Lý Thường Kiệt sinh năm 1019 tại An Xá (phía Nam hồ Tây), tên thật là Ngô Tuấn nhưng về sau có công nên được vua ban quốc tính (đổi họ theo vua) mới đổi sang họ Lý (gia phả họ Ngô chép rằng ông là cháu 5 đời của Ngô Xương Ngập – hoàng tử trưởng của Ngô Quyền, tuy vậy cũng có một số tài liệu khác phản bác điều trên). Sử cũ chép rằng lúc còn trai trẻ, ông là người có vẻ mặt “tươi đẹp lạ thường” nên năm 23 tuổi được tuyển làm Hoàng Môn Chi Hậu, tức một chức hoạn quan nhỏ trong triều. Cũng từ đây, Lý Thường Kiệt khẳng định được tài năng và đức độ của mình. Ông làm quan qua 3 đời vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông, được thăng lên các chức Phụ Quốc Thái Phó, Dao Thụ Chư Trấn Tiết Độ, Đồng Trung Thư Môn Hạ, Thương Trụ Quốc, hàm Thái úy tước Khai Quốc Công và được nhận là Thiên Tử Nghĩa Đệ (em kết nghĩa của vua).
Điểm đặc biệt đầu tiên của Lý Thường Kiệt trong vai trò chống giặc là khôi phục được hòa khí của nội bộ quý tộc và tướng lĩnh cao cấp lúc đó (đặc biệt là phe của Thượng Dương Thái Hậu và phe của Thái Phi Ỷ Lan). Tiếp theo đó, ông cũng đã củng cố sự đoàn kết với tù trưởng của các dân tộc ít người phía Tây Bắc và Việt Bắc. Về quân sự, Lý Thường Kiệt chủ trương bình Chiêm để làm yên mặt phía Nam. Táo bạo hơn, năm 1075, quân đội Đại Việt do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã tấn công thẳng vào đất nhà Tống (Trung Quốc sau này). Châu Ung, Châu Khâm và châu Liêm là nơi giặc Tống đang nuôi quân nhằm tiến đánh Đại Việt đã bị quân đội Đại Việt đánh úp. Với Phạt Tống lộ bố văn (bài văn nói rõ lý do đánh Tống), cuộc tấn công này đã được sự đồng tình của nhân dân Đại Việt và dân Tống lúc đó. Sau chiến dịch 42 ngày đêm này, sức ép phía Bắc đã được giảm đáng kể nhờ sự thất bại của quân Tống tại Châu Ung, Châu Khâm và châu Liêm. Cuối cùng, khi rút về Việt Nam, chiến tuyến sông Cầu đã được dựng lên để sẵn sàng đón đánh quân Tống một lần nữa.
Năm 1077, quân Tống tiếp tục xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt trong tình huống hiểm nghèo đã viết nên bài Nam quốc sơn hà và bí mật sai người vào đền thờ Trương Hống và Trương Hát trên bờ sông Như Nguyệt đọc to lên trong đêm tối. Kết quả là sĩ khí quân Đại Việt tăng lên nhanh chóng và đã đập tan được quân giặc tại đây. Sau khi quân Tống rút về, Lý Thường Kiệt ngay lập tức dâng thư … xin hàng. Đây cũng là một việc làm cần thiết trong ngoại giao để tránh đổ máu sau này cho hai dân tộc. Về sau, hai triết gia nổi tiếng nhà Tống là Trình Di và Trình Hạo trong Nhị Trình Di Thư đã phải bình một cách hài hước và có phần chua chát rằng “May được lời giặc nói nhũn, nhân thế mà giảng hòa!!!“
Lý Thường Kiệt qua đời vào tháng 6 năm 1105, thọ 86 tuổi. Điều đáng nói là trước khi mất một năm, ông vẫn còn là tướng chỉ huy của quân đội và tham gia các trận đánh lớn ở phía Nam. Nếu trong lịch sử hoạn quan luôn bị coi là những thành phần xấu, khích bác vua thì Lý Thường Kiệt lại thực sự là một tấm gương chói sáng trong việc dựng nước và giữ nước. Ngày nay, đền thờ ông có ở khắp nơi tại Việt Nam và hầu hết các thành phố lớn tại Việt Nam đều lấy tên ông để đặt tên cho những con đường chính của mình.
Cấm member Việt dê đọc chùa …