"Tôi mua cái nhà to oạch, đẹp nhất để những người xua đuổi tôi ngày xưa nhìn thấy cũng phải dấy lên chút ăn năn, xấu hổ", Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ.
Tin không, hiện giờ tôi không có nổi 200 triệu đồng!
- Có lần, hình ảnh ngôi nhà đang sống của anh được đưa lên báo. Nói thật, tôi thốt lên: “Trời, ngày xưa, ông vua bà chúa chắc cũng chỉ giàu sang cỡ này thôi”…
- Thật ra, tôi không có khoe. Khán giả có nhu cầu muốn được xem, muốn biết cái này, cái kia của người nổi tiếng thôi. Hơn nữa, với sự thân tình của tôi với phóng viên đó nên tôi đồng ý cho đăng cái này, chụp cái kia. Tôi cũng đặt mình vào vị trí của khán giả, tôi thừa hiểu, khán giả cũng tò mò muốn biết ngôi sao này đi xe gì, mặc đồ gì, ở trong ngôi nhà ra sao… Tôi cũng chỉ là người đóng vai trò cung cấp thông tin cho công chúng thôi.
Tôi mua nhà bằng tiền của tôi, sức lao động của tôi và nói thật, tôi còn phải nợ tiền để mua trả góp chứ có ăn trộm, ăn cướp, làm ăn phi pháp gì đâu mà phải sợ cho khán giả biết mình đang sống trong ngôi nhà như thế nào. Mà nói thật, các cụ nhà mình có câu: “Buôn gì thì lỗ, buôn thổ thì lời”, tôi mua nhà thế - ai muốn mua cao hơn, tôi bán lại…, kiếm thêm tiền ngoài việc đi hát. Anh đừng có hỏi nhà tôi giá bao nhiêu đấy? Tôi không nói đâu.
- Mà công nhận nhà anh đẹp thật…
- Tôi từng ra chiếu chỉ cho chính mình “Vào nhà tôi, nếu ai chê chỗ nào, tôi đập ngay chỗ đó”. Tôi chăm chút từng viên đá, từng cọng cỏ, bức tranh, ngọn đèn, màu sắc tổng thể của toàn bộ căn nhà, tôi tuyên bố thế để đề ra cho ngôi nhà của tôi phải thật hoàn hảo. Hồi trẻ, mẹ con tôi đã từng bị đuổi ra khỏi nhà rất nhiều lần, lúc đó cay đắng lắm, tôi muốn rửa hận lắm chứ. Tôi mua cái nhà to oạch, đẹp nhất để những người xua đuổi tôi ngày xưa nhìn thấy cũng phải dấy lên chút ăn năn, xấu hổ với mẹ con tôi.
- Anh khoe nhà đẹp, khoe nhẫn tiền tỷ, khoe đồ hiệu mấy nghìn đô la. Anh có ngạc nhiên nếu ai gọi anh là “tỷ phú làng nghệ”?
- Thôi! Không có đâu. Chữ tỷ phú xa vời với tôi lắm. Nghệ sĩ ở nước ngoài kìa, họ mới giàu có vì họ chả cần đi hát hàng đêm, tiền từ việc bán băng đĩa đã khiến họ dư dả cả đời. Ở Việt Nam thì đừng có nằm mơ. Một suất hát cao giá lắm thì được 4 đến 5000 đô la, nghe có vẻ to lắm nhưng chả có nghĩa lí gì, chỉ đủ trả tiền bảo vệ đối với các ngôi sao nước ngoài, nên ở Việt Nam mình, ca sĩ, ngôi sao đi kinh doanh thêm rất nhiều. Mọi người đừng nhìn vào bề nổi của tôi nhiều quá, tôi làm từ thiện nhiều, tiền bỏ ra chi phí nhiều việc khác cũng lắm… Trong nhà tôi, hiện giờ, tôi không có nổi 200 triệu, đảm bảo nói thật luôn đấy. Sự thật, tôi biết rõ tôi có bao nhiêu tiền nhất, đừng có nhìn vào ảo danh của tôi, lầm to đấy.
- Ai mà tin nổi người được cho là “ông hoàng nhạc nhẹ” lại không có nổi 200 triệu?
- Ừ nhỉ, nói thế đúng là không ai tin thật. Nhưng thực sự, tôi đang phải trả nợ nhiều lắm, tiền nhà, tiền xe… Thôi thì, tin hay không là quyền của độc giả thôi, mà chắc sẽ có vài người bình luận: “Ôi, ông không có tiền trong nhà thì ông có trong ngân hàng, ông có trên người ông, xe cộ, nhà cửa mà cộng lại xem…”. Có một người bạn nói với tôi một câu mà tôi rất thích: Đi một chiếc xe bình thường hay một chiếc taxi cũng được, quan trọng ai là người bước xuống, phong cách, thần thái người đó ra sao.
- Anh kiếm được đồng tiền đầu tiên vào năm bao nhiêu tuổi?
- Năm 17 tuổi, đi hát ở Sở Giáo dục, tổng kết cuối năm. Lần đó, được chia 25 nghìn đồng (trước giai đoạn đổi tiền), tôi đem hết về cho mẹ. Sau đó, tôi đi làm nghề cắt tóc, năm đó là 19 tuổi, tôi cũng kiếm được tiền nhưng không nhiều lắm.
- So với anh thuở 25 nghìn và anh của cát-sê vài nghìn đô la hiện tại, quan niệm về tiền của anh có khác nhiều không?
- Ngược hoàn toàn với ngày xưa nhiều lắm, bây giờ đi hát xong, ai giữ tiền cho tôi nhiều khi tôi còn không biết, cứ hát xong là kiếm gì ăn uống, rồi về. Chả biết tiền ai giữ, ai cầm, là người quản lý hay người đại diện. Chứ ngày xưa, kiếm được tiền thì có mà giữ khư khư. Trước đây, tôi cũng bị vài người lừa chuyện tiền nong, mà nhỏ lắm, khoảng 10, 20 triệu, không đáng kể. Mà chắc họ khó khăn nên tránh gặp tôi thôi, chứ tôi vẫn nghĩ, lừa được tôi khó lắm.
- Những đồ dùng gì khiến anh tốn tiền nhất?
- Là giỏ xách, thắt lưng, áo quần, khăn quàng.
- Anh có đánh giá con người qua tiền bạc?
- Dĩ nhiên, tốt hay xấu, rộng lượng hay keo kiệt, giàu có hay nghèo khó, tất cả phải qua đồng tiền hết. Một thằng nghèo với một thằng bủn xỉn sẽ khác nhau, nghèo mà rộng lượng còn hơn chán vạn mấy thằng giàu mà bủn xỉn. Có nhiều người hay lắm nha, giàu và khôn sẽ không để ai biết đến mình. Người hào phóng, rộng lượng thì sẽ dễ thu phục người khác. Mọi người đừng có nghĩ chuyện tiền nong đóng vai trò trong quan hệ với người xung quanh là xấu xa. Ai được tặng tiền mà không thích, tạo cơ hội kiếm tiền cho mà không thích thì có mà nói xạo. Kể cả tình yêu, có tiền thì cũng hạnh phúc, thoải mái hơn chứ. Người ta có thể yêu nhau lúc đầu nhưng sau đó, đụng chuyện khó khăn, nếu thiếu tiền, cuộc tình đó điểm màu sắc hoen ố liền.
- Giàu mà khôn thì sẽ không khoe! Anh khoe nhiều thế, chắc là dại rồi?
- Dại quá đi chứ. Với người khác, họ sẽ để dành tiền mua vàng, mua đất, để dành phòng thủ. Còn tôi thì sắm áo, sắm quần, trang hoàng nhà của, sống cho sung sướng…, hơi dại nhỉ?
- Anh có bị ám ảnh bởi tiền?
- Trong khoảng thời gian tôi 19 đến 21 tuổi, tiền ám ảnh nhiều lắm. Nghèo thì đồng nghĩa với hèn, tiếng nói của tôi không có trọng lượng. Lúc đó, tôi cần nhiều tiền lắm, nhà tôi nợ nần – tôi cần tiền để giải quyết. Tôi cần tiền, để mong bình yên, ngủ ngon khỏi nghe rủa xả, đay nghiến. Ra đường thơm tho, về nhà mình thối, là điều không thể chấp nhận được. Có tiền, dĩ nhiên tôi sẽ bảo vệ được gia đình của tôi.
Nhưng tôi nghĩ thế này, sống ở trên đời, ai chả phải nợ. Tôi hiện tại đang nợ tiền, nợ tình, nợ ân nghĩa nhiều lắm. Tôi luôn bị ám ảnh bởi nợ, nợ ngân hàng, nợ những người đã giúp đỡ mình, dù những người này chả trông mong mình đáp trả, tôi có trả một nghìn lần, tôi thấy cũng không đủ. Chắc có đến chết, tôi cũng không trả hết.
Nhiều người có nói sốc cũng đâu ai thèm nghe!
- Được mệnh danh là “vua nói shock”, khi đọc lại cái sốc của mình, anh thấy sốc không? Có đáng ghét không?
- Tôi thấy chẳng có gì mà sốc cả. Đối với tôi, sức chịu đựng lớn lắm. Mọi người đừng có vội phán xét, vặn vẹo những lời tôi nói, mà hãy chịu khó đọc kĩ và tư duy những gì tôi nói, đặt vào vị trí của tôi đi đã thì sẽ hiểu: Vì sao tôi nói những lời đó? Tôi không phải là người loạn ngôn, bạo ngôn, mỗi người đều có những suy nghĩ riêng hết, những gì tôi nói đều là suy nghĩ của tôi thôi. Vấn đề là nhiều người khác không dám, không đủ tự tin, không đủ kiêu hãnh và sợ hãi để nói, còn tôi thì dám vì tôi chẳng sợ gì cả. Thế thôi.
- Anh có bao giờ đọc lại những bài phỏng vấn của mình và ước: “Sao mình không trả lời khác đi để cho dư luận đừng lên án”?
- Cũng có một vài lần. Mà tôi nghĩ, do mấy người viết không hiểu ý của tôi thôi.
- Mà đồng nghiệp của anh thiếu gì người biết phát ngôn sốc, họ đâu có sợ đâu, Hà Hồ này, Thanh Lam này…
- Tôi cũng không sốc trước những phát ngôn của đồng nghiệp. Tôi nghĩ, sốc hay không còn phụ thuộc vào sức nặng, sức ảnh hưởng của đồng nghiệp đó tới công chúng chứ, có nhiều người… nói sốc cũng có ai thèm nghe vì ai biết người đó là ai. Nhiều em mới vào nghề, sức chống trả, chịu đựng chưa đủ, thì sẽ lao đao đấy. Đã dám nói, thì phải biết tự làm “luật sư” biện hộ cho chính mình. Như Hồ Ngọc Hà đấy, tôi chả thấy gì là shock, Hà có lí do, sự từng trải để Hà nói. Hơn nữa, Hà thông minh, kĩ càng và sức chịu đựng của Hà thì miễn chê. Tôi chơi với Hà nhiều, tôi thừa hiểu Hà nghĩ gì mới nói vậy, chỉ có dư luận không chịu hiểu và phán xét Hà thôi. Còn chị Thanh Lam thì “phổi bò” rồi, mau giận, mau quên và không để bụng. Chị bản năng lắm, không kiểm soát, không có mưu mô nên nhiều khi không tính toán được những gì sâu, thâm thuý hay không hiểu dụng ý… của người phỏng vấn.
- Người mạnh mồm như anh, chắc ghét ai thì ghê lắm nhỉ?
- Tôi chỉ ghét ai ghét mình thôi, cũng không khó nhận ra nếu tôi ghét ai đó. Tôi không diễn được, cứ phải giả vờ cười nói trước mắt nhau mà trong lòng chẳng có tí giá trị nào là điều tôi thực sự không làm nổi, một là tôi sẽ im lặng, tránh mặt, không thèm nhìn, hai là sừng sổ đùng đùng cho rõ ràng rồi cũng thôi.
Nhiều đàn em, tôi giận thì tôi gọi điện thoại thẳng, xả cho một trận luôn. Như Thu Minh đấy, có lần giận nhau to, hiểu lầm từ chuyện bầu sô khiến Minh bị hỏng lịch diễn. Tôi chỉ là người giới thiệu, còn bầu sô huỷ lịch là chuyện phát sinh. Minh cứ tưởng tôi liên quan. Minh cũng nóng tính, nhắn tin cho tôi trách móc, tôi nói với Minh: “Nếu em nghĩ tôi làm thế, thì từ nay xem như đừng quen biết nhau nữa”. Sau đó, tôi cũng chẳng nói chuyện với Minh, dù gặp nhau nhiều lần. Rồi một lần gặp nhau ở sân bay tự Minh sà vào… tôi, để giãi bày hờn trách qua lại, anh em lại cười tươi như hoa, chả có việc gì xảy ra. Minh nó biết tính tôi, sừng sổ như thế nhưng cũng nhanh quên, dễ bỏ qua.
Soi tôi thấy tôi tóc bạc rồi…
- Có nhiều bạn, nhiều đàn em ngưỡng mộ, có bao giờ anh thấy cô đơn?
- Người nào có tâm lắm mới hiểu và cảm thông được với nỗi cô đơn của tôi. Chắc không đến 10 người hiểu được. Tôi từng nghĩ, nếu có một chiếc tàu chuẩn bị nhổ neo trên một hòn đảo chết, người mà tôi mang theo… chắc cũng không quá 10 người đó, những người đó không phải tình nhân, là người yêu để cho tôi sự lấp đầy những nỗi cô đơn cơ bản nhất về chuyện lứa đôi như nhiều người nghĩ đến chữ cô đơn một cách cơ học. Còn tôi, có nhiều khi ngồi trong nhà mình, mà tôi còn không cảm nhận được tý nào hơi ấm hay như sự chia sẻ, vỗ về. Tôi còn cô đơn chính trong từng giấc ngủ. Chắc chỉ khi ra đường, gặp bạn bè, tri kỉ, tôi mới thấy bớt quạnh quẽ đi một tý. Đặc biệt, khi tôi đứng trên sân khấu, tôi thấy mình được giải thoát.
- Anh vẫn giữ thói quen tự cắt tóc cho mình? Lúc soi gương đối diện với chính mình và từng mảng tóc rơi xuống, anh thấy được điều gì?
- Tôi chỉ tự cắt mái trước thôi, còn phía sau người khác cắt. Lúc soi gương, tôi lúc đó trần trụi. Chỉ có tôi mới biết, tôi xấu xí nhất là vào thời điểm nào, thậm chí, phàm phu tục tĩu và dung tục. Đó là lúc tôi vừa mới ngủ dậy, mặt mũi tôi kèm nhèm, không kiểm soát được, cảm giác lúc đó tôi đang giành giật giữa bình minh và bóng tối. Trong căn phòng của tôi, tôi là thật nhất. Soi gương tự cắt tóc, tôi nhìn thấy tóc tôi có vài sợi bạc, da dẻ sần sùi hay trơn láng, tôi thấy được chỗ nào tôi gầy, chỗ nào tôi dư mỡ. Nhưng tôi giữ quan điểm, ra khỏi phòng, tôi phải là người khác ngay lập tức. Tôi không có buồn, tôi phải khống chế sự xấu xí. Nhiều khi tôi điên lắm, soi gương và nghĩ thầm: “Này, thằng kia! Sao mày không chừa việc cho người khác làm với” vì tôi tự làm hết, từ cắt tóc, trang điểm, quần áo tự thiết kế, mà lỡ có rách hay đứt khuy thì cũng chính tôi là người tự may va hay cài lại…
- Đối với nam nghệ sĩ như anh, lúc nào cũng sợ xấu và phải khống chế bằng trang điểm. Anh có thấy, lúc anh trần trụi như vậy lại là lúc anh nam tính nhất?
- Tôi thấy lúc đó tôi nam tính và tự cho mình 6 điểm về độ nam tính. Trên trung bình một tý. Tôi còn thấy, tôi rất nam tính là lúc tôi đứng trên sân khấu, lúc đó, tôi hơi hung hăng và có tý láu cá. Tôi còn rất đàn ông ở cách đối xử với đàn em.
- Còn với đàn bà?
- Ok, tôi nam tính nhất là lúc đứng trước Mỹ Tâm. Trong con người, ai cũng có phần nam tính và nữ tính, Mỹ Tâm là người duy nhất làm tôi nam tính hơn bình thường.
- Đứng trước gương và có lúc điên khùng thế, anh đã bao giờ tự trang điểm biến thành người khác, Marilyn Monroe hay Michael Jackson chẳng hạn…?
- Tôi có thói quen hay thử đồ, đeo mắt kính, tay xách giỏ đi tới đi lui, nhìn vào gương xem cười kiểu nào là đẹp nhất hay ngầu nhất… Tôi từng thử biến thành người khác, đó là cuộc thi vui trong ngày Singer’s Day, tôi tự trang điểm mình thành một cô hoa hậu, tôi hoá trang giống con gái đến mức Mỹ Tâm, Huỳnh Phúc Điền… còn chẳng nhận được ra, Quang Dũng cũng thẫn thờ, tưởng có bà Tây nào đi lạc vào đây. Đến Singer’s Day năm thứ 2, tôi hoá trang đẹp lắm, đến mức band nhạc chơi cho chúng tôi cứ nhao nhao lại xin chụp hình cùng. Tất cả chỉ đáp ứng cho một cuộc vui chơi, tôi chưa từng có ý nghĩ biến thành đàn bà như Marilyn Monroe hay ai khác, đơn giản vì tôi không thích.