Kyunghyang Shinmun, một tờ báo lớn ở Hàn Quốc mới đây đã dẫn lại thông tin từ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, bóng gió chỉ trích Trung Quốc là “chủ nghĩa Sô vanh nước lớn”.
Bài xã luận với nhan đề “Sức mạnh vô hạn của một tư tưởng vĩ đại” đăng trên trang nhất tờ Rodong Sinmun ngày 28/6 có đoạn viết “Dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ vĩ đại, những người luôn kiên định con đường tự lực tự cường trong cách mạng và xây dựng đất nước, không một âm mưu ngoan cố nào của những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc và không một áp lực nào từ những kẻ theo chủ nghĩa Sô vanh nước lớn có thể bắt nhân dân ta phải quỳ gối.”
Những kẻ theo chủ nghĩa đế quốc ở đây có lẽ dùng để ám chỉ Mỹ, như cách tuyên truyền thường thấy ở Triều Tiên. Còn khái niệm “chủ nghĩa Sô vanh nước lớn”, theo nhận định của Kyunghyang Shinmun, nhằm phê phán Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là thông điệp sâu cay này được đưa ra ngay trước chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sự kiện cho thấy vết rạn nứt lớn trong quan hệ Trung - Triều. Sức nặng của nó được tăng thêm nhờ 3 đợt phóng tên lửa tầm ngắn liên tiếp mà Triều Tiên thực hiện chỉ trong vòng 10 ngày trước khi ông Tập đến Seoul.
Chuyến thăm Hàn Quốc của Tập Cận Bình là thực tế mà Triều Tiên khó chấp nhận
Liên tục trong thời gian gần đây, đặc biệt là kể từ sau vụ xử tử Jang Song Theak, nhân vật thân cận với Trung Quốc trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp Triều Tiên hồi cuối năm ngoái, Bắc Kinh tỏ rõ thái độ không hài lòng với Bình Nhưỡng.
Ngược lại, từ phía Triều Tiên, chính phủ của Kim Jong Un cũng bất mãn ra mặt với thái độ kẻ cả và lạnh nhạt của Trung Quốc. Một số nguồn tin còn cho biết, hồi tháng Tư vừa qua, Triều Tiên đã ra nghị quyết chỉ trích cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình. Nội dung nghị quyết này cho rằng Trung Quốc đã chạy theo tư bản, vì tiền mà bỏ qua ý thức hệ.
Nghị quyết cũng cho thấy giới lãnh đạo Triều Tiên đang nỗ lực “thoát Trung” và quay sang xây dựng quan hệ với các đối tác khác, đặc biệt là Nga.
Dù Triều Tiên chưa bao giờ chính thức xác nhận sự tồn tại của một bản nghị quyết mang tính “cách mạng” như trên, nhưng dựa trên một số thông tin từ phía Nga, có thể thấy rõ ràng một điều là Moscow đang ngày càng thân thiết hơn với Bình Nhưỡng.
Đầu tháng 6 vừa qua, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng phát triển vùng Viễn Đông Nga Alexander Galushko cho biết, Triều Tiên sẽ mở rộng cửa cho các công ty Nga tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước này để đổi lại những ưu đãi về nhập khẩu và đầu tư.
“Chúng tôi đã thảo luận về một số dự án phát triển tài nguyên thiên nhiên, thăm dò địa chất và cơ hội của Triều Tiên trong việc nhập khẩu các hàng hóa Nga cũng như các khoản vay trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác đầu tư thông qua việc các công ty Nga được quyền tiếp cận với các nguồn khoáng sản Triều Tiên.”, ông Galushko cho biết.
Câu hỏi đặt ra là: Tài nguyên thiên nhiên Triều Tiên có gì khiến Nga hứng thú đến thế?
Đáp án có thể nằm ngay trong bản tin của RIA Novosti. Sau khi thông tin về triển vọng hợp tác Nga - Triều, hãng tin này nhắc lại rằng, hồi tháng Giêng năm nay, công ty SRE Minerals Limited có trụ sở tại Anh đã công bố một báo cáo, theo đó, Triều Tiên có thể có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, khoảng 216 triệu tấn.
Nếu con số này được xác nhận (con số do SRE công bố mới chỉ là kết quả đánh giá sơ bộ và Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ USGS cũng cho biết chưa có đủ dữ liệu để xác nhận), thì trữ lượng đất hiếm của Triều Tiên nhiều gấp đôi trữ lượng toàn thế giới được biết đến trước đó và nhiều gấp 6 lần Trung Quốc, nước đang đứng đầu thị trường đất hiếm hiện nay.
Trung Quốc hiện đang đứng đầu thị trường đất hiếm của thế giới
Trung Quốc hiện đang đứng đầu thị trường đất hiếm của thế giới
Tính theo thời giá hiện nay thì trữ lượng đất hiếm này trị giá đến 6 nghìn tỷ USD. Nếu trữ lượng đất hiếm nói trên là có thật và Triều Tiên khai thác nguồn khoáng sản này, thì không những nền kinh tế sẽ nhảy vọt, mà họ còn đánh bật Trung Quốc khỏi vị trí độc quyền, khiến Bắc Kinh không còn có thể làm mưa làm gió, tự ý tăng giá đất hiếm để kiếm lợi. Các ngành công nghiệp kỹ thuật cao của Triều Tiên cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển, vì đất hiếm là nguyên liệu tối cần thiết cho việc chế tạo từ điện thoại di động đến tên lửa.