Chuyện lạ 2011-09-10 05:44:42

một '' chuyên gia'' nói xấu game online nè AE,vô chọi gạch nó


Game Online là đề tài nhạy cảm nhưng dưới cái nhìn phiến diện của một số nhà báo, độc giả sẽ rất dễ hiểu lầm, dẫn tới có cái nhìn không thực sự chính xác, khách quan.

Sáng 07/09, một chuyên trang báo điện tử tại Việt Nam đã đăng một bài báo với nội dung “Cao thủ game online được tuyển thẳng Đại học, cổ súy cho tệ nạn”. Điều đáng nói ở đây là người viết bài này đã đưa ra những thông tin hết sức phiến diện, thiếu khách quan và thể hiện sự hiểu biết hạn chế đối với Game Online và Thể thao điện tử (eSports).

Để giúp độc giả tránh được những thông tin một chiều, thiếu cơ sở và phân tích chuyên sâu, chúng tôi xin đưa ra thêm một số thông tin để rộng đường dư luận.

Không phải cứ chơi game giỏi là được "phong hàm"




Đoạn trích dẫn sai của "nhà báo" (Ảnh chụp màn hình).


Đọc qua cả bài viết, độc giả có thể thấy rõ rằng người viết trong bài báo trên muốn phê phán việc trò chơi trực tuyến (GO) có tên FIFA Online 2, game sẽ được Hội thể thao Điện tử giải trí Việt Nam thuộc Ủy ban TDTT Quốc gia công nhận là game eSport chính thức. Và các VĐV tham gia môn thể thao này đang được đề xuất phong danh hiệu Kiện tướng theo đúng tiêu chuẩn danh hiệu của các bộ môn Thể dục thể thao Quốc gia, thậm chí còn được đề xuất hưởng quyền đặc cách tuyển thẳng vào Đại học như các vận động viên khác.




Tô Trung Hiếu - VĐV eSports xuất sắc ở bộ môn FIFA Online 2. Trình độ và đẳng cấp của anh đủ để thể hiện rằng không phải cứ "cắm đầu" chơi game là thành Kiện tướng.


Trong bài báo trên, người viết đã nhấn mạnh nếu như thông tin này được xác thực thì từ nay, các "game thủ" sẽ có một mục tiêu phấn đấu mới…hoàn toàn chính đáng và các bậc phụ huynh khi thấy con em mình cả ngày cắm đầu vào game thì hãy coi như đó là một cách luyện thi bổ ích. Điều này hoàn toàn đúng nhưng cũng thể hiện kiến thức không đầy đủ về cả thể thao lẫn game của người viết bài.

Trên thực tế, thể thao thành tích cao đòi hỏi sự khổ luyện, tính kiên trì, bền bỉ cũng như sự đầu tư trong cả một quá trình dài. Tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng yêu cầu ý chí và cả năng lực bản thân của chính VĐV. Những thông tin về việc các VĐV eSports được công nhận tiêu chuẩn danh hiệu các bộ môn Thể dục thể thao Quốc gia không có nghĩa là bất cứ game thủ nào cứ lao đầu vào chơi game cũng sẽ được “phong hàm” hết.

Lấy ví dụ ngay từ sân chơi V-League tại Việt Nam, những cầu thủ cỡ như Công Vinh, Việt Thắng, Thành Lương… đang có giá trị chuyển nhượng lên tới vài chục tỷ đồng tuy nhiên sẽ chẳng có ai đi ghen tị với họ vì để có thể được như vậy, những cầu thủ trên đã phải khổ luyện không ngừng nghỉ cũng như nhờ vào bản năng trời phú.

Tương tự như vậy, chơi game không phải là cứ lao đầu vào “cày cuốc”, bỏ bê việc học hành là có thể trở thành tài năng xuất chúng. Thực tế trên toàn thế giới đã chứng minh những game thủ hàng đầu tại Hàn Quốc, Mỹ, Nhật (những cường quốc về game trên thế giới) đều là những người cực kỳ thông minh, nhanh trí. Và, cũng giống như thể thao thông thường, biết cách chơi game không hề khó nhưng để vươn lên đỉnh cao lại không phải là dễ vì khi đã trở thành môn thi đấu, các game thủ phải cạnh tranh lẫn nhau và phải chịu quy luật đào thải. Lúc đó, các game thủ cần sẽ phải biết được trình độ và năng lực của mình đang ở đâu.

VĐV eSports ở nước ngoài đã được thừa nhận từ rất lâu




Các giải đấu eSports ở nước ngoài luôn thu hút hàng chục nghìn người hâm mộ đến tận nơi theo dõi.


Cũng trong bài báo nêu trên, nhà báo coi việc chơi game là… cổ súy cho tệ nạn và như vậy mặc nhiên coi việc chơi game là tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, những dẫn chứng được đưa ra lại thiếu sự lập luận mang tính logic, không có dẫn chứng đủ sức mạnh.




VĐV eSports tại Hàn Quốc đã được thừa nhận từ rất lâu do vậy nói Việt Nam đi tiên phong trong việc coi trọng nền Thể thao điện tử là rất thiếu thuyết phục.


Cụ thể là người viết bài trên đã coi việc phong hàm kiện tướng và VĐV cấp 1 cho game thủ eSports chỉ có ở Việt Nam. Nhưng thực tế là tại rất nhiều quốc gia gần với nước ta như Hàn Quốc, Nhật Bản…, đặc quyền này đã có từ rất lâu. Những VĐV thi đấu Thể thao điện tử (eSports) tại đây được đối xử với những chế độ đãi ngộ không hề thua kém các môn thể thao thông thường. Ngoài ra họ cũng được xã hội nhìn nhận một cách rất công bằng, góp phần tạo thêm động lực để có được những VĐV thi đấu hết mình vì Tổ quốc.

Nếu coi là tệ nạn, hãy tìm hiểu kỹ căn nguyên

Nguy hiểm hơn nữa, tác giả của bài viết trên còn tự mình đưa ra con số thống kê mỗi tháng ở Việt Nam có hàng trăm vụ án, tệ nạn xã hội phát sinh từ Game Online. Không biết tác giả sử dụng con số trên từ nguồn thông tin ở đâu hay đó chỉ là những cóp nhặt vụn vặn từ báo chí, từ những tin pháp luật, vụ án…




Đôi mắt buồn của My "Sói".


Không thể phủ nhận rằng có nhiều vụ án đã từng diễn ra có liên quan đến game nhưng liệu đó có phải là nguyên do trực tiếp và chủ yếu dẫn đến những kết cục đau lòng xôn xao cả dư luận hay đó chỉ là một phần nổi trong tảng băng suy đồi về đạo đức đang diễn ra hiện nay trong xã hội. Việc một học sinh chán đời, bỏ bê học hành, chìm đắm vào game rồi làm những việc xấu như cướp giật, trộm cắp… là có nhưng cần phải truy xét và tìm hiểu căn nguyên của sự việc. Nếu họ được sinh ra, lớn lên và được giáo dục trong một môi trường lành mạnh với sự quan tâm đầy đủ của người thân thì chắc chắn họ sẽ không thể cảm thấy cô độc để chìm đắm trong thế giới ảo được.




Nhưng em sẽ ra sao nếu vẫn luôn ở trong vòng tay bố mẹ, niềm hạnh phúc đó có khi chỉ còn là mơ ước của nhiều người.


Lấy vụ án đau lòng của My "Sói" và đồng phạm cách đây chưa lâu ra làm ví dụ. Việc cô bé tụ tập cùng đám bạn ảo rồi gây ra những vụ án đau lòng thật đáng chê trách nhưng nếu như em được sinh ra trong một gia đình yên ấm, hạnh phúc, hòa thuận và được bố mẹ quan tâm chăm sóc bằng tình cảm, sự nâng niu thì có lẽ My Sói chắc hẳn vẫn sẽ là nữ sinh Đào Thu Hương đang tuổi cắp sách tới trường.

Game Online có thể (nên nhớ là có thể) dẫn dắt con người đến những sa ngã, lỗi lầm nhưng với nền tảng giáo dục cơ bản, với sự quan tâm, nhìn nhận đúng của xã hội và môi trường xung quanh thì việc quản lý trò chơi trực tuyến là việc hoàn toàn mang tính khả thi.

Nếu cấm thì cần cấm nốt cả… chiếu phim và đọc truyện

Cứ như bài báo nói trên thì bên cạnh việc cấm hoàn toàn sự phát triển của Game Online tại Việt Nam thì các đài truyền hình cũng nên hạn chế việc chiếu phim bạo lực hoặc có chiếu cũng chỉ nên chọn lựa những bộ phim lành mạnh hoặc tình cảm sướt mướt mà thôi…




Cảnh kết hôn lãng mạn, đầy tính nhân văn trong Thiên Long Bát Bộ.


Không biết dựa trên cơ sở nào mà người viết bài báo nói trên “hùng hồn” tuyên bố rằng Game Online tại Việt Nam toàn cảnh bắn giết, tung chưởng giữa thời bình. Xin thưa rằng, cũng giống như phim ảnh, tiểu thuyết hay bất cứ nội dung giải trí nào khác mà thôi, Game Online chỉ có thể cuốn hút người chơi nhờ cách xây dựng nội dung hấp dẫn. Mà ở game nào đi nữa thì nội dung cũng hướng người chơi đến việc phiêu lưu, trừ gian diệt ác qua những nhiệm vụ cụ thể.

Nội dung của game cũng thường hướng đến lý tưởng cái thiện sẽ thắng cái ác và tất cả những phân đoạn chiến đấu trong những tựa Game Online sẽ luôn là phe chính nghĩa đấu với phái gian tà (có thể là quái vật và là con người – nhưng là người xấu).




Nếu nói Game Online nên bị cấm vì bạo lực thì Kungfu Panda 2 cần phải bị cấm phát sóng tại Việt Nam.


Còn nếu vẫn cứ khăng khăng bảo vệ việc đã là game phải không có một chút tì vết của bạo lực thì trước hết những bộ phim dành cho thiếu nhi kiểu như Kungfu Panda 2 hay Spy Kids: All the time in the World cần phải được cấm chiếu ở Việt Nam do phim ảnh có cộng đồng lớn hơn game thủ rất nhiều.

Không phải cứ có tiền là có thể phát hành


Một trích dẫn, xin đăng nguyên văn từ bài báo trên "Theo một chuyên gia trong lĩnh vực nội dung gia tăng, từng làm truyền thông cho một công ty game online cho biết: "Vì lợi nhuận, các nhà phát hành game cứ nhập bừa phứa các tựa game về với cách thức kiểm duyệt rất lỏng lẻo. Từ đó không thể kiểm soát hết được tính bạo lực cũng như đánh giá các tác hại mà game online gây ra mà chỉ nhanh chóng kiếm đủ tiền để nhập game khác".




Nhập khẩu, sản xuất Game Online tại Việt Nam là một kiểu hợp đồng kinh tế và nó khác xa với việc ra chợ mua rau (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).


Nhưng thực tế, việc nhập một tựa Game Online về Việt Nam nó khác xa với việc ra chợ mua một mớ rau. Không phải cứ có tiền là vác game về phát hành được. Nếu cứ như ý kiến của “chuyên gia” trên thì ở Việt Nam giờ số lượng game được phát hành có khi nhiều hơn số game thủ là cái chắc. Xin khẳng định là việc phát hành game tại Việt Nam phải qua rất nhiều khâu kiểm duyệt gắt gao từ phía đơn vị chủ quản cấp phép. Ngoài ra về cơ bản thì việc nhập một tựa game về Việt Nam cũng chính là một hợp đồng kinh tế lớn. Do vậy các điều khoản cũng sẽ luôn được kiểm chứng chặt chẽ và đòi hỏi rất nhiều chi tiết, yêu cầu cả từ bên phát hành (Publishers) lẫn bên phát triển (Developers) về cả nội dung, cách thực hoạt động và chi phí…

Thay lời kết:

Rất khó để có thể nói rằng Game Online là hoàn toàn tốt và có ích nhưng rõ ràng không ai có thể phủ nhận việc nếu biết điều tiết hợp lý, chơi game sẽ là một trong những hoạt động giải trí hiệu quả. Thay vì ngăn cấm sự phát triển của một cộng đồng đang lớn mạnh và phát triển không ngừng, có lẽ đã đến lúc Bộ TT-TT cần sớm thảo luận và sớm đưa ra quy chế về quản lý Game Online tại Việt Nam, đến lúc đó xã hội sẽ có một cái nhìn công tâm và công bằng hơn đối với game và những người chơi game.



Theo VTC News
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)