Mắt giả được lắp theo kỹ thuật hiện đại trông giống mắt thật, với sự chính xác về màu sắc, hình dáng, thậm chí còn có thể cử động qua lại và khóc ra nước mắt thật.
Bé Teddie Stroud, 3 tuổi (ở Benfleet, Essex - Anh), sau khi bị chẩn đoán mắc một dạng ung thư mắt rất hiếm - một khối u phát triển bên trong nhãn cầu, có thể gây tử vong, đã phải phẫu thuật bỏ đi mắt bên phải vào tháng 3 năm nay.
Người mẹ - Kerri, 32 tuổi cho biết: “Mắt giả có màu rất hợp với màu mắt thật của Teddie. Và khi cháu nhìn về hướng nào, nó cũng di chuyển theo, dù không nhanh bằng mắt kia”.
Bác sĩ cố vấn khoa Mắt Nhi ở Bệnh viện Nhãn khoa London và Moorfields, ông M. Ashwin Reddy cho biết, với phương pháp mới, bệnh nhân thường được phẫu thuật để đưa một ổ mắt cấy ghép hình cầu vào hốc mắt, thay thế thể tích phần mắt và các mô bị bỏ đi, giúp duy trì được cấu trúc của hốc mắt. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, vì khi ấy các xương của hốc mắt có thể phát triển chung quanh phần cấy ghép này.
Khi ổ mắt cấy ghép đã ở đúng vị trí, một cấu trúc tạo khung mắt tạm thời sẽ được lắp vào phía trước ổ mắt, tương tự như gắn kính tiếp xúc (contact lens). Rồi sau khoảng 6 đến 8 tuần, khi hốc mắt đã lành, cấu trúc này sẽ được gỡ bỏ để thay bằng ''mắt giả'', một bộ phận được sơn vẽ cho thật giống con mắt khỏe mạnh còn lại.
Kỹ thuật lắp mắt giả đã được sử dụng từ cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, lúc đầu bệnh nhân chỉ được gắn một cấu trúc tạo khung mắt không đủ lấp đầy được thể tích của hốc mắt, khiến cho các mí mắt bị rũ xuống, không đạt tính thẩm mỹ.
Hiện ổ mắt cấy ghép được làm từ chất liệu giống như xương gọi là hydroxyapatite thay vì bằng vàng, thủy tinh, chất dẻo như trước đây, vì thế nó ''dính'' tốt hơn và cho phép mắt cử động tốt hơn.
Theo Nigel Sapp, chuyên gia làm mắt giả tại Bệnh viện Nhãn khoa Moorfields khuyên bệnh nhân thường mang mắt giả suốt 24 giờ một ngày, cần phải gỡ nó ra hàng ngày để lau rửa.