- Vì sao chị quyết định đảm nhận vị trí Phó chủ tịch phụ trách mảng xây dựng thương hiệu của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt?
- Việc tôi nhận chức này cũng không khác mấy với lý do tôi nhận chức Đại sứ du lịch.
Tôi cũng như mọi người Việt Nam khác, khi lớn lên, trưởng thành, có được một chút thành công trong cuộc sống đều thấy mình cần có trách nhiệm đóng góp công sức nhỏ bé cho đất nước. Đi đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, tôi cũng tự hào là người Việt Nam. Quảng bá du lịch hay đưa thương hiệu Việt ra thế giới cũng là cách để tôi góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước mình.
Lý Nhã Kỳ vừa đảm nhận chức Phó chủ tịch Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt, phụ trách quản lý mảng thương hiệu. |
- Mỗi khi đi đến các vùng miền trong nước, tôi thường để ý tìm các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ. Tôi trân trọng sự sáng tạo của các nghệ nhân, trân trọng những đôi tay tỉ mỉ, cần cù của người lao động Việt trên những sản phẩm đó.
Những dịp ra nước ngoài công tác, tôi cũng hay tặng bạn bè tranh sơn mài và tranh thêu của Việt Nam. Chính tôi nhiều lúc cũng bất ngờ khi những người nổi tiếng trên thế giới những lúc được tặng đã đánh giá rất cao tranh sơn mài cũng như tranh thêu Việt Nam. Thậm chí, có những người bạn của tôi còn khoe từng mua được bức tranh thêu của Việt Nam với một sự tự hào rõ rệt.
- Chị đánh giá chất lượng của những sản phẩm hàng Việt này ra sao?
- Tôi đã từng quan sát những phụ nữ ngồi thêu tranh và hay gọi họ là “nghệ sĩ”. Bởi đôi tay họ thật sự tài hoa khi có thể thêu những bức tranh tuyệt vời đến thế. Có những bức tranh được thực hiện với hàng trăm ngày công.
Tôi thán phục sự tinh tế, khéo léo một cách kỳ diệu của những đôi tay ấy. Đó là một trong những tinh hoa của thương hiệu Việt mà thế giới cũng phải công nhận. Chỉ tiếc rằng, nếu như ở nước ngoài, những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ được làm bằng tay vô cùng đắt đỏ do người ta hiểu được giá trị của hai chữ “thủ công” và công sức người lao động bỏ ra. Ở Việt Nam, những mặt hàng đó chưa được định giá đúng mức.
Nếu chúng ta giỏi làm thương hiệu hơn thì các sản phẩm sẽ được hiểu đúng về giá trị của cả sức người và kinh tế. Tôi thích hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam ở chỗ các sản phẩm đều rất bền, chắc, nhiều sáng tạo, mang tính nghệ thuật cao… chỉ có điều nhiều mặt hàng chưa thực sự tinh tế lắm nên chưa tiếp cận được với thị trường quốc tế.
- Vậy theo chị, để chinh phục người tiêu dùng thì những sản phẩm Việt cần phải có những yếu tố nào?
- Trước hết là uy tín của nhà sản xuất. Uy tín sẽ quy định chất lượng của sản phẩm cũng như việc “đối đãi” của nhà sản xuất với khách hàng ra sao, có trước sau như một hay không. Trong cuộc sống cũng vậy, để chiếm được tình cảm của người khác thì uy tín là điều đầu tiên cần có. Các sản phẩm phải cần được định giá đúng với giá trị giúp người tiêu dùng cảm thấy mình hài lòng và thoải mái khi mua.
Lý Nhã Kỳ cho biết rất trân trọng sự sáng tạo của các nghệ nhân, trân trọng những đôi tay tỉ mỉ, cần cù của người lao động Việt trên những sản phẩm tranh thêu. Ảnh: PV |
- Có lần tôi vào siêu thị của Hàn Quốc, thấy giữa nhiều mặt hàng khác nhau của Hàn Quốc, Nhật Bản thì có cà phê và mực một nắng đến từ Việt Nam. Thú thực lúc đó tôi thấy hãnh diện lắm và mua để ủng hộ luôn. Bạn bè tôi nói có nhiều nước trên thế giới bán cà phê của Việt Nam, tôi nghĩ đó là điều đáng hãnh diện của hàng Việt.
Tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ việc các mặt hàng đã được đón nhận ra sao ở nước sở tại, bởi vì tôi ra nước ngoài luôn là những cuộc họp liên miên. Tuy nhiên, bạn tôi từng nhờ tôi mua cà phê từ Việt Nam sang vì họ khen ngợi cà phê Việt ngon và rất “chất”.
- Thời gian qua, nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như P/S, Tribeco, Diana…đã bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Là một người sắp tham gia vào lĩnh vực xây dựng thương hiệu Việt, chị có thể nói gì về hiện tượng này?
- Tôi nghĩ, trong kinh doanh khi xây dựng được một thương hiệu uy tín, có sức mạnh để cho nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng phát triển lớn mạnh trong tương lai và quyết định mua lại thương hiệu, thì đó là dấu hiệu tốt chứ không phải xấu. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đã chấp nhận nhảy vào thị trường Việt đầu tư thì họ phải nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thương hiệu mà người Việt đã xây dựng thành công.
Và tôi cho rằng, dù nhà đầu tư nước ngoài mua thì sản phẩm thương hiệu Việt vẫn sẽ mãi mãi là thương hiệu Việt Nam. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua và nhân rộng hơn, bán ra trên toàn thế giới, thì dù sản phẩm đó ở bất cứ nước nào cũng vẫn được khách hàng biết đến là thương hiệu đến từ Việt Nam chứ không phải từ bất cứ đất nước nào khác. Khách hàng họ quan tâm nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, giá cả chứ không chỉ quan tâm đến người điều hành nó.
Bản thân tôi cũng mong Việt Nam mình có những thương hiệu thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài để họ có thể nối dài cánh tay cho thương hiệu Việt, đưa đến nhiều nước trên thế giới và đó là cách giúp thương hiệu của chúng ta mở rộng hơn.
- Việc trở thành Phó chủ tịch phụ trách mảng thương hiệu Việt liệu có làm gu thời trang của chị thay đổi, ví dụ như: sẽ chuyển sang dùng toàn hàng Việt chẳng hạn?
- Tôi nghĩ không nên gộp câu chuyện về cuộc sống cá nhân của tôi với câu chuyện vai trò trách nhiệm của tôi trong Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt.
Vai trò, trách nhiệm của tôi trong Hội là cùng các thành viên trong ban lãnh đạo Hội hỗ trợ, sát cánh bên các thương hiệu Việt để tìm ra những hướng đi để mỗi ngày một lớn mạnh hơn, vươn tầm quốc tế…
- Chị sẽ làm gì để giúp nâng tầm thương hiệu Việt vươn ra khu vực và thế giới?
- Như trên đã nói, tôi sẽ sát cánh cùng ban lãnh đạo của Hội hoạch định những phương án, chiến lược cụ thể để có thể đẩy mạnh sự đoàn kết, liên kết của các thương hiệu trong nước, cùng nhau tìm ra những hướng đi tốt nhất trong quá trình phát triển…
Nghệ nhân Việt, người làm kinh doanh Việt rất giỏi, tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu của họ còn nhiều yếu kém, đó chính là một trong những lý do để Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt ra đời, và đó cũng là lý do để tôi mong muốn được đóng góp sức nhỏ vào việc hỗ trợ đắc lực cho thương hiệu lớn mạnh hơn.