Do có thông tin sai lệch rằng uống thuốc vào gây hưng phấn, không sợ trả bài, không sợ giáo viên…, nhiều học sinh tại TPHCM sử dụng một loại thuốc như chất gây nghiện mà không lường trước hậu quả.
Học sinh dễ bị dụ dỗ sử dụng các loại thuốc gây nghiện - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Uống 6-7 viên một lúc
Vào khoảng hơn 8h ngày 25/11 tại Trường THCS Khánh Hội A (Q.4), nhiều học sinh ngủ gật trong lớp. Ban giám hiệu và giám thị khẩn trương tìm hiểu và phát hiện HS ngủ gật do dùng thuốc recotus (một loại thuốc ho). Theo bà Trần Thị Minh Thi - Hiệu trưởng, thông tin từ các HS khác cho biết có gần 50 học sinh sử dụng thuốc, nhưng qua khai thác của giám thị chỉ có 28 em thừa nhận. Đáng nói, trong số HS trên, có em uống đến 6-7 viên cùng lúc.
“Sau khi sự việc xảy ra, trường đã báo công an địa phương hỗ trợ điều tra. Theo công an phường, có 6 đối tượng bên ngoài thường xuyên tụ tập trước cổng trường (trong đó có học sinh cũ của trường đã bỏ học) lôi kéo dụ dỗ các học sinh trong trường dùng thuốc. Có trường hợp học sinh còn bị đe dọa buộc sử dụng”, bà Minh Thi thừa nhận.
Trong buổi chào cờ tuần tiếp theo, ban giám hiệu đã nhắc nhở HS cần tránh xa và không tự ý sử dụng loại thuốc này. Nhưng chỉ một giờ sau đó, giám thị lại phát hiện học sinh sử dụng recotus. “Hiện vẫn còn 5 – 6 học sinh thuộc dạng nghiện recotus mà trường đặt trong tình trạng phải theo dõi”, ông Nguyễn Văn Nhân, Giám thị ở trường này hơn 10 năm qua, cho biết.
Không còn cá biệt
Còn nhớ, ngày 19/10/2009, có 13 học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (Q.7) dùng recotus vì… sợ trả bài. Vào thời điểm đó, sự việc trên được xem là cá biệt. Nhưng hiện tại, tình trạng này đang xảy ra trên diện rộng ở nhiều quận huyện. Ở Q.4, ngoài Khánh Hội A còn có Trường THCS Quang Trung cũng vừa phát hiện 6 HS sử dụng recotus.
Mới đây, chúng tôi tiếp nhận phản ánh của nhiều phụ huynh Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Tân Bình) về tình trạng nhiều người bên ngoài dụ dỗ con em họ dùng một loại kẹo lạ, dẫn đến nghiện, ngủ gật trong lớp. Tiếp xúc với nhà trường, chúng tôi được biết cuối tháng 9/2011, có 6 HS lớp 8 và 9 (trong đó cả nam lẫn nữ) sử dụng thuốc recotus. Ông Trần Thanh Bình, Hiệu phó nhà trường, thừa nhận vụ việc: “Hôm đó, có một học sinh uể oải, mệt mỏi, được đưa xuống phòng y tế nằm. Cán bộ y tế hỏi thì biết HS này uống recotus. Qua điều tra, nhà trường phát hiện thêm 5 trường hợp khác cũng dùng recotus”.
Hiện có nhiều nguồn thông tin cho rằng HS một số trường tiểu học ở Q.4 cũng dùng recotus. Tuy nhiên bà Cao Thị Tuyết Mai - Phó phòng Giáo dục quận - cho biết: “Phòng đã nắm tình hình xảy ra ở trường Khánh Hội A và Quang Trung. Hiện các trường và phòng chưa phát hiện một HS tiểu học nào dùng recotus. Phòng cũng vừa có văn bản gửi tất cả các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận, đề cao cảnh giác và nhắc nhở tuyên truyền HS. Đồng thời, phòng cũng ký kết liên tịch với công an quận lo trật tự an ninh trước cổng trường, ngăn chặn phần tử xấu dụ dỗ HS dùng recotus. Trong đó có cả việc tuyên truyền các nhà thuốc cân nhắc bán recotus cho những đối tượng trong độ tuổi đi học với số lượng lớn”.
Lãnh đạo nhiều trường cho biết nguyên nhân chủ yếu là học sinh thiếu hiểu biết và có những thông tin sai lệch. Chẳng hạn các học sinh truyền tai nhau rằng loại thuốc này tạo sự hưng phấn, thông minh, không sợ trong lúc trả bài… Vì vậy rất nhiều học sinh đã sử dụng thuốc vô tội vạ. Hơn thế, giá của recotus cũng khá rẻ, mỗi vỉ (10 viên) từ 7.000-8.000 đồng nên học sinh cũng rất dễ mua.
Nguy hiểm như sử dụng ma túy
Trong thuốc recotus có hai chất chính: Dextromethorphan HBr được xếp vào nhóm giảm đau trung ương, tác dụng chống ho bằng cách ức chế hô hấp, trong đó tác động lên nhiều thụ cảm thể ở trong não. Vì vậy nó có tính dung nạp và phụ thuộc tâm lý cao. Chất này tuy ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp (thuốc lắc), nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc. Còn chất Diprophyllin HCl là dẫn xuất của Theophyllin, có tác dụng làm giãn phế quản do làm giãn cơ trơn, kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn. Nhưng lại có tác dụng trực tiếp lên tim, huyết áp nên dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp rất nguy hiểm.
Ở liều trị cao nhất là 4 viên recotus/ngày (cách sau 6 giờ uống 1 viên) và sử dụng dưới 7 ngày thì tác dụng chống ho phát huy tốt. Liều dùng quá 12 lần có thể gây ảo giác, đây là một trong các lý do thanh niên sử dụng để “phê” trong các cơn cuồng loạn… Tóm lại việc lạm dụng thuốc recotus nguy hiểm như sử dụng ma túy. Bản thân trong điều trị khi dùng quá liều cho bệnh nhân sẽ gây tác dụng phụ: dị ứng, ảo giác… thậm chí chết đột ngột ở trẻ em. Vì thế cần phải quản lý nguyên liệu sản xuất, quy chế kê đơn… Đặc biệt phải tuyên truyền sâu rộng trong nhà trường về mức độ nguy hại khi lạm dụng thuốc ho dạng này.