, ông về hưu và tham gia nhiều tựa phim truyền hình, phim nhựa được khán giả nhớ mặt, nhớ tên. Một số vai diễn do NSƯT Trần Hạnh thủ vai đã ăn sâu vào tâm trí khán giả nhiều thế hệ như: vai Bí thư Đảng ủy trong phim Làng Nổi, ông Cần trong Cuốn sổ ghi đời, ông Khiển trong phim Người cầu may, cụ đồ trong phim Thời xa vắng, ông già bơm xe đạp đường phố trong Thần làng xổ số…[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Nguồn: Kênh 14
[/justify]