Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi kiến nghị cực “sốc”: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng đây là kiến nghị quá vô lý.
Theo HoREA, việc đưa ra kiến nghị này nhằm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản (BĐS).
"Cần đánh thuế thu nhập cá nhân khoản lãi thu được từ gửi tiết kiệm này. Tôi đã nghiên cứu kỹ ở nước ta người dân có được khoản tiền 500 triệu đồng để gửi NH không nhiều. Quốc hội nghiên cứu có thể nâng lên hoặc hạ xuống", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.
Không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết: Các nước khác không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm mà khuyến khích người dân lập doanh nghiệp (DN) làm ăn để tạo thu nhập. Thay vì gửi ngân hàng (NH) lấy lãi, cần huy động toàn bộ nguồn lực làm giàu cho đất nước, cho gia đình, cá nhân. Ở Mỹ lãi suất (LS) tiền gửi khoảng 1%/năm, LS cho vay khoảng 3%. Một số nước xung quanh chúng ta đều thực hiện chính sách LS tiền gửi tiết kiệm thấp hơn lạm phát. Trong khi ở nước ta hiện nay LS tiền gửi đang cao hơn lạm phát (LS thực dương). Vì vậy, người dân thường đem tiền gửi NH để lấy lãi. Nhiều người gửi cả trăm tỉ đồng, mỗi năm thu tiền lãi hàng chục tỉ đồng mà không phải đóng đồng thuế nào. “Vậy có quá phi lý không?”, ông Châu đặt câu hỏi.
Nếu không đưa tiền vào sản xuất mà cứ gửi ở NH sẽ làm cho nền kinh tế càng khó khăn hơn. “Người hưu trí, người nghèo có 500 triệu gửi NH thì không đánh thuế, nhưng hàng chục tỉ đồng thì phải đánh thuế. Cần đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khoản lãi thu được từ gửi tiết kiệm này. Tôi đã nghiên cứu kỹ ở nước ta người dân có được khoản tiền 500 triệu đồng để gửi NH không nhiều. Quốc hội nghiên cứu có thể nâng lên hoặc hạ xuống. Nhà nước đang có nhiều chính sách chuyển dòng tiền từ dân sang sản xuất, kinh doanh để phát triển đất nước”, ông Châu nói.
Lợi bất cập hại
Ngay sau khi nghe về nội dung đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - nhận xét: “Có thể thấy HoREA đang sốt ruột với thị trường BĐS, nhưng đây là một kiến nghị bất khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay”. Theo ông Hải, ở một số nước áp dụng thuế TNCN đối với khoản tiền gửi tiết kiệm từ 5 - 10% bởi thị trường vốn ở nước đó phát triển mạnh, lượng vốn dồi dào, LS tiết kiệm thấp…
Ngược lại, thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển mạnh, các DN dựa vào nguồn vốn NH chiếm tỷ trọng cao, LS huy động, cho vay đều ở mức cao. Vấn đề giảm LS cả huy động và cho vay để khôi phục nền kinh tế được đề cập nhiều trong thời gian qua nhằm khôi phục nền kinh tế, giúp các DN hoạt động sản xuất bình thường trở lại.
Nếu chúng ta áp dụng thuế TNCN đối với những khoản tiết kiệm trên 500 triệu đồng thì lúc này để các NH có thể huy động được vốn, LS huy động trên thị trường thay vì ở mức 8%/năm có thể phải tăng lên 10%/năm để đủ sức hấp dẫn người gửi tiền. Mà LS huy động cao thì dẫn đến LS cho vay cao. Điều này sẽ gây bất lợi cho các DN, trong đó có cả các DN BĐS.
"Kiến nghị như vậy chứng tỏ không hiểu gì về nguyên tắc kinh tế, cũng như chính sách tài chính, tiền tệ. Muốn khuyến khích gửi tiết kiệm hay không các NH sẽ dùng các công cụ LS ngắn hạn, dài hạn, tăng hay giảm, chứ không phải là đánh thuế", ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.
Nguyên Thống đốc NHN ông Cao Sĩ Kiêm thẳng thắn: “Kiến nghị như vậy chứng tỏ không hiểu gì về nguyên tắc kinh tế, cũng như chính sách tài chính, tiền tệ. Muốn khuyến khích gửi tiết kiệm hay không các NH sẽ dùng các công cụ LS ngắn hạn, dài hạn, tăng hay giảm, chứ không phải là đánh thuế”.
Ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - cho rằng: “Nếu nói nên thu thuế từ lãi tiết kiệm để hỗ trợ người nghèo còn có lý chứ nói đánh thuế TNCN trên tiền gửi để chuyển dòng vốn từ tiết kiệm vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thì không phù hợp. Kiến nghị này nếu được chấp thuận có thể gây ra phản tác dụng, gây ảnh hưởng xấu đến nguồn vốn huy động của hệ thống NH”.
Bất khả thi
Một TGĐ của NH cổ phần lớn tại Hà Nội nói thẳng: “Đó là kiến nghị không xuất phát từ những nghiên cứu thực tiễn cũng như chính sách”. Vì vậy, mục tiêu của kiến nghị này là bất khả thi.
Ông phân tích ở hai điểm: Thứ nhất là sau khi có chủ trương thu thuế tiền gửi tiết kiệm, ai sẽ đảm bảo người dân sẽ dùng tiền nhàn rỗi không gửi NH để mua nhà, mua đất, đầu tư BĐS? Nếu cho rằng người dân sẽ đem tiền đó để đầu tư sản xuất kinh doanh cũng cực kỳ không có cơ sở bởi lẽ đâu phải ai có tiền cũng có thể tổ chức sản xuất kinh doanh được. Lợi bất cập hại ở chỗ có thể người dân lấy tiền ra khỏi NH sau đó đem mua vàng, USD, dẫn tới tình trạng “vàng hóa, đô la hóa” quay trở lại.
Chính phủ đang khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ NH như thanh toán không dùng tiền mặt, gửi tiết kiệm để NH có vốn tài trợ lại cho các DN, nền kinh tế thì kiến nghị đánh thuế TNCN đối với người gửi tiết kiệm chẳng khác gì đi ngược lại chủ trương này.
Điểm thứ hai là về hạn mức đánh thuế trên 500 triệu đồng, với kinh nghiệm của người quản lý NH, ông chỉ nói ngắn gọn: “Đánh thuế đối với khoản tiền gửi trên 500 triệu đồng cho một cuốn sổ tiết kiệm, nếu vậy người dân chỉ đơn giản chia thành 10 cuốn, mỗi cuốn 50 triệu đồng. Vậy thì có khi phải tiếp tục kiến nghị cấm chia nhỏ số tiết kiệm ra nữa”.
Kiến nghị đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của HoREA là lợi bất cập hại.
Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện tại có tới 70-80% nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế là từ hệ thống NH. Nguồn vốn đó chủ yếu là từ tiền gửi tiết kiệm của người dân. Chỉ cần biết điều đơn giản này là đủ kết luận HoREA đã kiến nghị sai.
DN bất động sản cũng không đồng tình
Ngay chính một số DN BĐS là thành viên của HoREA khi trao đổi với PV cũng tỏ ra không đồng tình với kiến nghị này. Những doanh nhân này đề nghị không nêu tên vì “cùng hiệp hội gặp nhau hoài, để tên kỳ lắm”.
TGĐ một DN BĐS nói ngay là kiến nghị này vô lý. “Về khía cạnh xã hội thì nhiều người hưu trí, người già, người có thu nhập không cao phải tích cóp dần tiền bạc gửi tiết kiệm để tích lũy, dành khi hậu sự, lo cho tương lai, đối phó với bất trắc trong cuộc sống… mà đi đánh thuế trên phần lãi ít ỏi của họ là không nhân đạo… Đó chỉ là một ý kiến thôi, muốn thông qua phải được Quốc hội họp, lấy ý kiến người dân. Tôi nghĩ kiến nghị này không khả thi đâu”, vị này nói.
TGĐ một DN BĐS khác chia sẻ: “Nếu đánh thuế, người dân sẽ không gửi tiền nữa, hoặc có gửi thì cũng chẻ nhỏ ra, gửi ở nhiều NH khác nhau, cuối cùng cũng không đánh thuế được. Mà NH không huy động được tiền thì các DN, trong đó có DN BĐS sẽ vay tiền ở đâu? Thị trường chứng khoán thì èo uột, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu thì quá hạn chế. Có khi chính DN BĐS lại chết trước vì kiến nghị này”.
"Tiền gửi tiết kiệm của người dân từ thu nhập đã nộp thuế TNCN, tức đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước rồi. Nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nữa chẳng khác gì đánh thuế 2 lần. Đó là một kiến nghị vô cùng phi lý", nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm.
"Ý tưởng đánh thuế TNCN trên tiền lãi tiết kiệm đã được bàn nhiều trước đây. Do thấy không phù hợp nên Quốc hội đã bác khi luật Thuế TNCN được thông qua. Người lao động, cán bộ công chức thu nhập thấp phải tằn tiện tiết kiệm mồ hôi, nước mắt gửi NH để hưởng chút lãi thì việc đánh thuế là không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN Cục Thuế TP.HCM.
Theo Thanh Niên