Tất nhiên lúc đó tôi cũng hiểu thế nào là một cô gái đẹp. Nhưng đẹp mặt, đẹp da, đẹp dáng là hết mức, ai nhìn kỹ gì vào các móng tay. Móng chân lại càng thừa. Chả khi nào đếm xỉa.
Sau năm 1975, vô Sài Gòn, tôi sửng sốt trước công nghệ móng tay, móng chân. Không những nó là một nghề, mà còn thu nhập khá cao, còn có nhiều bí quyết cầu kỳ và còn… hành nghề công khai. Thiên hạ ngồi ở chợ hay lề đường, thản nhiên làm móng mới lạ.
Tâm lý lúc đó của những kẻ “chân chính” mà tôi là một thành viên, nghĩ bọn làm móng là bọn nhà giàu, rởm đời, khinh tàn dư của đế quốc Sài lang, thực dân bóc lột. Một nhà văn nữ hồi đó rất có tiếng, còn viết một chuyện ngắn mỉa mai cái nghề này in trên báo Văn nghệ trung ương.
Thời gian thấm thoát qua đi. Bao nhiêu nước chảy qua cầu, thực tình tôi không biết. Chỉ có điều bây giờ, tôi lại ngạc nhiên khi nhìn một thiếu nữ không phải là sinh viên, không làm móng tay. À, móng chân nữa chứ.
Có cảm giác nhiều bà, nhiều cô, chỉ ăn, đánh bài, gội đầu và làm móng. Nghệ thuật ấy đã lên tới mức thượng thừa, biến các ngón tay trở thành phù thủy.
Riêng màu đỏ đã có… tỷ loại: đỏ cánh sen, đỏ đậm, đỏ hồng. Nhưng ngày nay đỏ là xưa rồi (chả hiểu có phải là do giai thoại “gà móng đỏ” hay không). Mốt bây giờ lung tung đủ thứ.
Các bà làm màu xanh, màu trắng, màu tím và cả màu… đen. Một màu vẫn là xoàng. Các bà còn vẽ lên những móng tay vằn vện (thập cẩm màu). Vẽ chưa ăn thua gì, các cô còn dán hạt cườm, dán hoa, dán kim tuyến, tôi tin chắc rằng sẽ có ngày chị em dán… dao.
Sơn chưa đủ, phun chưa đủ, các bà còn mua những bộ móng bán sẵn, nhiều khi đắt chả kém vàng, để dán cho nhanh và cho có kích cỡ ngắn dài theo ý muốn. Nhiều cô gái do vậy, sáng tím, chiều xanh, trưa màu đọt chuối.
Màu móng chân, móng tay các bà lựa đi kèm với đủ thứ. Bà thì “tông xuyệt tông” với màu áo, bà thì hợp với màu quần, có bà còn đi theo màu mắt, màu tóc hoặc màu… bồ. Chắc chắn như thế.
Chỉ cần nhìn dáng ngồi làm móng tay, cũng biết ngay thành phần, xuất xứ. Chị em tiểu thương ngồi ở chợ, vừa làm móng, vừa canh hàng. Chị em tiếp viên ngồi ở thềm, vừa cao chân, xòe tay vừa… canh khách. Còn các bà quý tộc ngồi ở tiệm, tay cong lên, mặt vênh lên và chân tất nhiên cũng vênh lên như dáng điệu trên… ngai.
Giá tiền làm móng thì cũng mênh mang. Hình như bét nhất cũng phải chục ngàn, còn cầu kỳ, làm ở ngoại quốc tới cả… trăm đô. Móng chân, móng tay có khi ăn chả kém gì mồm.
Chả hiểu có phải do truyền thống này không mà nghề “neo” dân Việt Nam mình thống trị toàn cầu, đẩy các dân xứ khác tha phương biệt xứ. Hễ mở băng Thúy Nga là thấy quảng cáo dụng cụ làm “neo”, nhìn có vẻ sang trọng như dụng cụ trong cung điện.
Nhưng điều quan trọng là dưới con mắt đàn ông, móng chân, móng tay các bà cũng gây nhiều cảm xúc… trái ngang lẫn lộn. Sang cũng có, kính phục cũng có, mà… lạnh xương cũng chả hiếm gì. Ai đời nhiều cô da đen (xạm chứ không giòn) tay chân quắt queo mà móng thì vừa dài vừa lập lòe như phù thủy.
Xin tuyên bố “cho tôi xem móng chân móng tay của bà, tôi sẽ biết bà là người thế nào”. Các bà nên hiểu rằng những nanh vuốt xòe ra sẽ khiến các chàng trai nhào vô hay co cẳng chạy!
Nếu cái răng, cái tóc là gốc con người, chắc cái móng tay là… móng con người. Cho nên đối với rất đông chị em, làm móng cũng cần thiết như… đánh răng, nghĩa là phải làm, dù có bận tới đâu có cạn tiền tới đâu. Đối với họ, dân tự cắt móng tay ở nhà là dân… man di mọi rợ.
“Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa” có một câu như thế mở đầu cho một bài hát nổi tiếng. Chắc chắn khi nghe câu này, ai cũng tưởng tượng ra một bàn tay… làm móng. Những bàn tay khác không thể kiêu được, chỉ dễ thương là cùng.
Nói không ngoa, sự phát triển của móng tay, móng chân cũng là sự phát triển của xã hội. Bàn tay không còn là công cụ lao động. Nó còn để cho đứa khác nhìn và… khâm phục. Nó đã trở thành tác phẩm.
Theo Đẹp