Ảnh có tính minh họa: Hoàng Hà. |
Nếu cứ tính theo số lần gọi vợ thì Hoàng đã có tới mấy chục cô. Thành tích này có được bởi cậu khá đào hoa, cứ bỏ cô này thì lại có ngay cô khác. Cậu thường không quan tâm đến tuổi, mà “chỉ cần xinh, trông kute thì yêu luôn”, Hoàng nói, mặt có vẻ đắc ý. Nhưng chỉ đến tuần sau, cậu đã khoe một “cô vợ” mới toanh, nhiều hơn cậu 3 tuổi.
Không chỉ những mối tình bóng mây kiểu này, có những "cô vợ" được tỏ tình, giới thiệu rất hoành tráng nhưng tình nghĩa "phu thê" cũng chỉ kết thúc trong… một tháng. Trường hợp dưới đây là một ví dụ:
Sinh năm 1993, “vợ - chồng” Hiển quen nhau nhờ đi học cùng trung tâm tiếng Anh. Dù trước đó cậu đã chinh chiến yêu đương khá nhiều, nhưng đến lần này do cô bé người yêu khá xinh nên cậu quyết định mở hẳn một bữa tiệc ra mắt. Anh em, bạn bè thân thiết được mời đến, sau màn ăn uống, hát karaoke là lời tỏ tình của cậu em, gọi là công bố một cách chính thức, nguyện sẽ yêu cô ấy suốt đời.
Là khách mời trong buổi tiệc đó, Quang Anh (sinh năm 1984, ở phố Hàm Long, Hà Nội) kể tiếp: “ Chỉ một tháng sau, chính cô bé kia đã rời bỏ Hiển để quay về với người yêu cũ”.
Cậu học trò tên Lân, 16 tuổi, ở trường THPT Lương Văn Can cũng không hề dấu diếm chuyện cậu đã tính đến việc cưới vợ, nhưng sau thấy có vấn đề không ổn lại thôi. Lân kể: “Một lần cho vợ em xem ảnh cửa hàng nhà em, vợ em thích một chiếc áo phông có hình ngôi nhà màu hồng, em về lấy hai cái cho cô ấy”. Sau bị mẹ phát hiện, Lân "dũng cảm" thú nhận ngay: “Con lấy cho vợ”.
Mặc cho bà mẹ quát mắng "Tao đã cưới vợ cho mày hả? Nó về nó chào tao rồi hả?…", Lân thản nhiên bình luận: “Yêu thì gọi là vợ chồng, bình thường mà”.
Theo những "ông chồng" trẻ con như Lân thì tiêu chí chọn vợ rất bình thường: “Quen nhau, thấy hay hay thì yêu, không mất công tán tỉnh, khi nào giận nhau thì thôi. Không nhắn tin gọi điện gì nữa là tự hiểu”.
Dù đã 24 tuổi nhưng Minh (Cầu Giấy, HN) vẫn phải bái phục kinh nghiệm "lấy vợ" của cậu em họ tên Phan, sinh năm 1998, hiện học ở trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
“Đến mình đây cũng chỉ có 5 mối tình, thế mà thằng em kể sơ sơ đã có đến mấy chục, còn số mình biết là 18”. Một hôm hai anh em đi ăn kem, thấy điện thoại của cu cậu có hình một cô bé, hỏi ra thì Phan nói là vợ mới. Rồi chú em hứng lên gọi điện rủ ngay cô bé đến, nhưng không quên thì thầm vào tai Minh một câu: “Em yêu đứa hôm trước giới thiệu cho anh cơ, con bé này chỉ lợi dụng tý thôi, được cái biết nghe lời”.
Và để chứng minh cho sự “ biết nghe lời”, khi cô bé vừa đến Phan chạy ra hôn vào má “vợ tạm” rồi bắt cô bé hôn lại. “Chẳng biết là mối tình này được mấy ngày”, Minh vừa cười, vừa lắc đầu kể.
"Vẫn nhớ thập niên 60 của thế kỷ 20, ở Phương tây có phong trào giải phóng tình dục, bây giờ ở Việt Nam mình chắc các teen đang thực hiện một cuộc giải phóng cho hai chữ vợ - chồng”, chuyên viên tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy nhận xét.
"Trước đây không lâu, khi yêu nhau người ta phải tập để nói anh em sao cho bớt ngượng ngùng, bây giờ chuyện teen gọi nhau là vợ chồng chỉ để thay cho hai từ anh- em xưa cũ. Ngồi ở quán cà phê, ở quán ăn, không khó gì để nghe những câu như: 'Chồng ăn cái này đi', hay… 'vợ chỉ được đi đến 9h thôi, chồng đang ở đâu rồi?'. Tình cảm lắm, có khi nghe còn ngọt ngào hơn cả vợ chồng thật nhưng tiếc là những mối duyên này lúc nào cũng ngắn hạn", chuyên gia chia sẻ.
Nhà tư vấn tâm lý Trần Tuyết Anh, Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm nhận định thêm: “Đối với giới trẻ, việc thay đổi cách xưng hô như thế để thể hiện mối ràng buộc, tính sở hữu cao hơn, đồng thời cũng là một sự trải nghiệm mới trong tâm lý và hành động”.
Theo bà Tuyết Anh, tất cả bắt nguồn từ sự ham muốn làm người lớn của các em. Xưng là chồng, tức là phải có trách nhiệm cao hơn là người yêu, xưng là vợ thì vợ cũng phải tỏ rõ dáng của người vợ - ngoan và biết nghe lời. "Các em thường không quan tâm tình yêu này dài hay ngắn bởi tất cả đều do quan niệm còn trẻ và còn nhiều thay đổi. Việc 'sưu tầm' được nhiều vợ cũng được nhiều cậu trai coi như điều đáng tự hào và vì thế chia tay là một chuyện tất yếu".
Đồng Phương Thảo