Tống Nhân Tông Triệu Trinh là con trai thứ 6 của Tống Chân Tông, và là hoàng đế thứ tư của triều Đại Tống. Ông chính là thái tử trong vụ án dân gian nổi tiếng “Ly miêu hoán thái tử”. Ông cũng là vị hoàng đế có thời gian tại vị lâu nhất của triều Tống. Ông tức vị từ năm lên 12 tuổi, tại vị trong vòng 42 năm
Khi tức vị, Tống Nhân Tông không được nắm quyền triều chính mà do Chương Hiến Minh Túc thái hậu Lưu Nga buông rèm nghe chính sự. Lưu Nga vốn là người đàn bà tham vọng quyền lực. Tuy tham vọng quyền lực, nhưng Lưu thái hậu không phải là người đàn bà hiểm độc. Nhưng trong suốt 12 năm dưới quyền thái hậu, tuổi thanh xuân của Tống Nhân Tông cũng không hề dễ chịu.
Nổi tiếng là vị hoàng đế hiền từ, nhân hậu, khoan dung, yêu dân như con, dưới sự trị vì của ông, thiên hạ Đại Tống vô cùng thịnh vượng, nhân tài nhiều như mây khói trong đó có Bao Chửng lừng danh thiên hạ. Tuy nhiên, dù là một minh quân, nhưng ông cũng là một ông vua đam mê sắc dục.
Theo ghi chép trong sử sách, Tống Nhân Tông sinh được ba con trai, 13 con gái nhưng chỉ có ba người con gái của ông là trưởng thành còn lại đều chết yểu, trong đó có cả ba vị hoàng tử. Điều này có liên quan mật thiết đến việc Tống Nhân Tông quá háo sắc, đời sống tình dục quá tùy tiện, vì thế mà ảnh hưởng đến chức năng của thận, nên đã ảnh hưởng xấu đến việc lưu truyền nòi giống và khiến ông trở thành ông hoàng bị tuyệt hậu.
Tháng 3, Minh Đạo năm thứ 2 tức năm 1033, Lưu thái hậu ốm chết. Tống Nhân Tông lúc này 24 tuổi chính thức lên nắm quyền triều chính. Ông bắt đầu được hưởng sự tự do. Quyền lực trong tay, sự kìm nén dục vọng trong lòng bấy lâu cũng được cởi bỏ. Kể từ khi Trương mỹ nhân, người được ông vô cùng sủng ái bị bệnh chết ông bắt đầu sủng ái Thượng mỹ nhân và Dương mỹ nhân. Quách hoàng hậu là người ghen tuông, suốt ngày tìm cách soi xét, quản lý hoàng thượng. Vì Thượng mỹ nhân, ông sẵn sàng phế bỏ Quách hoàng hậu.
Chả còn ai làm phiền hay ghen tuông nên ông suốt ngày chìm đắm trong ái tình với hai nàng sủng phi. Thêm việc ăn uống, ngủ nghỉ bị đảo lộn không khoa học khiến tinh thần hoàng thượng thường xuyên mệt mỏi. Tần suất bỏ thượng triều ngày càng nhiều khiến các đại thần vô cùng lo lắng. Không lâu sau do sức khỏe suy kiệt, Tống Nhân Tông đã phát bệnh nặng, hôn mê bất tỉnh. Các đại thần đã phải tìm cách và nhờ đến sự trợ giúp của Dương thái hậu, dưỡng mẫu của hoàng thượng đưa hai nàng sủng phi xuất cung
Cuối cùng, sức khỏe của Tống Nhân Tông cũng được hồi phục. Các đại thần lại họp bàn lập hoàng hậu mới. Người cuối cùng được chọn là Tào Thị, cháu gái của đại tướng Tào Bân. Tào hoàng hậu là người dịu dàng, hiền thục. Những lúc rảnh dỗi, nàng thường nuôi dế, luyện thư pháp chứ không giống Quách hoàng hậu suốt ngày chỉ lo "canh giữ" hoàng thượng. Nhưng cũng chính vì thế mà “bệnh cũ” của hoàng thượng lại tái phát. Thị nữ của dưỡng mẫu, con gái của nhũ mẫu… cứ thế lần lượt vào cung.
Không chỉ hái các "bông hoa" trong vườn xuân hậu cung rực rỡ sắc màu của mình, ông còn hái cả nhưng “ bông hoa dại” trong vườn của các thần tử trong thiên hạ. Một ngày, cô con dâu của một gia đình phú hào ở kinh đô Khai Phong bỗng nhiên biến mất. Nhân gian đồn đại rằng nàng ấy đã được đưa nhập cung
“Thị trưởng” Khai Phong phủ, Phạm Phúng biết rất rõ việc này nên lẳng lặng vào hoàng cung diện kiến long nhan và dùng khẩu khí đầy châm biếm, đả kích tâu rằng: "Bệ hạ vốn không màng nữ sắc, chuyện này khắp thiên hạ đều biết. Nếu dân nữ đã đưa vào cung thì tại sao lại để thiên hạ biết chuyện? Tống Nhân Tông nghe xong mặt đỏ rần rần, đáp lại đầy ngượng ngùng: “Trẫm nghe hoàng hậu nói có người cung nữ như thế, nhưng Trẫm chưa hề gặp mặt nàng ấy”. Phạm Phúng vẫn không chịu buông tha” Nếu đúng là như vậy, thì để thần đưa nàng ấy xuất cung”. Tống Nhân Tông đành miễn cưỡng “ngoan ngoãn” mở to mắt nhìn Phạm Phúng đưa mỹ nhân của mình đi ngay trước mắt mình.
Chưa được bao lâu, biết hoàng hượng háo sắc nên Vương Đức Dụng đã dâng hai mỹ nữ và hoàng thượng vô cùng thích. Chuyện này đến tai quan ngự sử Vương Tố, ông ta đã đến tận điện Kim Loan can gián. Mặc dù Tống Nhân Tông đã tìm mọi cách thuyết phục, nhưng Vương Tố vẫn kiên quyết không đồng ý. Cuối cùng, Tống Nhân Tông không còn cách nào, đành ngậm ngùi để mỹ nhân ra khỏi cung.
Theo ghi chép trong sử sách, Tống Nhân Tông tổng cộng có 18 thê thiếp có danh phận chính thức. Những cung nữ không có danh phận thì nhiều vô kể. Tuy là hoàng đế vô cùng háo sắc, nhưng ông không vì sắc đẹp mê hoặc che mờ mắt. Với sự nhân từ và anh minh của mình, triều Tống dưới thời cai trị của ông kinh tế, văn hóa vô cùng phát triển, thiên hạ thái bình.