Ban ngày, họ làm rẫy đi biển. Và cứ đến khi bóng chiều chạng vạng, họ xách đèn pin đi về hướng bãi Thịt (vùng biển Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận), để canh rùa đẻ trứng…
''Canh rùa đẻ cực lắm''
Việc “đỡ đẻ” cho rùa bắt đầu từ chạng vạng hôm trước cho đến rạng sáng hôm sau và liên tục như thế từ tháng 2 cho đến tháng 10 Âm lịch.
Anh Cường, thành viên tổ Bảo vệ rùa biển Thái An nói: “Cái nết đẻ của con rùa cũng lạ lắm nghe. Khi nó đang đẻ, anh có làm gì cũng mặc kệ, chứ khi nó đang đào đất làm tổ mà chỉ nghe hơi người hay có ánh sáng là nó bò đi ngay lập tức”.
Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ Bảo vệ rùa lúc này là theo dõi xem con rùa nào đẻ xong thì tìm cách bấm thẻ cho rùa để theo dõi xem sang năm nó có về lại hay không. Sau đó, họ sẽ chuyển trứng rùa về nơi an toàn, ghi sổ sách ngày giờ, canh ngày trứng nở để đưa rùa con trở lại biển.
Nói nghe thì nhanh thế chứ canh rùa đẻ cực lắm. Gặp con dễ tính không nói chứ gặp con khó tính, chị ta cứ đào hết tổ này đến tổ khác, có khi đào đến 4 năm tổ mới chịu đẻ. Anh nào mà được phân công theo dõi chị chàng cũng mệt phờ râu” - anh Nguyễn Hồng Sĩ, một “ông đỡ” khác của rùa nơi đây, cười to.
Anh nói thêm: “Mệt là thế, nhưng cứ mỗi lần nhìn mấy chị rùa vượt cạn thành công quay đầu trở về biển là tụi tui vui vô cùng”.
Những thành viên trong Tổ Bảo vệ rùa đều nói: Khi bấm thẻ cho rùa, rất dễ bị rùa tát cho rách mặt. Ai trong đội cũng từng bị rùa tát ít nhất một lần. Ba tháng mới nhận lương một lần với mức 300.000 đồng/tháng nhưng không ai nghĩ tới chuyện bỏ nghề.
Hiện, người lớn tuổi nhất trong tổ là chú Mười Đú, ngoài 80 tuổi, còn trẻ nhất chỉ mới ngoài 30 tuổi.
Từ sát thủ thành ''ông đỡ''
Vào những năm thập niên 80 của thế kỷ 20, người dân vùng biển Thái An nổi tiếng về nghề bắt rùa. Và đây cũng là địa điểm duy nhất cung cấp thịt rùa biển cho cả tỉnh Ninh Thuận.
Người nổi danh sát thủ rùa biển vùng Thái An là ông Lê Nuôi. Ông Nuôi nổi tiếng đến độ người ta đã lấy tên một loài rùa biển để đặt cho ông: Ông Mười Đú.
Vậy mà 10 năm sau, cũng lại chính ông Mười Đú lại trở thành một thành viên chủ chốt trong việc bảo vệ rùa biển của tỉnh Ninh Thuận. Một nhóm thanh niên làng Thái An cũng theo ông đi bảo vệ rùa.
Anh Nguyễn Cường (48 tuổi) - một trong 8 thành viên đầu tiên của tổ Bảo vệ rùa biển do WWF (Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã) thành lập - kể lại: “Hồi đó, vùng biển này rùa biển nhiều lắm. Có đêm chỉ mình chú Mười Đú bắt đã vài 3 con. Có con nặng cả tạ chứ ít ỏi gì, ngày nào mà chợ ở đây không có bán thịt rùa. Tụi tui còn đem rùa về bán tuốt trên Phan Rang nữa.
Thịt Đú chẳng khác thịt bò là mấy nên mấy hàng bún bò ưa lắm. Nếu mấy năm đó mà rùa đừng bị bắt thì có thể nói vùng biển Thái An này, rùa nhiều nhất nước”.
Anh Sĩ tiếp lời: “Hồi đó chẳng có ai tuyên truyền cho người biết việc ích lợi của con rùa biển. Chẳng ai bảo cho biết rằng chính rùa biển là thước đo cho sự bền vững của môi trường biển. Và cũng chẳng hiểu tại sao từ ngày mà rùa biển vắng bóng thì cá tôm cũng ít dần đi”.
Năm 2001, WWF cho người dân nghe về ích lợi trong việc bảo tồn đàn rùa biển. Người dân làng biển Thái An đã hiểu rằng: Cá tôm sống vây quanh rùa biển như một quy luật tự nhiên. Vì nơi nào mà rùa biển thường xuyên sinh sống thì chắc chắn môi trường ở đó trong lành, không bị ô nhiễm. Nếu để rùa biển bị tuyệt chủng thì e rằng cuộc sống của ngư dân bị ảnh hưởng không ít. Từ đó, những người nổi danh là sát thủ rùa xung phong vào tổ bảo vệ rùa biển.
Là ngư dân nên chuyện nước lớn nước ròng, chuyện tháng nào rùa lên bờ đẻ trứng, nết đẻ của rùa biển ra sao họ rất thành thục. Vì thế mà chỉ cần qua một vài lớp tập huấn, một vài lần thực tế là họ còn rành rẽ không kém các chuyên gia!
10 năm qua. Họ đã cứu hộ hàng trăm lượt rùa lên bờ đẻ trứng, thả về biển khơi hàng ngàn con rùa con. Số lượt rùa về bãi Thịt đẻ năm sau bao giờ cũng nhiều hơn năm trước.
Năm 2008 có 8 con rùa lên đẻ ở bãi Thịt với hơn 6000 con rùa con được thả về biển thì năm 2009 đã có hơn 14 chị rùa tìm về bãi Thịt để khai hoa nở nhụy. Đã có hơn 10 ổ trứng được ấp thành công với gần 8000 con rùa con được thả về với mẹ biển khơi.