Sao Việt 2012-10-03 08:03:32

Điểm mặt 6 'thảm họa' khó phai của phim Việt


Khán giả Việt đang hình thành lại thói quen ra rạp xem phim, không chỉ phim ngoại của Mỹ, của Hàn hay của Trung Quốc mà cả phim Việt cũng rất được yêu thích. Điều đó thật sự là liều doping cực mạnh giúp cho các nhà làm phim Việt cảm thấy phấn chấn, sản xuất những bộ phim "made in Việt Nam", chiếu cho công chúng Việt thưởng thức.

Đã có những bộ phim tốt ra đời, tạo được hiệu ứng khán giả lành mạnh, dù mang tính thương mại nhưng vẫn đảm bảo những tiêu chí căn bản của nghệ thuật thứ bảy như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để Mai tính, Cánh đồng bất tận… hay trước đó là Hồn Trương Ba da Hàng Thịt, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết… Song, bên cạnh đó cũng bắt đầu xuất hiện những bộ phim kém, bị gọi là "thảm họa phim Việt".

Cùng điểm lại 5 thảm họa phim Việt chiếm giữ rạp chiếu:

Em hiền như ma sơ

Poster phim Em hiền như ma sơ.

Nội dung hời hợt, những màn chọc cười thất bại, những pha "khoe" kỹ xảo nực cười… là những phản hồi dành cho bộ phim Em hiền như ma sơ.

Được quảng cáo và truyền thông rầm rộ, có mặt nhiều tên tuổi đang được yêu thích như Anh Thư, ca sĩ Siu Black, Nữ hoàng dance sport Khánh Thu, Trấn Thành, lại do một đạo diễn Việt kiều thực hiện (mà nhiều người nghĩ Hoàng Thiên Trụ ít ra cũng "làm được" như Charlie Nguyễn hay Victor Vũ!)… nhưng khi phim ra rạp, nhiều khán giả có cảm giác bị "lừa" vì bộ phim không "đậm chất hành động, kịch tính, ly kỳ, lôi cuốn và hài hước" như quảng cáo, mà chỉ là một phim hài nhảm, siêu tưởng.

Lệnh xóa sổ

Poster phim Lệnh xóa sổ.

Lệnh xóa sổ là bộ phim võ thuật đầu tay của Hãng phim Hoàng Trần (và cũng có thể là cuối cùng), được thành lập bởi võ sư Việt kiều Trần Kim Hoàng, đầu tư khoảng 600.000 USD. Đích thân võ sư Trần Kim Hoàng đóng vai chính kiêm chỉ đạo võ thuật, nhà sản xuất.

Thế nhưng khi "siêu phẩm" 600.000 USD này kết thúc trên màn ảnh, khán giả cảm thấy "choáng" vì Lệnh xóa sổ là một trong những minh chứng cho thấy phim Việt ngày càng giàu có, từ quần áo đầu tóc diễn viên, motor phân khối lớn đắt tiền, xe sang tràn ngập, vũ trường nhạc ngoại cuồng nhiệt… nhưng lại vô cùng nghèo nàn về kịch bản, "lỏng tay" về đạo diễn.

Hello cô Ba

Poster phim Hello cô Ba.

Cũng như những bộ phim chiếu Tết trước đó, Hello cô Ba thật sự là một cái lẩu thập cẩm đúng "chuẩn Phước Sang" khi gom một rừng sao, từ sao lớn đến sao bé của các lĩnh vực, đông vui nhất là diễn viên hài, có cả võ sĩ Phạm Văn Mách tham gia. Tuy nhiên, "nồi lẩu" này để nhìn thì thấy ngon nhưng ăn rồi mới biết "thế nào là lễ độ" khi mọi thứ đều nhạt. Kịch bản, diễn xuất, đạo diễn, hình ảnh… không có yếu tố nào "ra ngô ra khoai".

Dù danh hài Hoài Linh diễn lại chiêu giả gái, trở thành nữ hoàng Ai Cập, minh tinh Marilyn Monroe, công chúa Ấn Độ nhưng không hề mang lại hiệu quả cao, bởi đây chỉ là những mảng miếng hài cũ kỹ, quen thuộc được anh "xào nấu" lại. Một điểm khiến người xem thấy khó chịu khác là nhà sản xuất cho quảng cáo thương hiệu thái quá trên màn ảnh.

Cảm hứng hoàn hảo

Poster phim Cảm hứng hoàn hảo.

Cảm hứng hoàn hảo - bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng đã bị dập te tua khi đưa lên màn ảnh một câu chuyện quá lệch lạc và loạn luân. Chỉ trong "siêu phẩm" này mới có chuyện 3 chị gái tìm cách kích thích "bản năng đàn ông" khi phát hiện cậu em trai đồng tính bằng việc để lộ sự khêu gợi của cơ thể…

So với bộ phim về đồng tính Hot boy nổi loạn của Vũ Ngọc Đãng ra rạp trước đó, Cảm hứng hoàn hảo không những không lấy được giọt nước mắt đồng cảm nào từ khán giả, mà còn khiến người xem cười muốn rớt khỏi ghế vì những lỗi ngớ ngẩn từ kịch bản đến dàn dựng.

Ranh giới trắng đen

Poster phim Ranh giới trắng đen.

Dù mang danh nghĩa phim hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Indonesia nhưng bộ phim Ranh giới trắng đen khiến khán giả hết hồn vì sự tụt hậu của nó khi mang hơi hướm phim cảnh sát Hong Kong… cách đây 30 năm. Điều này khiến khán giả vừa xem vừa cười khúc khích, không phải vì phim hài hước mà bởi những tình tiết ngô nghê đến khó chịu. Đi kèm với phần nội dung ngây ngô, đoàn làm phim còn tự tin chiêu đãi khán giả phần kỹ thuật dựng cẩu thả với những màn cắt ghép vô tội vạ.

Nàng men chàng bóng

Poster phim Nàng nem chàng bóng.

Và đỉnh điểm của "Thảm họa phim Việt" như nhận xét của nhiều người chính là sự xuất hiện của bộ phim Nàng men chàng bóng với những đánh giá "nặng nề" nhất trong số những phim được xếp cùng loại: "Không thể tưởng tượng khi người ta gọi đó là phim, cú vả thật sự vào mặt khán giả", "Hài ngán ngẩm với những màn hài kịch nhạt nhẽo, một dạng của tấu hài phường xã", "Phim siêu nhảm dội gáo nước lạnh dội vào điện ảnh Việt", "Như giọt nước tràn ly - chịu - đựng, khi thị trường điện ảnh VN có thêm một phim hài dạng… siêu nhảm được làm khá tùy tiện, dễ dãi"…

Một số phim gần… thảm họa

Ngoài các phim đã "điểm mặt" trên, vẫn còn một số phim cũng "tương đương" thảm họa như Hoán đổi thân xác (vốn mang cái tên giật gân trước đó là Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và Khoa chó), Gia sư nữ quái… khi cũng nhảm, cũng nhạt nhưng chưa đến mức bị ném đá tơi bời.

Tuy bị gắn mác "thảm họa" nhưng không phải phim nào cũng dở từ A đến Z. Vẫn có phim được chăm chút về diễn xuất, về hình ảnh nhưng chỉ mắc lỗi chung là nội dung quá nhảm, câu chuyện kể với khán giả quá vô lý, không thể "nuốt" nổi nên mới bị gọi là "Thảm họa phim Việt".

Chính sự hời hợt, nhảm nhí của nội dung đã bỏ phí những cố gắng của đạo diễn, quay phim và diễn viên.

Có một điều không thể phủ nhận là hầu hết những bộ phim được mọi người xếp vào nhóm "thảm họa" lại khá thành công về doanh thu, thậm chí có lãi to như Hello cô Ba. Có lẽ vì vậy mà vẫn tiếp tục có những dự án đăng ký vào nhóm "Thảm họa phim Việt". Bởi đối với những nhà sản xuất phim tư nhân, bỏ tiền ra làm phim thì doanh thu chính là mục tiêu họ nhắm tới, còn chuyện nghệ thuật hay chất lượng chỉ là thứ xa xỉ… hồi sau sẽ rõ!
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)