Đài phát thanh NPR của Mỹ vừa thực hiện một khảo sát đối với đàn ông Mỹ để biết những bộ phim nào có thể khiến các đấng mày râu xứ này phải rơi lệ. Trong khi thống kê hơn 5.000 câu trả lời, người ta nhận ra rằng có những bộ phim được nhắc đi nhắc lại, hay nói một cách cụ thể hơn, có một nam diễn viên xuất hiện đi xuất hiện lại, đó là Tom Hanks.
Tom Hanks được nhắc tới nhiều hơn bất cứ nam diễn viên nào khác, hầu như vai diễn nào của ông cũng được các khán giả nam nhớ tới và nhắc đến. Điều gì khiến Tom Hanks trở thành bậc thầy về khả năng gây xúc động đối với nam giới Mỹ?
Hãy cùng nhìn lại những vai diễn gây xúc động nhất của nam diễn viên kỳ cựu từng khiến nhiều nam giới khác phải rơi lệ:
Forrest Gump (Cuộc đời Forrest Gump - 1994)
Bộ phim hài lãng mạn “Forrest Gump” là một con xoay cảm xúc đối với người xem, có những cảnh phim khán giả ôm bụng cười và cũng có những cảnh phim khán giả rơi nước mắt. Bộ phim kể về cậu bé Forrest Gump có trí tuệ chậm phát triển và từng bị dị tật ở lưng và chân.
Về sau, cậu bé này đã vượt qua tất cả khó khăn để trở thành một anh hùng, một biểu tượng về sức mạnh và lòng quả cảm. Đứng đằng sau tất cả những thành công của Gump luôn thấp thoáng hình bóng của cô bạn Jenny từ thuở thiếu thời. Nhưng với một người đàn ông trưởng thành chỉ có mức IQ 75, Gump bị cho là “chẳng hiểu gì về tình yêu”.
Là một người có trí tuệ chậm phát triển không có nghĩa Gump không có cảm xúc, Gump đã phải trải qua những thăng trầm, buồn vui như bất cứ người trưởng thành bình thường nào khác.
Một cảnh phim khiến đàn ông thường rơi nước mắt nhiều nhất, đó là khi Gump lần đầu gặp cậu con trai nhỏ mà anh không hề biết về sự tồn tại của cậu bé trước đó: “Vậy thằng bé thông minh hay…” - câu hỏi bỏ dở, nghẹn ngào đó đã thể hiện cả tình yêu thương và sự tự ý thức về bản thân mình của người cha có IQ 75.
Cảnh gây xúc động thứ hai trong phim đó là khi Forrest Gump ngồi nói chuyện với Jenny - người bạn thuở ấu thơ, người yêu, người vợ, người mẹ của con trai anh… bên nấm mồ của cô. Đứng bên mộ của Jenny, Forrest nói: “Em qua đời vào một sáng thứ 7. Và giờ anh để em nằm đây, dưới tán cây của chúng ta…”.
Lướt qua màn ảnh lúc này là hình ảnh Forrest Gump chăm sóc cho cậu con trai nhỏ, những hình ảnh đã làm thổn thức trái tim của nhiều khán giả nam giới. Tình phụ tử là vô điều kiện và dù Forrest không phải một người cha thông minh, anh vẫn biết cách thể hiện tình yêu thương và sự tận tụy dành cho con.
Forrest đã giữ lời hứa không mở bức thư của con trai viết cho mẹ, trong từng hành động, chúng ta nhìn thấy sự nỗ lực của Forrest Gump với mong muốn trở thành một người cha tốt.
“Forrest Gump” được xem là bộ phim khiến đàn ông Mỹ… rơi lệ nhiều nhất. Khi còn là những đứa trẻ, các cậu bé xúc động trước tình cảm bao dung của một người cha như Forrest Gump, rồi khi lớn lên, đã trở thành những người đàn ông trưởng thành, họ lại xúc động theo một cách khác.
Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan - 1998)
Trong phim, Tom Hanks vào vai Đại úy John H. Miller, với vai diễn này, Hanks chỉ cần nói 2 từ để có thể khiến khán giả xúc động và thấm thía nhiều triết lý sâu xa: “Earn this” (tạm dịch: Hãy trân trọng điều này!).
Tiểu đội của đại úy Miller được giao trách nhiệm vượt qua mặt trận ác liệt, đi vào vùng quân địch chiếm đóng để giải cứu một binh nhì đang phục vụ trong quân đội. Binh nhì này có tên Ryan, anh là người con trai duy nhất còn sống sót trong một gia đình cho cả 4 người con trai ra chiến trường.
Tiểu đội 8 người ra đi làm nhiệm vụ giải cứu binh nhì Ryan, đến thời điểm đại úy Miller qua đời chỉ còn lại hai, nhưng họ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, có thể hiểu rằng một cuộc đời của Ryan đã phải trả giá bằng sinh mạng của 6 người lính khác. Vì vậy, nhân vật đại úy Miller do Tom Hanks đảm nhận, trước lúc qua đời, đã trăng trối với binh nhì Ryan rằng: “Hãy trân trọng điều này!”, hãy trân trọng cuộc sống mà anh đang có.
Về sau, khi đã gần đi đến cuối cuộc đời, ông lão Ryan hỏi vợ rằng: “Hãy nói cho tôi biết tôi có sống một cuộc đời tốt đẹp không? Hãy nói cho tôi biết tôi có phải một người đàn ông tốt không?”. Đó vừa là câu hỏi cũng là câu trả lời cho lời trăng trối của người đại úy năm xưa.
Green Mile (Dặm xanh - 1999)
Khi nhân vật John Coffey - một người đàn ông Mỹ da màu tốt bụng, nắm giữ những quyền năng kỳ diệu, có khả năng cứu chữa bệnh tật cho người khác - bị hành hình một cách oan ức ở cuối phim, trái tim người xem như bị bóp nghẹt.
Người cai ngục Paul Edgecomb (Tom Hanks) đã đề nghị với phạm nhân John để được làm trái luật, được thả tự do cho John - một con người nhân hậu và kỳ diệu.
Nhưng như John nói, khi anh cứu giúp những con người bệnh tật, anh phải nhận về mình những nỗi đau. Thế giới này thực sự có quá nhiều nỗi đau, đến mức vượt quá sức chịu đựng của anh và án tử hình chính là cơ hội tốt nhất để John có thể nằm xuống và nghỉ ngơi vĩnh viễn.
John Coffey - hình tượng một con người cao cả, nhận về mình mọi đau đớn và oan uổng, đã bóp nghẹt trái tim người xem ở những phân cảnh cuối. Trong cảnh hành hình trên ghế điện ở cuối phim, người làm khán giả xúc động không hẳn là Tom Hanks nhưng sự góp mặt của anh với cách biểu cảm chân thực, thể hiện nỗi đau của một người cai ngục biết rằng bất công đang được thi hành, biết rằng mình đang làm một điều không đúng với lương tâm, khiến cảnh phim thêm xúc động.
Cast Away (Một mình trên hoang đảo - 2000)
Bộ phim phiêu lưu kể về anh chàng Chuck Noland (Tom Hanks) bị lạc lên hoang đảo và sống ở đó 4 năm, anh kết bạn với một… quả bóng chuyền. Đối với Chuck, quả bóng “Wilson” không phải một vật vô tri vô giác, mà là một người bạn tâm giao, một điểm tựa tinh thần giúp Chuck vượt qua những ngày tháng sống cô đơn trên hoang đảo mà không bị hóa điên.
Cảnh phim lúc Chuck vượt đại dương để từ bỏ hoang đảo, mạo hiểm tìm về với đất liền, với nền văn minh nhân loại, quả bóng “Wilson” bị rơi khỏi chiếc bè, Chuck đã khóc thương nó như vừa mất đi một người bạn chí cốt.
Những ngày còn lại một mình trên bè, vật lộn với đại dương để tìm về với loài người, Chuck đã phải chiến đấu với chính bản thân mình để vượt qua nỗi cô đơn, để vượt qua sự chông chênh không điểm tựa khi mất đi người bạn thân thiết - quả bóng “Wilson”.
Cảnh phim nghe có thể… ngớ ngẩn nhưng đặt trong tiến trình phát triển tâm lý nhân vật, cũng như tình huống phim, nó hoàn toàn hợp lý. Thực tế, chi tiết này còn gợi người xem nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, khi một quả bóng hay chú gấu bông có thể là những người bạn thân thiết nhất và việc chẳng may để thất lạc chúng có thể khiến đứa trẻ là ta khi đó phải khóc ròng.
Captain Phillips (Thuyền trưởng Phillips - 2013)
Những bộ phim kể trên đều đã được thực hiện từ cách đây hơn một thập kỷ, tuy vậy, điều đó không có nghĩa giờ đây Tom Hanks không còn lấy nước mắt của đàn ông.
Trong bộ phim “Captain Phillips” mới ra mắt hồi năm trước, Tom Hanks vào vai thuyền trưởng Phillips chỉ huy con tàu chở hàng bị cướp biển tấn công. Một mình ông đã dũng cảm đương đầu với bọn cướp với mong muốn tính mạng của các thuyền viên trên tàu được bảo đảm an toàn. Để làm được điều đó, suýt nữa thuyền trưởng Phillips đã bị bọn cướp hành hình.
Bộ phim được thực hiện dựa trên một câu chuyện có thật từng xảy ra hồi năm 2009. Ở cuối phim, khi may mắn được lực lượng đặc nhiệm giải cứu và thoát khỏi cái chết kinh hoàng trong gang tấc, thuyền trưởng Phillips lúc này được cấp cứu khẩn trương, dù là một con người đầy lòng dũng cảm nhưng đứng trước những biến cố kinh hoàng, thuyền trưởng Phillips đã bị sốc.
Cảnh cuối phim khi Phillips bối rối, hoảng sợ và đôi lúc bật khóc khi được nhân viên y tế cấp cứu khiến khán giả vừa thở phào nhẹ nhõm (vì tính mạng ông đã an toàn) vừa xúc động trước hình ảnh một con người quả cảm nhưng rốt cuộc… vẫn là con người. Cách diễn xuất của Tom Hanks chân thực tới mức khiến khán giả không thể cầm lòng.
Thực tế, rất nhiều bộ phim khác của Tom Hanks cũng được người xem đề cập tới vì từng khiến họ xúc động, nhưng trên đây là những vai diễn nổi bật nhất, được đề cập tới nhiều nhất.