Vừa đặt chân đến đây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cành ổi khô gắn những bông hoa đào nhựa buộc chằng chịt trước dãy nhà trọ lụp xụp, tồi tàn và ẩm thấp.
Ở phía dưới chừng 5-6 cư dân "xóm thận" đang ngồi trò chuyện, chốc chốc lại ngẩng lên nhìn vào cành cây vẫn còn trơ trụi mấy lá ổi khô. Hỏi ra mới biết, đấy là cành đào do cư dân "xóm thận" tự tạo treo lên để có không khí ngày Tết. Ở ngay giữa thủ đô, với những cư dân "xóm thận", hoa đào cũng là cả một ước mơ xa vời.
Cành đào tự tạo ở "xóm chạy thận" nằm sâu trong ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (Hà Nội) Cư dân ở "xóm thận", gương mặt ai cũng gầy guộc, xanh xao vì căn bệnh quái ác. Anh Khai (Sơn La) là bệnh nhân có thâm niên chạy thận lâu nhất, 19 năm ở xóm này Bác Nguyễn Văn Tấn (74 tuổi, quê ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), trưởng "xóm thận" |
Một quy luật bất thành văn của cư dân xóm này là chạy và chạy. 3 ngày chạy một lần, cả tháng chạy 13 lần, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Vì thế, Tết với cư dân "xóm thận" là cả một nỗi lo, nhiều người sống trong nỗi quay quắt sợ Tết.
Đã 11 năm nay, kể từ khi mắc căn bệnh quái ác, cô Trương Thị Thúy Mai (53 tuổi, ở Yên Khánh, Ninh Bình) chưa năm nào có một cái Tết trọn vẹn. Ngồi trong phòng trọ lụp xụp, cô Mai cứ thở dài ngao ngán: “Chiều 29 chạy thận xong đến 30 Tết thì bắt xe về nhà, đến mồng 2 Tết lại lên ngay, bệnh này không chạy đều đặn thì bỏ mạng lúc nào không biết”.
Cô Mai kể, 2 năm trước, Tết đều phải ở lại vì bệnh nặng, không có đủ sức về quê. 3 ngày Tết ở xóm thận, cô chỉ nằm bẹp trong căn phòng không bước ra ngoài. Tết đang đến cận kề nhưng cô Mai đang quay cuồng lo tiền chi trả thuốc thang, viện phí.
Nhiều hôm xương khớp rã rời cô vẫn cố gắng đi bán nước chè rong trong viện để kiếm sống. Mặc dù các loại thuốc bổ để hồi sức sau khi lọc máu đã cắt giảm tối đa nhưng vẫn không đủ tiền chi trả. “Thuốc tim, huyết áp vẫn chưa có, 1 triệu tiền thuốc còn nợ chưa thanh toán hết không biết mấy ngày Tết lấy đâu ra thuốc uống”, cô Mai rầu rĩ.
Phận người không có Tết
Trong cuốn sổ theo dõi những cư dân "xóm thận", Tết này cả xóm có đến 11 người đăng ký ở lại. Nhà cách bệnh viện Bạch Mai hơn 60 km nhưng chị Phùng Thu Hằng (32 tuổi, ở Tản Lĩnh, Ba Vì) không dám về vì bệnh nặng. Ngoài bệnh thận chị còn bị thêm chứng suy tim, khó thở.
Mấy ngày trước, chị về quê và kịp chặt một cành đào ở nhà mang đi tạo không khí ngày Tết. Ở "xóm thận", cành đào của chị là “của hiếm”, ai đi qua cũng ngắm, rồi ngồi tỉ mẩn đếm từng nụ đào chưa nở.
“Từ bây giờ đến qua Tết chắc không còn gì nữa. Tết ở đây buồn, nhớ nhà lắm nhưng phải chịu thôi”, chị Hằng ngậm ngùi.
Niềm vui của cư dân "xóm thận" nhận được bánh chưng của các tổ chức thiện nguyện giúp đỡ. Trong ảnh: Cô Hoàng Thị Tư (ở giữa, 53 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) Chạy thận lâu năm tay ai cũng nổi đầy u cục, chằng chịt vết kim tiêm để lọc máu |
Hàng ngày cứ lủi thủi đi bán vé số mưu sinh tự kiếm tiền mua thuốc thang chạy chữa bệnh tật.
Éo le thay, từ khi mắc căn bệnh quái ác, vợ ruồng bỏ, bác Tước quẫn chí bỏ quê, tá túc ở xóm chạy thận từ đó đến nay. Nhắc đến Tết, bác Tước lắc đầu lia lịa rồi lầm lũi lảng tránh đi nơi khác.
Căn bệnh quái ác khiến những cư dân "xóm thận" trở nên nghèo khó và thiếu thốn cùng cực. Mỗi lần chạy thận cũng được hỗ trợ kinh phí từ 80 - 95%, nhưng họ còn phải bỏ tiền mua thêm thuốc và bồi dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi sau mỗi lần chạy thận mới mong kéo dài thêm sự sống.
Tính cả tiền thuê trọ, thuốc thang và chi phí lọc máu, mỗi người mất trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Nhiều người không đủ tiền phải tranh thủ đi chạy xe ôm, bán ngô, bán nước để kiếm tiền lọc máu.
Cả một năm trời đến Tết, cư dân "xóm thận" hầu như không ai sắm sửa được gì. Cuối năm chỉ chờ đợi bánh chưng, kẹo bánh, cân đường hay chai nước mắm từ các đoàn từ thiện đến chia sẻ.
Vừa mới tiếp 700ml máu được vài hôm nhưng cô Hoàng Thị Tư (53 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) chỉ ăn bánh mì, cơm trắng lót dạ cho đỡ đói vì hết tiền. Ăn uống kham khổ, bệnh tật hành hạ khiến cô gầy rộc, da xanh xao hẳn đi.
“Chiều 26 tháng Chạp vừa rồi, cả xóm mừng rơn khi có đoàn từ thiện mang bánh chưng đến. Mỗi một bệnh nhân được một chiếc bánh chưng nhưng tôi vẫn chưa dám ăn, để dành mang về quê làm quà cho con nữa chứ”, cô Tư bộc bạch