Tôi đến với Colmar như bước vào cuộc hẹn hò với người tình bé bỏng, đầy chờ mong hạnh ngộ và chưa bao giờ hết đắm say…
Thuở đó nhà tôi cách Colmar chỉ mười lăm phút đi xe. Một năm tôi đến với Colmar năm lần. Ai nghe cũng ngạc nhiên, ngay cả người Colmar, vì nơi này nhỏ lắm. Người ta đến cái thành phố thượng nguồn sông Rhin này, đi loanh quanh chừng một vài tiếng đã thấy lòng no đủ. Nhưng lần nào đến với Colmar, tôi cũng mang theo nhiều mê đắm, chờ mong và có biết bao hạnh ngộ với những điều bất ngờ nho nhỏ.
Những con đường lát đá miền Đông Bắc
Colmar được ví von với Venice, huyền thoại nước Ý, bởi nơi đây có dòng Launch yêu kiều đổ xuống từ hạ nguồn núi Vosges, uốn lượn quanh những ngôi nhà kiểu Alsace. Người ta đến với từng thành phố của Alsace này vì những lý do khác nhau. Strasbourg là thủ phủ hành chính của vùng, nơi có trụ sở của Hội Đồng và Nghị viện Châu Âu. Mulhouse, nơi được mệnh danh là thành phố ngàn ống khói, là trung tâm của những nhà máy công nghiệp hàng đầu. Còn Colmar, người ta tìm đến đơn thuần chỉ vì nàng đẹp và nàng có những câu chuyện kể rất duyên. Mỗi lần tôi ghé thăm Colmar, mùa màng lại thay đổi, nhuộm lên những góc phố những màu sắc khác nhau. Tháng ba hoa thủy tiên, hoa diên vĩ tím nhô mình lên khỏi những chậu đất rải dọc theo con đường lát đá. Nhưng điều đọng lại vĩnh viễn theo tháng năm là màu hoa phong lữ thảo nơi những ô cửa Alsace. Suốt bốn mùa, màu hoa như đốm lửa đỏ bừng cháy từng góc phố, mái nhà. Màu sắc dập dìu thắp đi thắp lại, âm ỉ mãi trong lòng tôi nhiều năm tháng về sau.
Phố cổ Colmar |
Colmar là nơi ký ức thời gian còn đọng lại trọn vẹn. Lúc đó tôi không còn nhớ được bây giờ là bao giờ và đây là đâu. Thời Trung Cổ, những người buôn bán tụ hội lại thành từng nhóm, từng phường. Trên những ngôi nhà có tường nẹp gỗ, lác đác đây đó vẫn còn những biển hiệu dí dỏm của hàng xén, nhà hàng theo kiểu xưa. Kiến trúc của Colmar đậm chất Alsace, đẹp như một câu truyện cổ: mái ngói đỏ và đen dốc thẳng, tường nẹp gỗ, sơn màu tươi tắn, cửa sổ trổ nơi áp mái trang hoàng vô vàn sắc hoa. Đi dạo ở Colmar là một thú vui, một loại trải nghiệm lạ lùng mà rất ít nơi có thể đem lại cho các tâm hồn mơ mộng.
Cách thiết kế biển hiệu đặc trưng cho các nhà hàng, quán cafe trong phố cổ ở Colmar |
Những nhãn hiệu quen thuộc nơi thành thị lớn, nay nằm nép mình yêu kiều trong nếp nhà cổ, bên cạnh những boutique nho nhỏ bán vô vàn thứ xinh xắn và duyên dáng. Tôi đi một lúc lại dừng một lúc, khi thì cửa hàng craft để xem những mẫu giấy ép hoa, khi thì cửa hàng len sợi với người phụ nữ luống tuổi vừa nheo mắt cười vừa thành thục đan những tấm khăn tinh xảo. Colmar cưng chiều trí tưởng tượng của tôi, cho tôi ngỡ như mình đang sống vào mấy trăm năm trước. Mỗi bước đi lại như trải qua một thế kỷ. Maison Pfister và Maison de Têtes từ thế kỷ XVIXVII, đậm chất kiến trúc Phục Hưng Đức, Poêle des Laboureurs in dấu kiến trúc Baroque Đức, Cour d’assises tiêu biểu cho kiến trúc tân cổ điển Pháp… Colmar như người tình bé nhỏ, đôi lúc nghiêng về Pháp, thi thoảng lại ngả về Đức. Lịch sử và kiến trúc giao thoa, tạo thành một bản hòa tấu êm đềm.
Một nhạc công chơi nhạc cụ tự chế tại khu Tanner’s District |
Những câu chuyện nhỏ ở bảo tàng
Mọi thứ ở thành phố này đều nhỏ nhắn, ngay cả những bảo tàng. Bảo tàng Unterlinden có cái tên rất thơ: Dưới bóng cây đoạn. Ngày trước, đây là tu viện lớn nhất của vùng Alsace, nay trở thành nơi trưng bày những kỷ vật, tranh ảnh từ thời Trung Cổ và Phục Hưng. Những ai có đam mê với lịch sử nghệ thuật đều biết Unterlinden gìn giữ trong mình bức Isenheim Altarpiece danh tiếng của Grünewald và Hagenauer.
Vào lúc chiều ngả nắng, khi đi dọc hành lang của bảo tàng tu viện này, nhìn những vệt nắng và những bóng cột hắt lên tường, trí tưởng tượng của tôi bay xa, tưởng đến bước chân âm thầm của những tu sĩ dòng Dominican mấy trăm năm về trước. Không cách xa Unterlinden lắm là căn nhà của Auguste Bartholdi, người đã thiết kế bức tượng Nữ thần tự do mà nước Pháp năm 1886 gửi tặng Hoa Kỳ. Biểu tượng của nước Mỹ giờ đây vang danh khắp thế giới mà câu chuyện về Bartholdi vẫn yên lặng khiêm nhường nằm lại ở một ngôi làng bé nhỏ miền Đông Bắc nước Pháp.
Các bức điêu khắc gỗ trong Bảo tàng Unterlinden |
Căn nhà nơi Bartholdi ra đời nay trở thành một bảo tàng tưởng niệm, trưng bày các tác phẩm của nhà điêu khắc này. Những bức tượng trắng, những bức tượng đồng nằm trong căn phòng cũng trắng toát. Đôi mắt của từng bức tượng như dõi theo cử động của những con người đến rồi đi như cơn gió thoảng. Ở một con đường khác, tọa lạc ngay giữa lòng phố cổ là bảo tàng Đồ chơi, nơi chốn không phải chỉ dành cho trẻ nhỏ mà chào đón cả những tâm hồn muốn hoài vọng về thời thơ ấu. Ba tầng nhà đầy ắp những thứ đồ chơi dây cót, búp bê và máy móc. Ở trong thế giới ấy, truyện “Cáo và Cò” của La Fontaine hoặc Cinderella của Perrault, vốn đã là một phần tuổi thơ của các em bé Pháp, được thể hiện lại bằng mô hình rối máy sinh động. Và tôi đứng mê mải trước một em búp bê có mái tóc màu nắng, choàng khăn trắng, đôi mắt hạt dẻ. Trong tôi từ đâu vọng lại những tiếng hát trong trẻo thuở còn thơ.
Tôi nhớ đến Miyazaki Hayao, người kể chuyện xứ Phù Tang ấy cũng phải lòng nàng thơ Colmar nên đã đưa ngôi nhà Pfister từ thế kỷ XVI vào phim Lâu đài của pháp sư Howl. Người ta nói, để chiêm bái vĩnh viễn vẻ đẹp của một người đàn bà, hãy đem nàng vào một tác phẩm nghệ thuật, nơi nàng trở thành một nàng thơ vĩnh viễn không nhuốm màu tuổi tác. Ngày cuối cùng tôi rời Colmar là một ngày lá xanh khắp chốn, cái màu non trẻ của thanh xuân đó như hòa quyện với nền trời. Màu hoa phong lữ thảo rực rỡ trên từng ô cửa sổ. Khi ngửa đầu, nhìn thấy những tia nắng tháng năm xuyên qua nhành lá, tôi biết Colmar đang gửi đến tôi nụ hôn của những ngày hoa niên, để mong tôi mãi còn đắm say mà quên lối về.
Nhà hàng Koifhus nằm trong một căn nhà cổ, nơi bạn có thể thưởng thức các món ăn ngon của Colmar như tarte flambée, choucroute… |
Quỳnh Lê/ Bazaar VN