Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỉ 21 sẽ xuất hiện cùng lúc với hiện tượng mưa sao băng đang là hiện tượng thiên nhiên nhiều người mong đợi.
Nguyệt thực toàn phần là hiện tượng mặt trăng đi vào vùng tối của Trái Đất và nằm thẳng hàng với mặt trời. Ảnh NASA.
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), rạng sáng 28/7 tới đây, một hiện tượng thiên văn học kỳ thú sẽ diễn ra, đó là nguyệt thực toàn phần dài nhất trong vòng 100 năm trở lại đây.
Nguyệt thực toàn phần chỉ xảy ra khi trăng tròn và Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng nằm thẳng hàng. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, Trái Đất sẽ trực tiếp đi qua giữa Mặt Trời và Mặt Trăng và đổ bóng lên vệ tinh tự nhiên của nó.
“Thời điểm trăng hoàn toàn đi vào vùng bóng tối của Trái Đất rơi vào khoảng 2h30 phút và kết thúc vào lúc 4h13 phút sáng 28/7, tức là kéo dài khoảng 1 giờ 43 phút, đây sẽ là nguyệt thực toàn phần dài nhất thể ký 21”, ông Sơn cho hay.
Đây là nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 diễn ra trong năm 2018, lần trước, hiện tượng này diễn ra vào tối 31/1 với thời gian kéo dài 1 giờ 16 phút.
Mưa sao băng Delta Aquarids sẽ xuất hiện cùng với thời điểm xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần. Ảnh David S.Brown.
Sau hiện tượng lần này, đối với người quan sát Việt Nam phải đợi tới tháng 5/2021 để khu vực miền Nam quan sát được nguyệt thực toàn phần còn đối với khu vực miền Bắc phải đợi tới tháng 11/2022.
Nhưng điều tuyệt vời nhất là cùng thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần, chúng ta còn cơ hội được ngắm nhìn mưa sao băng nữa, đó là trận mưa Delta Aquarids.
Mưa sao băng Delta Aquarids là hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 12/7 – 23/8 hằng năm với cực điểm rơi vào khoảng từ 27-29/7. Mưa sao băng Delta Aquarids là kết quả của sao chổi 96P Machholz – một sao chổi chu kỳ ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất là năm 2017.
Vị trí trung tâm của trận mưa sao băng này là chòm sao Aquarids. Vào khoảng từ 2h sáng cho tới bình minh các ngày từ 27-29/7, chòm sao này nằm ở bầu trời phía Nam.
Năm 2018, cực điểm của Delta Aquarids sẽ trùng với thời điểm trăng tròn. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đây chỉ là một trận mưa sao băng cỡ trung bình nên ngay cả khi có thời tiết thuận lợi, bạn sẽ không quan sát được nhiều sao băng. Ngay cả khi có ánh trăng, số sao băng mỗi giờ vào đêm cũng không quá 20 vệt.