Kiệt sức, stress, thậm chí tỷ lệ bác sĩ tự tử cao gấp đôi nhóm nghề nghiệp khác. Cùng chia sẻ những khắc nghiệt của nghề y qua tâm sự của một bác sĩ để hiểu hơn “nghề y không như là mơ”.
Thông thường với các nghề nghiệp khác, các trí thức bậc cao hiếm khi phải trực tiếp làm các công việc chân tay. Nhưng với nghề y là ngoại lệ.
Các Giáo sư, Giám đốc, thậm chí đến cả lãnh đạo cấp cao trong ngành vẫn trực tiếp tham gia khám bệnh, mổ xẻ. Còn với các bác sĩ thông thường thì mức độ quá tải công việc đến kiệt sức là điều thường xuyên xảy ra.
Trong số các chuyên khoa, các bác sĩ chuyên ngành Cấp cứu và Hồi sức tích cực là những người thường bị kiệt sức nhiều nhất. Thống kê của tạp chí Medscape ở châu Âu và Mỹ cho thấy tỷ lệ kiệt sức ở các bác sĩ chuyên ngành này đến 52-53%.
Các bé mơ ước được theo ngành y, nhưng sẽ phải xem xét kỹ khi được lựa chọn nghề nghiệp
Hậu quả của việc kiệt sức và stress ở các bác sĩ là hàng năm tại Mỹ có tới 300 bác sĩ tự tử vì stress. Tỷ lệ bác sĩ tự tử cao gấp đôi so với các nhóm dân cư khác. Ngoài ra, do kiệt sức, họ có thể cảm thấy mất cảm xúc, mất hứng thú nhiệt tình với công việc.
Chưa có nhiều khảo sát về tỷ lệ kiệt sức và stress của các thầy thuốc Việt Nam, nhưng chắc chắn tình trạng này cũng có những "nỗi niềm riêng" khi so với các bác sĩ Mỹ nhiều.
Ở Việt Nam, chỉ riêng việc tuân thủ đầy đủ các thủ tục hành chính đối với thầy thuốc, nhất là trong điều kiện bệnh nhân quá tải đã là một áp lực. Việc cho bệnh nhân hưởng chế độ bảo hiểm, chế độ nghỉ dưỡng sức hay cho một loại thuốc, một biện pháp kỹ thuật đắt tiền đòi hỏi các thủ tục phê duyệt chặt chẽ. Nếu không tuân thủ đúng có thể bị phê bình, thậm chí xuất toán và thầy thuốc phải tự bỏ tiền túi ra đền.
Thầy thuốc luôn bị giằng xé giữa mong muốn cho bệnh nhân hưởng chăm sóc cao nhất và nỗi lo ngại phải chịu trách nhiệm.
Hiếm có một ngành nghề nào lại khắc nghiệt về giờ làm việc như nghề y. Thông thường một thầy thuốc sau ca trực 24 giờ (tương đương 3 ngày làm việc 8 tiếng) sẽ được nghỉ bù ngày làm việc hôm sau. Tức là trong 2 ngày đó, họ phải đi làm đến 3 ca. Còn nếu họ đi trực vào ngày thứ 7, chủ nhật thì có nghĩa là họ làm dư ra 3 ngày làm việc ngoài giờ, nhưng chỉ được nghỉ bù 1 ngày làm việc.
Điều trị là quá trình liên tục nên đa số bác sĩ trong ngày nghỉ bù sẽ ở lại khám, cho thuốc cho các bệnh nhân của mình xong mới về. Tình trạng làm quá giờ sẽ trầm trọng hơn nhiều trong các vụ dịch, các đợt bệnh nhân quá tải.
Thống kê nhiều năm qua cho thấy thu nhập của ngành y đứng thứ gần thấp nhất trong 18 nghành nghề được khảo sát. Áp lực kinh tế khiến các thầy thuốc phải căng người ra làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập. Từ chuyện mổ tăng ca, làm thêm giờ ở bệnh viện đến việc làm phòng mạch tư ngoài giờ. Cá biệt ở nhiều vùng miền, nhiều thầy thuốc làm thêm ngoài giờ cả những công việc khác: Làm nghề phụ, làm trang trại nuôi trồng thủy sản, làm rẫy cà phê, cao su…
Đã từng có bệnh viện cấm nhân viên làm thêm ngoài giờ, nhưng đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt của các thầy thuốc và dư luận cộng đồng.
Cuộc khảo sát tại Mỹ năm 2014 của Quỹ Bác sĩ phát hiện ra rằng 81% các bác sĩ đã làm việc hết công suất hoặc thậm chí quá mức, và chỉ có 19% số bác sĩ có đủ thời gian để xem chi tiết bệnh nhân.
Tại Việt Nam, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương đã ở mức trầm trọng. Một bác sĩ trung bình phải khám khoảng 70-80 bệnh nhân mỗi ngày. Mỗi bệnh nhân đến khám 1 lần và khi có xét nghiệm lại quay lại để kê đơn một lần nữa. Với mỗi lần gặp 3 phút thì bác sĩ đó đã có 8 giờ làm việc không ngừng nghỉ.
Với 3 phút khám và kê đơn thì khó mà đảm bảo kỹ càng. Vậy mà trong số hàng vạn đơn thuốc kê ra mỗi tháng, chỉ cần một đơn thuốc sai sót cũng đã đủ đẩy bác sĩ đó vào những phiền phức triền miên với cả bệnh nhân và dư luận xã hội.
Tình trạng quá tải công việc còn trầm trọng hơn nữa đối với những bác sĩ đồng thời tham gia cả công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Khi đó thời gian làm việc của họ không phải là 8 giờ mà có thể đến 10-16 tiếng mỗi ngày.
Trong các dịp nghỉ lễ, tết hầu hết các ngành nghề khác được nghỉ thì nhân viên y tế phải tăng cường trực, vì thế các cơ hội đoàn tụ gia đình, đi du lịch xa là điều xa xỉ với nhân viên y tế. Điều kiện làm việc tập trung và đóng kín trong bệnh viện với những bộ quần áo blu nên đối với phụ nữ ngành y ít có cơ hội trưng diện thời trang cũng như mở rộng giao tiếp.
Điều làm tủi thân và đau lòng đối với nhiều nhân viên y tế, đặc biệt là phụ nữ là khi con, chồng, cha mẹ và những người thân đau ốm, không ở nhà chăm sóc được mà vẫn phải đến bệnh viện chăm sóc bệnh nhân. Những điều này cũng góp phần tạo nên và stress đối với nhân viên y tế.
Chưa kể, hiếm có ngành nghề nào mà áp lực học tập lại lớn như ngành y.
Đa số các ngành nghề khác sau khi hoàn thành bậc học Đại học là có thể ra làm việc tương đối độc lập. Đối với ngành y sau khi tốt nghiệp đại học ra thì ít nhất các bác sĩ phải học thêm một khóa Chuyên khoa định hướng 9 tháng mới có thể làm việc. Để trở thành bác sĩ chính phải học lên Cao học hoặc Chuyên khoa cấp 1 từ 2-3 năm và phải trải qua thời gian thực hành lâm sàng ít nhất 9 năm.
Ngành y là một ngành có tính hội nhập cao. Trong khi nhiều ngành kỹ thuật, công nghệ thế giới đã làm được cả trăm năm qua mà Việt Nam vẫn chưa làm nổi thì trong ngành y, hầu hết các tiến bộ y học trên thế giới đều được các bác sĩ Việt Nam tiếp cận và triển khai thành công sau chỉ một vài năm.
Chỉ cần vài năm không cập nhật kiến thức mới là một bác sĩ đàn anh có thể thua kém các đàn em của mình. Vì vậy, học tập liên tục trở thành một áp lực rất lớn đối với các bác sĩ.
Với đa số các ngành khác chỉ cần trình độ đại học có thể nắm giữ các cương vị Trưởng phòng, Giám đốc, thậm chí Tổng giám đốc. Nhưng với ngành y, cơ hội thăng tiến gắn liền với việc học tập: Tiêu chuẩn bổ nhiệm trưởng khoa ở bệnh viện tuyến tỉnh ít nhất phải là bác sĩ chuyên khoa cấp 1, hoặc thạc sĩ, ở bệnh viện tuyến trung ương phải là bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hoặc tiến sĩ.
Các áp lực của bệnh nhân đối với thầy thuốc còn từ phía thái độ của bệnh nhân. Khi vào khám bệnh, đặc biệt tại các phòng cấp cứu họ thường có xu hướng quan trọng hóa bệnh tật của mình và ít quan tâm đến tình trạng trầm trọng của những người xung quanh. Chính vì thế họ thường xuyên gây áp lực với thầy thuốc để được khám trước, được chiếu chụp, siêu âm ngay hay phải xử trí tức thời, trong khi có rất nhiều bệnh nhân khác đến trước hoặc nặng hơn và đáng được ưu tiên cấp cứu hơn.
Việc không tuân thủ nội quy bệnh phòng của bệnh nhân và người nhà thăm nuôi cũng là điều khó chịu lớn đối với thầy thuốc.
Rất nhiều bệnh nhân cố tìm hiểu y học qua những kiến thức vụn vặt, nhặt nhạnh được trên internet, hoặc qua truyền miệng nhưng lại coi đó là kiến thức y học thực sự. Họ can thiệp vào quá trình điều trị của bác sĩ hoặc tự ý thêm thuốc, bỏ thuốc trong đơn bác sĩ nhưng khi hậu quả xảy ra thì đa phần đều có xu hướng đổ lỗi cho quá trình điều trị của thầy thuốc.
Nhiều trường hợp gia đình kiên quyết xin ngừng điều trị vì thầy bói bảo không qua khỏi, hoặc xin về để về cúng bái, dùng các loại thuốc nhảm theo những lời mách bảo vu vơ.
Nếu thấy con trả lời “sau này thích làm bác sĩ” thì thay vì mỉm cười mãn nguyện, bố mẹ hãy nói cho con biết, nghề y chỉ dành cho những người biết cố gắng và hy sinh.