Mới đây, khoa Tiết Niệu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội vừa phẫu thuật gắp một cục sỏi thận san hô lớn ở trong thận.
Hình ảnh sỏi được lấy từ thận ra của ông H. |
Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo, khoa Tiết niệu, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết, bệnh nhân là ông Trần V. H (51 tuổi, Hà Nội). Ông H. bị sỏi thận từ mười năm trước và ông uống thuốc nam để chữa sỏi thận. Tuy nhiên, gần đây, ông bị đau nhiều thắt lưng trái, người bệnh vô cùng khó chịu, đứng không nổi. Qua các xét nghiệm lâm sàng phát hiện sỏi thận trái kích cỡ lớn.
Theo BS Thảo, viên sỏi không chỉ có kích thước lớn, mà đã “đúc khuôn” vào toàn bộ ngóc ngách trong thận, xung quanh đó thì có rất nhiều mạch máu lớn, vì thế ca phẫu thuật tiên lượng kéo dài và khó khăn.
Bác sĩ Thảo cho biết đây là dạng sỏi san hô nên trong quá trình lấy sỏi rất khó khăn. Bác sĩ phải khéo léo nếu không may chạm vào các mạch máu lớn này sẽ gây chảy máu ồ ạt không kịp cầm, người bệnh sẽ chết trên bàn mổ. Vì thế, ca phẫu thuật phải rất tỉ mẩn, cẩn trọng từng tí một và sau 2,5 giờ (gấp đôi thời gian ca phẫu thuật sỏi thận thông thường), cuối cùng, bác sĩ cũng lấy được viên sỏi hình củ gừng, nhiều góc cạnh và có chiều dài đến 11cm từ thận bệnh nhân.
Trước đó, tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng mổ lấy sỏi san hô kích thước lớn cho bệnh nhân Nông Thị L, 58 tuổi, thường trú tại Đồng Bàng, Tân Yên, Hàm Yên, Tuyên Quang.
Gia đình bệnh nhân L cho biết, bệnh nhân L phát hiện có sỏi thận khoảng hơn 10 năm, đã đi tán sỏi ngoài cơ thể tại bệnh viện khác và đã tự uống thuốc nam (đun uống thay nước lọc hàng ngày) khoảng gần 10 năm. Gần đây thấy bị đau mạng sườn phải nên đến bệnh viện để khám và điều trị.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp và đã từng tán sỏi ngoài cơ thể, bị viêm khớp và thoái hóa cột sống thắt lưng, dùng thuốc nam trên 10 năm và dùng nhiều loại thuốc khác nên ảnh hưởng đến chức năng thận, làm các tổ chức quanh thận dính chặt lấy thận, dẫn đến việc bóc tách thận khó khăn và mất nhiều thời gian phẫu thuật hơn các ca khác.
Theo BS Thảo, mọi người thường phát hiện sỏi khi kích cỡ khá to, do lúc còn nhỏ sỏi thận không gây đau. Trong khi đó, phát triển đến kích cỡ gây đau thì sỏi thận đã bắt đầu gây ảnh hưởng đến chức năng thận, thậm chí gây ứ nước, ứ mủ thận.
Bác sĩ Thảo khuyến cáo sỏi thận có thể phát hiện qua siêu âm nên người dân có thể kiểm tra sỏi thận qua các biện pháp siêu âm. Vì thế, mọi người nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sỏi thận khi còn sớm, việc điều trị dễ dàng, bằng các biện pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi bằng laser, tán sỏi qua da bằng laser… Còn khi sỏi đã lớn, bệnh nhân sẽ phải chịu cuộc mổ mở để có thể lấy sỏi thận ra ngoài.