Người chồng và gia đình nhà chồng thẳng tay đổ dầu ăn lên người cô dâu, quẹt diêm rồi ném vào người cô dâu. Ngọn lửa bùng lên, cô dâu đau đớn, giãy giụa bất lực trong khi những người còn lại thì hả hê đứng nhìn. Đó là những hình ảnh kinh hoàng, ám ảnh bất cứ một người phụ nữ Ấn Độ, Pakistan hay một số nước châu Á khác. Tất cả, chỉ bởi hủ tục: đốt cô dâu vì không có đủ tiền hồi môn.
ảnh minh họa
Đổ dầu ăn và đốt con dâu vì thiếu của hồi môn
Cho đến nay, những người phụ nữ Ấn Độ, Pakistan hay một số quốc gia châu Á khác vẫn phải sống trong những hoàn cảnh khốn khó, điêu đứng vì của hồi môn. Thậm chí, họ có nguy cơ bị thiêu sống nếu như cha mẹ họ không dâng đủ của hồi môn như nhà chú rể mong muốn.
Với người Ấn Độ, Pakistan, của hồi môn mà gia đình cô dâu phải cống nạp cho gia đình chú rể thường là tiền và hàng hóa. Đó chính là những vật phẩm trao đổi cho đám cưới của con gái họ. Của hồi môn có thể bao gồm cả tiền bạc và các hàng hóa có giá trị như đồ nữ trang (vàng, bạc, đá quý), các đồ gia dụng đắt tiền như tủ lạnh, tivi, thậm chí cả ô tô hay nhà cửa. Giá trị của của hồi môn thường cao gấp bảy lần số tiền lương tổng cộng trong một năm của một người làm việc thành đạt ở Ấn Độ.
Chính bởi thế, của hồi môn thực sự là một nỗi ám ảnh với những gia đình người Ấn, Pakistan có con gái đi lấy chồng. Trước khi đám cưới diễn ra, nhà gái sẽ phải lo lắng xem nhà trai mong muốn những của hồi môn như thế nào và gấp rút lo liệu. Gia đình nhà gái sẽ tìm mọi cách để có thể thu xếp được số của hồi môn đầy đủ và mang cống nạp cho nhà trai.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để lo đủ số của hồi môn, kể cả khi họ đã chạy vạy và vay mượn khắp nơi. Họ đành phải cho con gái đi lấy chồng với số của hồi môn thiếu thốn, ít ỏi.
Khi bố mẹ không cống nạp đầy đủ của hồi môn, mọi sự tức giận của gia đình nhà chồng sẽ trút lên đầu người con gái. Những cô con dâu mới này có thể bị mắc nhiếc, lăng mạ bởi bất cứ thành viên nào trong gia đình nhà chồng, vì bất cứ lí do gì và vào bất cứ lúc nào họ muốn. Các thành viên trong gia đình nhà chồng cũng có thể đánh đập, hành hạ các cô dâu mới này để “trừng phạt” cho cái tội không mang đủ lễ hồi môn về gia đình nhà chồng.
Thậm chí, có những bố mẹ chồng nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu giải thoát cho con trai mình khỏi người con dâu ít của này để con trai họ có thể tái hôn với một người con dâu khác.
Làm như vậy, gia đình nhà chồng sẽ nhận thêm được nhiều của hồi môn khác. Chính bởi thế, đã không ít nhà chồng, bố mẹ chồng sẵn sàng dồn con dâu đến mức phải tự vẫn để con trai mình có thể kết hôn và nhanh chóng “kiếm thêm” được một số của hồi môn mới, lớn hơn, nhiều hơn. Mọi cách thức để tra tấn, chèn ép cô dâu trẻ đều được sử dụng để có thể dồn con dâu đến mức phải tự tử.
Và một số cô dâu trẻ không chịu nổi những áp lực mà các thành viên trong gia đình chồng đem đến đã phải tự tử. Nhưng kinh khủng hơn nữa là các bà mẹ chồng còn giở ra rất nhiều thủ đoạn đáng ghê tởm để có thể bí mật giết chết con dâu của mình. Không ít bà mẹ chồng bỏ thuốc độc vào thức ăn của con dâu. Trong khi, một số bà mẹ chồng lại lại mở sẵn bình ga, nhốt con dâu trong nhà bếp để họ nấu nước pha trà nhưng thực chết là nhằm thiêu chết họ. Đáng sợ hơn chính là việc đốt cô dâu diễn ra ngay ở nhà chồng.
Thông thường, hủ tục đốt cô dâu sẽ diễn ra trong ngay tại nhà bếp của gia đình nhà chồng. Các cô dâu không có đủ của hồi môn sẽ bị các thành viên trong gia đình nhà chồng bắt xuống dưới bếp. Mẹ chồng hoặc một thành viên khác trong gia đình nhà chồng sẽ đổ dầu ăn lên khắp người cô dâu rồi tự tay châm lửa. Dầu ăn bắt lửa cộng với độ bắt cháy cao của trang phục truyền thống người Ấn Độ hoặc Pakistan khiến cho ngọn lửa nhanh chóng bùng lên, thiêu đốt cơ thể người con dâu tội nghiệp.
Tỷ lệ sống sót của những cô dâu trong hủ tục “đốt cô dâu” là rất thấp. Phần lớn họ đều tử vong vì lửa dầu ăn cháy mạnh và trang phục quá bắt lửa. Họ sẽ chịu một cái chết chỉ vì không có đủ của hồi môn mà không nhận được bất cứ một sự thương xót nào từ phía gia đình nhà chồng.
Một số ít các cô dâu trẻ thoát chết trong các vụ đốt cô dâu như vậy. Nhưng, họ cũng sẽ tiếp tục cam phận và sống trong cuộc đời bị tra tấn, ngược đãi, mắng nhiếc của gia đình nhà chồng mà không dám đứng lên khởi tố.
Cha mẹ các cô dâu không cho phép họ làm như thế. Bởi theo họ, việc gia đình mình không có đủ tiền hồi môn cho con mang đến nhà chồng đã là một nỗi xấu hổ lớn. Do vậy, con gái họ phải chịu đựng những nỗi đau đó để cứu vớt danh dự gia đình. Việc ly hôn thì càng là điều “ngoài sức tưởng tượng” với các cô dâu Ấn Độ.
Truyền thống hôn nhân, danh dự và rất nhiều hủ tục khác đã trói buộc họ, bắt họ phải tiếp tục sống trong gia đình đã hành hạ mình và không được quyền phản kháng, chống đối. Cứ như vậy, những cô dâu bị thiêu sống sót với nỗi đau tinh thần và một thể xác đầy những vết sẹo lớn hoặc làn da bị hỏng hẳn. Họ mang thương tật suốt đời và cam chịu cuộc sống đầy tủi nhục chỉ vì của hồi môn là thước đo danh dự trong quan niệm của các gia đình nhà chồng cũng như gia đình của chính họ. Và cứ như thế, trong một năm không biết đã có bao nhiêu cô dâu bị thiêu sống chỉ vì thiếu của hồi môn.
Theo số liệu mà Cục Tội phạm quốc gia Ấn Độ đưa ra thì trong năm 2001, đã có gần 7.000 người bị nữ bị gia đình nhà chồng thiêu chết chỉ vì không mang đủ của hồi môn đến gia đình nhà chồng. Đến năm 2008, con số này cũng vào khoảng 6.000 người.
Trong khi đó, tại Pakistan, hàng năm có khoảng 3.000 người phụ nữ bị thiêu vì của hồi môn. Hầu hết, các vụ thiêu cô dâu đều được ngụy trang thành một vụ tai nạn, vụ nổ trong nhà bếp. Mặc dù, cả chính phủ Ấn Độ và chính phủ Pakistan đều đã đưa ra những quy định pháp luật về hành động sát hại cô dâu vì của hồi môn tuy nhiên chúng không mấy hiệu lực. ’
Cảnh sát và Tòa án cũng tham gia vào việc luận tội các gia đình đã sử dụng hủ tục đốt cô dâu song họ thường không có đủ bằng chứng vì các gia đình này đã cố tình dàn dựng nó trở thành các vụ tai nạn. Việc tìm kiếm các bằng chứng từ các gia đình hàng xóm hoặc gia đình nhà cô dâu cũng là điều bất khả thi bởi trong khi các gia đình hàng xóm cho đó là chuyện riêng của mỗi nhà thì gia đình cô dâu lại giấu bặt vì danh dự nhà mình. Chính bởi thế, hủ tục đốt cô dâu vẫn cứ tiếp tục xảy ra, ngay trong thế kỉ XXI hiện đại này.
Nỗ lực thoát khỏi hủ tục
Mặc dù có rất nhiều người phụ nữ và gia đình của họ cam chịu sống trong cảnh khổ sở vì bị hành hạ, tra tấn của gia đình nhà chồng vì của hồi môn song vẫn có những cô dâu sẵn sàng đứng lên, dũng cảm lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng của bản thân mình.
Một trong những trường hợp đó là Nisha Sharma. Hành động dũng cảm của Nisha đã khiến cô trở thành một trong những biểu tượng về sức mạnh và sự công bằng mà mọi người phụ nữ trên Ấn Độ, Pakistan muốn hướng đến. Nisha cũng chỉ là một cô gái 21 tuổi bình thường như biết bao nhiêu cô gái Ấn Độ khác. Khi cô đến tuổi lấy chồng, cha của Nisha đã quyết định tìm chồng cho con gái mình.
Ông đọc báo và thấy có thông tin một người đàn ông tên là Munish Dalal tìm vợ. Theo các thông tin mà Munish đưa ra trên báo thì có vẻ như, đây là một người đàn ông khá hoàn hảo. Cha của Nisha đã liên hệ với Munish và nhận được sự hồi đáp.
Trong buổi gặp mặt, gia đình nhà Munish nói rằng họ không quan tâm đến bất cứ số tiền hay món quà nào mà Nisha sẽ mang về nhà chồng. Họ chỉ cần Nisha và muốn cô trở thành con dâu tốt của họ. Gia đình Nisha đã rất hài lòng về những điều mà gia đình Munish đã nói. Tuy nhiên, cha của Nisha vẫn rất cẩn thận, sắm sửa cho cô một số của hồi môn tương đối lớn, bao gồm một chiếc ô tô mới và các thiết bị gia dụng đắt tiền.
Thế nhưng, khi ngày cưới gần diễn ra, Munish và gia đình anh ta bất ngờ trở mặt, yêu cầu gia đình nhà Nisha phải đưa của hồi môn bằng tiền mặt. Số tiền mà gia đình Munish yêu cầu là 25.000 USD. Cha của Nisha do đã mua rất nhiều của hồi môn nên không thể có số tiền đó nữa.
Trong buổi gặp gỡ theo yêu cầu nhà Munish để bàn bạc về của hồi môn, ông đã nói với mẹ chồng tương lai của Nisha rằng gia đình mình không có được số tiền đó. Ngay lập tức, mẹ Munish thay đổi thái độ. Bà ta sừng sộ lên, tát liên tiếp và nhổ nước bọt vào mặt cha Nisha. Nếu như mọi cô gái Ấn Độ khác thì Nisha sẽ ngồi im và nhẫn nhịn vì gia đình nhà cô đã không có đủ của hồi môn và cô không thể lấy chồng trong nỗi xấu hổ. Song, Nisha là cô gái mạnh mẽ. Ngay lập tức, cô gọi điện cho cảnh sát và trình bày sự việc.
Kết quả, Munish và mẹ của anh ta bị bắt và xét xử theo tội trạng ép của hồi môn. Cả Nisha và gia đình cô đều thấy làm may mắn vì đã không để cô lấy Munish, bởi theo cô họ đã lộ bản chất tàn ác và dã man của mình. Nếu như Nisha lấy Munish thì có thể một cái chết cháy sẽ là kết thúc cho cuộc đời của cô. Giờ đây, Nisha rất nổi tiếng ở quê hương của mình.
Cô luôn nhận được những cuộc gọi điện thoại để nhờ tư vấn về việc lấy chồng, số của hồi môn mang về gia đình nhà chồng. Cũng có rất nhiều người đàn ông khác mong muốn được kết hôn với cô mà không cần bất cứ một của hồi môn nào. Trường hợp của Nisha xứng đáng là tấm gương để những người phụ nữ muốn thoát khỏi hủ tục đốt cô dâu noi theo.
Nguồn Xã Luận