Trong khi đường phố vắng vẻ vì một phần lớn người lao động trở về quê bỏ phiếu thì tại các điểm bầu cử ở Manila, quốc kỳ và biểu ngữ rợp trời, người dân háo hức đi bầu ra vị lãnh đạo mới giúp đất nước sang trang.
Biểu ngữ, ảnh chân dung các ứng viên tổng thống, rợp trời ở thành phố Tondo, khu đô thị Manila, Philippines. Ảnh: Reuters |
Chị Thanh Thủy, đang sinh sống tại Manila, cho hay hôm nay, không khí ở đây rất rộn ràng. Người người nô nức đi bầu cử tổng thống. Từ già đến trẻ, từ người giàu đến anh lái xe ôm đều bày tỏ sự quan tâm đến sự kiện này bởi họ đang khao khát một sự thay đổi cho đất nước.
Phương Anh, sinh viên người Việt tại Manila, cho biết ngày bầu cử ở Philippines là một ngày lễ. Chính phủ cho phép toàn thể người dân được nghỉ để tạo điều kiện cho họ đi bỏ phiếu. Một phần lớn lao động ở các thành phố như Manila đều trở về quê nhà để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong khi đường phố vắng vẻ thì không khí tại các điểm bầu cử lại rất sôi động. Băng rôn, bảng hiệu in hình ảnh và mã số ứng viên được treo rợp trời. Đây là dịp để các cửa hàng bán đồ lưu niệm "hốt bạc" bằng đủ loại quần áo, đồ lưu niệm, cờ, quạt.. in hình các gương mặt tham gia cuộc đua.
"Trong cửa hàng tiện lợi, chân dung của các ứng viên cũng được in lên cốc giấy uống nước để khách hàng mua và mang đi khắp mọi nơi. Tuy nhiên, các tiệm bán đồ uống có cồn đều phải đóng cửa và bị cấm hoạt động trong 2 ngày để đảm bảo trật tự", Phương Anh kể. "Người dân Philippines rất ủng hộ cuộc bầu cử nên những ngày gần đây, đi đâu cũng nghe họ bàn tán rất sôi nổi về vấn đề này".
Tham gia tranh cử vị trí tổng thống Philippines lần này có 5 ứng viên, bao gồm, ông Rodrigo Duterte, thị trưởng thành phố Davao, nữ thượng nghị sĩ Grace Poe, phó tổng thống Jejomar Binay, cựu bộ trưởng nội vụ Manuel Roxas và nữ thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago.
Những ngày cao điểm sát cuộc bỏ phiếu, các ứng viên liên tục đăng đàn tranh luận để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Vì thế mà bản thân chị Thủy vừa sinh con không lâu, đang trong thời gian ở cữ và cũng không có quyền bỏ phiếu, nhưng không thể làm ngơ.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt bỏ phiếu ở thành phố Davao. Ảnh: Reuters |
Trong gia đình chồng người Philippines của chị Thủy, mỗi thành viên ủng hộ một ứng viên. Giống như phần đa người dân, chồng chị bầu cho ông Duterte, 71 tuổi, người có công đưa Davao trở thành thành phố an toàn thứ 55 trên thế giới với tỷ lệ tội phạm rất thấp.
"Cách lãnh đạo của ông làm tôi nhớ đến cố bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ông Duterte cam kết giải quyết vấn nạn tội phạm và tham nhũng trong vòng 3 - 6 tháng, vì trong thời gian này mà không làm được thì có kéo dài cả chục nhiệm kỳ cũng không làm được", chị Thủy kể. "Cũng bởi vậy mà ông Duterte là mối đe dọa đối với nhiều quan chức trong bối cảnh tham nhũng là một vấn nạn nghiêm trọng ở Philippines, quyền lực và tài sản tập trung vào một số gia đình, chênh lệch giàu nghèo rõ rệt".
Phương Anh cũng ấn tượng với ứng viên Duterte.
"Ngoài công lao phát triển thành phố Davao, ông còn là người sống cực kỳ giản dị, không tham nhũng nên được lòng dân. Trước đó, ông thậm chí không tham gia ứng cử vì không có điều kiện về tài chính. Tuy nhiên, nhờ lượng người ủng hộ lớn nên cuối cùng ông vẫn quyết định chạy đua vào ghế tổng thống và cam kết mang lại bình yên cho Manila nói riêng, Philippines nói chung", nữ sinh 24 tuổi cho hay.
Ứng viên tổng thống Rodrigo Duterte giơ cao nắm tay sau khi bỏ phiếu tại thành phố Davao. Ảnh: Reuters |
Philippines đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cần giải quyết như tình trạng người vô gia cư lớn, các đô thị phát triển không đều, chệnh lệch giàu nghèo rõ rệt, nạn trộm cắp hoành hành… Người dân Philippines mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ với các chính sách tích cực giúp họ cải thiện và cân bằng đời sống.
"Họ rất kỳ vọng cuộc bầu cử này sẽ đưa họ sang một trang mới với một nhà lãnh đạo mới và chính sách mới. Chính vì vậy nhiều người Philippines xa xứ cũng cố gắng về nước dù chỉ vài ngày để được bỏ phiếu bầu tổng thống, góp phần thay đổi đất nước".
Ngoài bầu tổng thống, các cử tri cũng bỏ phiếu để chọn ra phó tổng thống và hơn 18.000 nhà lập pháp cùng các quan chức cấp địa phương.
Theo Ủy ban Bầu cử Philippines (Comelec), hơn 46.000 nhân viên kỹ thuật cùng 93.700 máy kiểm phiếu tự động đã được triển khai trên toàn quốc nhằm đảm bảo mọi hoạt động diễn ra thuận lợi.
Lực lượng Vũ trang Philippines đã huy động tổng lực nhằm bảo vệ cho việc tổ chức bầu cử ở cả cấp quốc gia và địa phương. 125.000 binh sĩ vũ trang hạng nặng đang đặt trong tình trạng báo động đỏ nhằm sẵn sàng phản ứng với những tình huống khẩn cấp.
Trung Quốc bác cáo buộc phá hoại bầu cử của Philippines
Bắc Kinh phủ nhận việc nước này có âm mưu phá hoại bầu cử tổng thống của Philippines sau khi một quan chức Manila lên tiếng.
"Cái gọi là nỗ lực phá hoại bầu cử 2016 của Philippines là hoàn toàn thiếu cơ sở và bịa đặt. Trung Quốc luôn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác", Reuters dẫn lời ông Li Lingxao, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines, nói hôm nay.
Ông Christian Robert Lim, quan chức thuộc Hội đồng bầu cử Philippines trước đó trao đổi với các nghị sĩ rằng cơ quan này đã chuyển giao việc sản xuất các máy kiểm phiếu từ Trung Quốc sang cho Đài Loan. Quyết định mới được đưa ra sau khi Manila có thông tin tình báo cho hay Bắc Kinh âm mưu phá hoại cuộc bầu cử sắp tới của Philippines do bất đồng trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Có khoảng 20.000 máy kiểm phiếu trong hợp đồng này. Các cử tri Philippines trong tháng 5 tới sẽ bầu ra tổng thống, phó tổng thống và hơn 18.000 nhà lập pháp cùng các quan chức cấp địa phương.
Hiện người phát ngôn chính phủ Philippines chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố trên của ông Lim.
Manila hồi giữa tháng 7 khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện Bắc Kinh tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về yêu sách trên Biển Đông, sau khi tòa kết thúc phiên điều trần đầu tiên. PCA một lần nữa đề nghị Trung Quốc hợp tác để có thể đưa ra phán quyết vào cuối năm nay.
Theo vnexpress.net