“Mỗi lần đẻ là em lại ra ngoài đồng, ngồi xổm, hai tay nắm vào thân cây sắn rồi… rặn. Khi thấy em bé chui ra, em tự đỡ rồi lấy rựa cắt rốn cho con…”, một phụ nữ dân tộc thiểu số tâm sự. Chính những kiểu tự sinh, tự diệt như thế này đã khiến không biết bao nhiêu bà mẹ qua đời khi vượt cạn, nhiều trẻ sơ sinh tử vong ngay lúc mới lọt lòng.
Đẻ như…đi nhổ sắn
Suốt quãng thời gian cống hiến cho ngành sản, phụ khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM không khỏi nao lòng khi nhớ lại cảnh thương tâm của sản phụ vùng cao tự… đỡ đẻ cho mình.
Bác sĩ Phượng nhắc lại lần đi công tác ở huyện Thuận Bắc, xã Lợi Hải, tỉnh Ninh Thuận cách đây hơn 1 năm. Do thiếu hiểu biết và điều kiện y tế thiếu thốn, người phụ nữ vùng sâu đã suýt mất mạng.
“Khoảng 7 h sáng, đang ở trạm y tế huyện, tôi nghe điện thoại báo một phụ nữ đẻ ở nhà bị băng huyết, nhau chưa bong. Dù được hướng dẫn cấp cứu từ xa nhưng 2 tiếng sau, ở dưới điện thoại báo tình trạng sản phụ rất nguy kịch, máu ra xối xả do người nhà vẫn chưa dám bóc nhau vì…quá sợ.
Nghe đến đó tôi lạnh cả người vì người phụ nữ bị băng huyết suốt mấy tiếng đồng hồ, thời khắc sống sót chỉ còn tính bằng phút. Tôi cuống lên, chạy xe đi tìm nhà của sản phụ đang bị tai biến, nhờ dân làng chỉ đường nên cũng đến được nơi, lúc đó đã là 11 h trưa.
Phụ nữ khi sanh nở cần được chăm sóc trong điều kiện y tế đầy đủ.
Trong ngôi nhà vách đất rộng 6 mét vuông, người phụ nữ trạc 30 tuổi nằm trên sàn, dưới mình là tấm ni lông màu xanh lênh láng máu. Ánh sáng leo lét, xuyên vào từ lỗ thủng trên vách tôi mập mờ nhận ra da mặt chị ta xám ngoét như người chết.
Huyết áp của chị lúc đó chỉ là 6/4 (người bình thường 10/6), không bắt được mạch. Đánh liều, tôi ngồi xuống bóc lá nhau thì máu ngưng chảy. Sau đó, sản phụ đã được chuyển đi cấp cứu tại trung tâm y tế xã và dần hồi phục.”, bác sĩ Phượng kể.
Không phải ai cũng may mắn như người phụ nữ nói trên, cách đây không lâu, một lần đi khám ở vùng xa, bác sĩ Phượng không khỏi đau lòng khi chứng kiến cái chết thương tâm của người mẹ trẻ chưa đầy 30 tuổi, ngụ tại Bù Đăng, xã Đặc Nhau. Chị ta chết tức tưởi do sinh khó nhưng gia đình không đưa đi cấp cứu mà lại mời thầy mo về cúng.
Trong lần đi tập huấn cho lớp cô đỡ thôn bản ở Hà Giang, bác sĩ Phượng hỏi một học viên dân tộc thiểu số về cách sanh con của họ thì được trả lời: “Mỗi lần đẻ là phụ nữ chúng em lại chạy ra rừng, ngồi xổm xuống, hai tay nắm lấy thân cây rồi…rặn. Khi thấy em bé chui ra, bọn em tự đỡ lấy, dùng dao mang theo cắt dây rốn và đem nhúng nó xuống suối cho…sạch. Đối với chúng em, đẻ con cũng như là…nhổ sắn thôi”.
Một số liệu thống kê cho biết, hơn 80% phụ nữ vùng sâu, vùng xa tự sinh con ở nhà, phần lớn họ dùng các phương tiện như dao, rựa, thậm chí cật tre, nứa để cắt dây rốn.
“Việc em bé vừa đẻ ra mà đem xuống suối tắm là đủ để em bé bị viêm phổi chết, chưa kể bị nhiễm trùng do cắt rốn bằng dụng cụ thiếu vệ sinh. Các bà mẹ trong các trường hợp này đa số tử vong do băng huyết”, bác sĩ Phượng nói.
Theo bác sĩ Phượng, do điều kiện sinh sống của bà con dân tộc thiểu số rất xa xôi, hiểm trở, mạng lưới y tế chưa bao phủ tới. Hiện chỉ có cách đào tạo cô đỡ thôn bản, lấy nguồn nhân lực từ chính những người phụ nữ dân tộc để giúp những sản phụ khác..
Gian nan dạy…đỡ đẻ !
Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đã đào tạo được 718 học viên đỡ đẻ cho vùng sâu, vùng xa nhưng "sự nghiệp" dạy dỗ này khá gian nan do trình độ của cô đỡ quá thấp.
“Rất nhiều học viên không biết tiếng Kinh nên khi dạy các em cách đỡ đẻ chúng tôi phải kiêm luôn giáo viên dạy tiếng Việt. Khi giảng đến đoạn nếu sau 2 h mà sản phụ chưa đẻ được thì phải đưa đi cấp cứu thì các em ngây thơ hỏi…giờ là cái gì (?).
Các em chỉ biết khi “thằng” mặt trời thức dậy là đến lúc đi ra rẫy, khi mặt trời chạy lên cao thì về ăn cơm và khi không thấy mặt trời nữa thì đi ngủ.”, bác sĩ Phượng dí dỏm kể.
Bác sĩ Phượng coi học viên như con của mình, đưa các cô đi mua đồ, hướng dẫn cho cách tự chăm sóc, vệ sinh bản thân. Bằng sự tận tâm và kiên trì, các học viên đã hoàn thành khoá học, nhiều cô còn hoàn thành xuất sắc.
Sau 6 tháng huấn luyện các kỹ năng đỡ đẻ, các cô đỡ thôn bản sẽ được phát cho túi đỡ đẻ sạch và dụng cụ cắt dây rốn vô trùng. Các cô cũng được dạy cho cách tiêm vắc – xin ngừa uốn ván sau khi sinh cho bà mẹ và em bé. Khi trở về thôn bản, họ được kỳ vọng sẽ hướng dẫn cách sống văn minh cho dân làng, giảm tai biến tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.