Tôi thấy các người mẹ trẻ đang loay hoay giữa hai dòng sữa.
Một là sữa của họ, hai là “sữa thay thế” của mẹ chồng lẫn mẹ đẻ.
Bạn tôi có cháu trai 4 tháng. Bạn ấy muốn cháu chỉ uống sữa mẹ cho đến khi tròn 6 tháng, theo lời đề nghị của Tổ chức y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Bệnh viện nhi trung ương Việt Nam…
Lời đề nghị của cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ lại khác. Phải cho nó ăn, phải cho nó ăn! Chút cơm, chút cháo, phải cho nó ăn chút chất “dinh dưỡng”!
“Nhưng mẹ ơi, con đọc ở trên mạng rằng nếu cho con ăn dặm vậy là quá sớm, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống miễn dịch của bé. Tất cả các chất dinh dưỡng bé đang cần đã có trong sữa mẹ rồi, con nghiên cứu và…”
“Nghiên cứu gì? Con vẫn thông minh và xinh xắn chứ!. Mẹ nuôi con như thế còn gì!” (Hoặc nếu là mẹ chồng thì…“Tôi nuôi anh như thế còn gì.”)
Tôi thương bạn tôi. Một em bé không phải cái i-pad, đi đâu cũng có thể mang theo. Đôi khi bạn tôi có việc phải ra ngoài, đành để con ở nhà. Lúc đó bạn ấy biết rằng mẹ (hoặc bà) sẽ cho cháu ăn chút cơm, chút cháo, cũng như lúc người quản lý của gia đình đi vắng, anh quản đốc sẽ cho các thợ xây “ăn” chút xi-măng, chút sắt.
Cuối cùng hai vợ chồng bạn tôi quyết định ở riêng, lấy lý do là công việc. Cũng may văn phòng của cả hai người đều rất xa nhà nên lý do thuyết phục.
Sự khéo léo
Một đặc điểm của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện này là: xếp về mặt khoa học các người mẹ trẻ đang đứng đầu, nhưng xếp về mặt tiếng nói trong gia đình thì họ đang “đứng chân”. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, nhưng sự mâu thuẫn đó có vẻ khá phổ biến, đặc biệt giữa những người mẹ trẻ đã lớn lên ở thành phố và những người mẹ già đã lớn lên ở quê.
Tất nhiên hành động của các người mẹ trẻ, các bác và các bà đều xuất phát từ tình yêu thương – vấn đề là ngã ba chưa lập đèn giao thông nên dễ xảy ra tai nạn. Các bà mẹ trẻ thường là người nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện nhất nhưng kiến thức phải đi cùng quyền lực mới có tác dụng.
Thêm vào đó, các công ty sản xuất sữa bột và thực phẩm trẻ em rất khôn ngoan. Một người mẹ trẻ có học và biết dùng internet sẽ khó để lừa đảo. Nhưng một bác vẫn rất tin vào cách truyền thống của gia đình mình có lẽ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tiếp thị hơn. Các công ty đó biết họ đang quảng cáo cho ai.
Vậy nên tôi thấy nhiều vợ chồng trẻ phải hết sức khéo léo ở việc kết nối kiến thức khoa học với kiến thức “bác” học. Ví dụ, tỉnh thoảng họ phải “mời chuyên gia” đến nhà “thuyết trình”. Mẹ chồng sẽ không tin khi con dâu nhắc trang web của WHO, nhưng biết đâu mẹ chồng sẽ bắt đầu “hơi hơi tin” khi con dâu mời một anh bạn luật sư mặc com-lê đẹp đến nhà chơi, rồi anh ấy “tình cờ” nhắc đến vấn đề và nêu lên quan điểm.
Đánh vào chiều cao
Một người bạn khác của tôi bảo người mẹ trẻ tốt nhất nên đánh vào chiều cao. Đơn giản, người Châu Á để ý đến chiều cao. “Anh cao bao nhiêu” là câu hỏi tôi rất ít gặp ở Canada nhưng lại rất thường xuyên gặp ở Việt Nam. Chiều cao quan trọng. Một hoa hậu khai sai chiều cao (khai 170cm nhưng sự thật chỉ có 167cm) sẽ thành “chuyện”.
Theo nhiều chuyên gia y tế, chiều cao tối đa của mỗi người được quyết định trong kỳ thai nghén và 36 tháng đầu. Sau đó, dù uống bao nhiêu là hộp Vinamilk, ăn bao nhiêu suất bít-tết nhưng cũng không ảnh hưởng gì – chiều cao tối đa đã được quyết định rồi, đã ghi vào ADN.
Nếu quên sinh nhật của người yêu, tôi có thể tặng 10 bó hoa đẹp trong 10 ngày tiếp theo cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy, vẫn dỗi như trẻ con.
Vậy các bác càng “làm sao” để cháu là người cao, càng làm “hao” để cháu là người thấp! Theo bạn của tôi nói, khi các bác bắt đầu nghi ngờ rằng hàng động của họ sẽ làm cháu “mất đi” 10-15 phân thì mọi chuyện sẽ khác đi. Nhưng vẫn phải có ít nhất mấy chuyên gia chìm đến nhà thuyết trình các bác mới bắt đầu nghi ngờ vậy.
Và đương nhiên phải mặc com-lê đàng hoàng!