Giáo sư Robert Lanza đến từ Trường Y, Đại học Wake Forest (Mỹ) bắt đầu lí giải của mình bằng cách trích dẫn thuyết lấy sự sống làm trung tâm (biocentrism), vốn coi cái chết như chúng ta biết chỉ là một ảo giác của ý thức con người.
"Chúng ta đều nghĩ, cuộc sống chỉ là hoạt động của cácbon và một hỗn hợp các phân tử. Chúng ta chỉ sống một thời gian và sau đó thối rữa vào đất", trích tuyên bố của ông Lanza trên website của mình.
Theo ông Lanza, là con người, chúng ta đều tin vào cái chết vì "chúng ta được dạy ai cũng sẽ chết", hay cụ thể hơn là, nhận thức của chúng ta gắn sự sống với cơ thể, trong khi cơ thể chắc chắn sẽ chết. Tuy nhiên, thuyết biocentrism của ông Lanza coi cái chết có thể không phải là dấu chấm hết như chúng ta nghĩ.
Thuyết biocentrism cho rằng, sự sống và sinh vật học là trung tâm của hiện thực và rằng, sự sống tạo ra vũ trụ, chứ không phải ngược lại. Thuyết này cũng nêu, ý thức của con người quyết định hình dáng và kích cỡ của các vật thể trong vũ trụ. Ông Lanza lấy ví dụ: khi một người ngắm nhìn bầu trời xanh và được nói màu mà họ nhìn thấy là xanh dương, nhưng các tế bào trong bộ não người có thể được biến đổi để khiến bầu trời trông như màu xanh lục hoặc đỏ.
Tương tự, các nhà vật lí lí thuyết tin hiện tồn tại vô số vũ trụ với các bản sao biến thể khác nhau về dân số và tình huống diễn ra đồng thời. Theo ông Lanza, khi chúng ta chết ở thế giới này, sự sống của chúng ta sẽ nảy nở ở một vũ trụ khác. Ông viện dẫn một thí nghiệm nổi tiếng về sự phân đôi để chứng minh quan điểm của mình.
Trong thí nghiệm, khi các nhà nghiên cứu cho một hạt đi xuyên qua 2 khe hở trong một rào chắn, hạt này hành xử như một viên đạn và đi xuyên qua khe hở này hoặc khe hở khác. Nhưng nếu một người không quan sát hạt, nó hành xử như sóng, đồng nghĩa với việc nó có thể đi xuyên cả 2 khe hở cùng một lúc.
Ví dụ trên cho thấy, vật chất và năng lượng có thể chứa đặc tính của cả hạt và sóng. Và các biến đổi về hành vi của hạt phụ thuộc vào cảm nhận cũng như ý thức của người.