Khoa học - Lịch sử 2015-05-18 05:59:11

Kỳ lạ với loài động vật 'giết cỡ nào cũng không chết'


Có một loại động vật có thể sống cả khi bị “tra tấn” bằng nấu sôi, nén chặt, phơi khô, vứt ngoài vũ trụ… thậm chí là chiếu phóng xạ.



ảnh minh họa

Với gần như tất cả các loài động vật trên Trái đất, những môi trường như lửa, nước sôi, chân không… đều khiến chúng tử vong một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, với loài động vật có tên bọ gấu nước (tardigrade) thì không như vậy, nó vẫn “nhởn nhơ” kể cả khi người ta cố tình giết nó.


Bọ gấu nước là loài bọ rất nhỏ, kích thước chỉ dưới 1 mm và không bao giờ lớn hơn giới hạn này. Loài bọ này có 8 chân to khỏe, không có mắt nhưng dùng chiếc miệng lớn với các mấu sắc xung quanh cho việc săn mồi, nhai mồi, xe thức ăn.

Chúng chủ yếu ăn rêu, tảo và địa y, nhưng đôi khi nó ăn cả đồng loại của mình.

Loài bọ gấu nước này lần đầu tiên được phát hiện bởi nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek vào năm 1702. Ông phát hiện chúng khi lấy những lớp bùn trên máng xối nhà mình và cho nước vào.

Dưới kính hiển vi, ông nhìn thấy các vi sinh vật bắt đầu hoạt động.


Theo các nhà khoa học hiện đại, bọ gấu nước đã tồn tại trên Trái đất chúng ta từ rất lâu. Bằng chứng là hóa thạch của chúng được phát hiện đã có niên đại lên tới hơn 500 triệu năm.

Vậy vì sao lại gọi bọ gấu nước là loài động vật “sống dai” nhất hành tinh?

Vào năm 1842, nhà khoa học người Pháp Doyère cũng đã tiến hành một thử nghiệm cho bọ gấu nước vào môi trường nhiệt độ 125 °C. Kì lạ thay, nó vẫn sống.

Một thử nghiệm khác được tiến hành bởi một thầy tu dòng Benedict Gilbert Franz Rahm bằng cách gia nhiệt lên tới 151 °C trong vòng 15 phút và cũng không có cái chết nào xảy ra.



Cũng theo ông Rahm, ông đã đưa bọ gấu nước vào môi trường nhiệt độ -200 độ C suốt 21 tháng, trong nitrogen lỏng ở -253 °C suốt 25 tiếng và trong helium lỏng ở -272 °C suốt 8 tiếng.

Sau đó, ông đem ra thử lại với nước rồi nhìn dưới kính hiển vi, bọ gấu nước vẫn từ từ cựa quậy và bò ra.



Vào năm 1948, nhà khoa học người Ý Tina Franceschi đã vô tình phát hiện ra khả năng chịu khô hạn của loại bọ nàykhi kiểm tra những rêu mốc trong viện bảo tàng đã héo từ 120 năm.

Khi cô cho vào rêu một chút nước và nhìn trong kính hiển vi, cô thấy các sinh vật động đậy và đó chính là chúng.

Sau đó, các nhà khoa học khác cũng thử nghiệm phơi khô bọ gấu nước trong 8 năm và cũng có kết quả tương tự.

Vào năm 1998, nhóm nghiên cứu gồm hai nhà khoa học Kunihiro Seki và Masato Toyoshima thuộc ĐH Kanagawa (Nhật Bản) đã tiến hành “ép” bọ gấu nước ở trong áp lực 600 MPa và ngạc nhiên khi nó vẫn sống sót.

Nên nhớ rằng nơi sâu nhất Trái đất là đáy vực Mariana Trench ở Thái Bình Dương sâu 11 km cũng chỉ có áp lực là 100 MPa.



Các nhà khoa học lại tiếp tục “làm khó” bọ gấu nước bằng các tia bức xạ. Đầu tiên, họ thử chiếu tia X có cường độ chết người vào bọ gấu nước nhưng nó vẫn sống.

Tiếp với các tia alpha, gamma, tử ngoại… nó vẫn cử động như thường.

Tiếp nữa, các nhà khoa học đã tiến hành đưa bọ gấu nước ra ngoài không gian. Một số con đã chết nhưng một số vẫn sống và thậm chí sinh sản ra những “bé bọ gấu nước” con khỏe mạnh.

Như vậy, chỉ có môi trường bức xạ cực cao ngoài không gian mới có thể giết chết được bọ gấu nước nhưng tỉ lệ cũng không phải là 100%.

Hiện các nhà khoa học đang tìm hiểu xem những nguyên nhân nào lại có thể khiến bọ gấu nước “bất tử” được như vậy.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)