Cold Blood | Game Mobile | 19-01-2015 16:29
Hình ảnh một quả bóng căng đang chờ phát nổ có phải là thứ phản ánh đúng những gì mà game mobile Việt hiện giờ đang gặp phải.
Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Game Mobile trong năm vừa rồi thể hiện rõ sức tăng trưởng vượt trội của nhánh phát triển này so với ngành công nghiệp game nói chung. Tuy nhiên, các số liệu đó có phản ánh trung thực hay chỉ mang tính bề nổi vẫn còn đang là câu hỏi khó giải đáp cho nhiều nhà phân tích. Tăng trưởng đôi khi là cái bẫy rất lớn trước một đợt suy thoái mạnh. Hãy cùng Game4V đánh giá kĩ vấn đề này.
Thực trạng game mobile tại thị trường Việt
Thống kê thị trường mobile Việt chỉ rõ tổng doanh thu của ngành game Việttrong năm 2014 vừa qua đạt mức 286 triệu USD, trong đó doanh thu đến từ game mobile đạt 35 triệu USD, chiếm 13,9% thị phần toàn ngành. Năm 2013, con số này là 10,97%. Rõ ràng, ngành game mobile Việt đã có sự tăng trưởng nhất định trong vòng 1 năm qua. Nhưng điều này có thực sự xứng đáng hay không.
Game Market 2014
Trong năm 2013, số lượng các nhà phát hành còn rất hạn chế, chủ yếu vẫn là các nhà phát hành lớn. Số lượng game cung cấp rất nhỏ lẻ và hầu như ít lựa chọn. Chưa kể nền tảng phần cứng vào 2013 chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dùng. Các game mobile trong thời kì này vẫn sử dụng công nghệ cũ, hình ảnh và chất lượng không tốt khiến người dùng không mặn mà. Tuy nhiên $25.5 triệu đô trong 2013 là một con số rất đáng nể với Game Mobile.
Sang 2014, số lượng các nhà phát hành tham gia vào thị trường này rất lớn lên tới 47 nhà phát hành khác nhau. Mặt khác, số lượng game mobile phát hành trong năm nay cũng đạt con số kỉ lục. Trung bình 1 tuần có từ 3 tới 4 tựa game mobile mới được ra mắt. Nhưng số lượng không tỉ lệ thuận với chất lượng, các tựa game “nhanh nở chóng tàn” xuất hiện nhan nhản, đôi khi chỉ tồn tại được một tháng. Với nền tảng phần cứng phát triển cực mạnh vào 2014, đáng nhẽ gamer có thể được tiếp xúc với nhiều tựa game hay, hấp dẫn và được đầu tư xứng đáng hơn. Một tựa game mobile đáng chơi, thỏa mãn cả chất lượng đồ họa, dịch vụ và tính lâu dài có rất ít.
Thị trường Việt đang mắc kẹt trong bài toán về số lượng, chất lượng và dịch vụ mỗi đầu game ra mắt. Các nhà phát hành đang cố gắng đẩy thêm game về, tối ưu hóa doanh thu trong thời gian nhanh nhất, đào thải tựa game đó và tiếp tục nhập game về bất kể chất lượng ra sao. Trong một thị trường như vậy có thể nói họ đang “ép” người dùng sử dụng các sản phẩm có chất lượng không tương xứng với số tiền bỏ ra. Thị trường mobile bị ảnh hưởng rất nặng vì tư tưởng như vậy.
Do đó, con số tăng trưởng ở mức 13.9% là chưa xứng đáng với một thị trường tiềm năng như Việt Nam
Lí do khiến game mobile Việt phải thay đổi
Trong 2013, game thủ có rất ít sự lựa chọn thì 2014, tình trạng này diễn ra ngược lại. Hàng loạt game ra mắt khiến game thủ không thể biết được nên chọn tựa game nào hay phải chơi tất cả. Một đề tài có hàng chục game khai thác với nội dung na ná nhau. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra trong 2015 có thể dẫn đến cảm xúc các game thủ trở thành chai lỳ. Về lâu dài, khi đã quá nhàm chán với 1 thị trường như vậy, tâm lý bỏ game trên nền mobile là rất cao hoặc game thủ sẽ chuyển hướng sang các tựa game không do nhà phát hành tại Việt Nam phát hành. Thị trường mobile Việt cần phải thay đổi để giữ chân game thủ ngay từ bây giờ.
Nguồn: TNS/Google
Mặt khác, với thị trường có đến 1/3 số lượng người sử dụng Smartphone, thị trường game mobile Việt chưa khai thác một cách đúng đắn. Năm 2014, độ tuổi sử dụng Smartphone đang ngày càng giảm dần. Độ tuổi từ 16-24 tăng từ 27% (2013) lên 58% (2014), trong mức tuổi này mức độ tiếp thu và tính đào thải rất cao. Nếu game không đủ hay, không đủ hấp dẫn, họ hoàn toàn có thể bỏ tựa game này và chuyển sang game khác ngay lập tức chỉ sau vài lần đăng nhập. Độ tuổi từ 25 – 34 cũng tăng từ 32% tới 45%, dù mức độ chọn lựa đã có dễ dàng hơn nhưng không có nghĩa họ không dời bỏ tựa game có chất lượng dở. Lớp game thủ này không có quá nhiều thời gian để chơi nhiều tựa game, cái họ cần là những tựa game thực sự hay, hấp dẫn và khiến họ phải vào hàng ngày.
Ngoài ra, xét với xu hướng hội nhập quốc tế, các tựa game do nhà sản xuất nước ngoài đang làm ngày càng tốt và thậm chí là cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất trong nước. Gamer đã không còn lạ gì thực hiện tải 1 game của nhà phát hành Bắc Mỹ, EU hay Hàn, đăng kí tài khoản, lập thẻ visa thanh toán để thưởng thức những tựa game có chất lượng tốt, tính cân bằng và dịch vụ tuyệt vời. Nếu như Game Mobile Việt chịu ảnh hưởng rất lớn từ game Trung Quốc nhiều năm trở lại đây thì 2014, đánh dấu sự vươn mình ra thế giới củagame thủ Việt. Game Trung Quốc không còn là lựa chọn duy nhất với nhiều game thủ.
Với những lý do trên, làm cách nào để chúng ta có thể thay đổi được thị trường Game Mobile Việt?
Giải pháp tình thế cho từng Nhà phát hànhSàng lọc kĩ lưỡng, thay đổi chất lượng game
Game kém chất lượng là nguyên nhân chính khiến cộng đồng game thủ đi xuống
Điều khiến các game thủ có cái nhìn sai lệch và thiếu thiện cảm đối với game mobile chính là số lượng những tựa game có chất lượng thấp tràn về thị trường Việt. Khi phải tiếp xúc với số lượng lớn những sản phẩm kém chất lượng, game thủ sẽ hình thành các khái niệm tiêu cực và đánh đồng toàn bộ những sản phẩm ra mắt sau đó. Đây chính là nguyên nhân khiến các game thủ rời bỏ cộng đồng cũng như game nói chung.
Các nhà phát hành cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng hơn về chất lượng của game khi nhập về Việt Nam. Thay vì nhập hàng trăm tựa game với chất lượng thấp, khiến game thủ rời bỏ cộng đồng, mất đi một lượng lớn doanh thu và thậm chí là “cạch mặt” chính nhà phát hành đó, các nhà phát hành cần phải có bước cân nhắc quá trình nhập game sâu hơn trước. Mang 1 tựa game về Việt Nam, họ phải xác định làm nó trong lâu dài. Từ đó thay vì bỏ tiền nhỏ mua nhiều game đổi lại là giá trị cộng đồng giảm sút, họ hãy thử bỏ những số tiền lớn cho các nhà phát triển nổi tiếng, đầu tư phát triển một cộng đồng mạnh mẽ, có tâm huyết với game, sẵn sàng thông cảm chia sẻ và đứng về phía nhà phát hành nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra. Đó là cách mà các nhà phát triển, nhà phát hành thế giới đang làm, nếu mất cộng đồng họ sẽ mất rất nhiều thứ.
Giảm bớt số lượng những tựa game trùng lặp
Quá nhiều những tựa game trùng lặp khiến game thủ “bội thực”
Một cái sai nữa của các nhà phát hành game Việt, đó là chạy theo xu hướng một cách mù quáng. Chỉ cần có một chủ đề được coi là nóng hổi lúc đó thì các nhà phát hành sẽ thi nhau đổ xô nhập những game có chủ đề đó, không cần biết game thủ nghĩ gì. Ví dụ như cái tên One Piece, vốn là một tác phẩm truyện tranh nổi tiếng, đã bị các nhà phát hành game mobile vắt kiệt hết mức có thể, với hàng chục đầu game mọi thể loại, khiến game thủ nhàm chán. Đây là điều mà các nhà phát hành cần phải suy nghĩ lại, thay vì chạy theo một thương hiệu mà bỏ qua vô số những sản phẩm tiềm năng khác.
Việc nhập các tựa game có nội dung na ná nhau, gameplay cũng chẳng khác gì sẽ tạo 1 đường mòn ăn sâu vào tâm trí game thủ. Họ sẽ chỉ nghĩ được rằng, game mobile quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vậy, chơi 1 game hay nhiều game cũng không khác gì nhau. Trong khi, các nhà phát triển, phát hành quốc tế liên tục tạo ra những xu hướng mới lạ, những món ăn đổi vị liên tục khiến gamer Việt hết sức thích thú. Số lượng nhiều chỉ chiếm 50% sự phát triển.
Nếu cứ đà nhập game một cách vô tội vạ như hiện tại, các nhà phát hành sẽ phải chịu cái tiếng “coi thường game thủ”, mặc dù không hề có chuyện như vậy. Hãy giảm số lượng game na ná nhau xuống, hãy nhập và sản xuất các tựa game tạo ra xu thế mới. Đầu tư phát triển về mặt nội dung và kĩ thuật là điều kiện tiên quyết cho thành công của game mobile trong 2015.
Cải thiện khẩn cấp chất lượng dịch vụ
Việc nhập quá nhiều tựa game và dàn trải khiến các nhà phát hành bỏ bê các game thủ của mình, đồng thời cũng khiến chất lượng của các game mobile đi xuống một cách rõ rệt. Có những tựa game đứt gánh giữa đường, thậm chí đóng cửa đột ngột khiến gamer không biết thế nào mà lần. NPH chỉ để lại một lời xin lỗi, một vài đền bù và những cuộc gặp cuối cùng mang tính biểu tượng trong các game.
Hack cũng là nguyên nhân khiến Game Mobile “tan nát” theo đúng nghĩa đen. Không một tựa game nào có thể tránh khỏi vết đen này, vấn đề vẫn là NPH sẽ xử lý như thế nào. Cố tình lờ đi, hay đối diện với sự thật. Họ sẽ phải nhớ một điều rằng, hiện tại game thủ Việt vẫn còn đang rất dễ tính và số người tiếp cận “nền văn hóa game” tại các nhiều quốc gia khác vẫn còn ít. Nhưng một khi cộng đồng này thực sự bùng nổ, cách hành xử thiếu minh bạch của NPH sẽ là lưỡi dao cắt rất ngọt dành cho họ, những người “phũ” gamer.
Thay đổi thái độ, cách hành xử, xử lý thỏa đáng và minh bạch trong mọi vấn đề sẽ là những điểm cộng rất tốt cho NPH. Một khi đã thỏa mãn cho game thủ những điều đó, không có lý do gì họ không sống tiếp với những tựa game của NPH.
Tạm kết
Để hoàn thành mục tiêu, các nhà phát hành game Việt sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn so với hiện tại.
Dù sao đi chăng nữa, chúng ta cũng phải công nhận rằng game mobile là một thị phần tối quan trọng trong hệ thống ngành công nghiệp game đang phát triển rất mạnh của Việt Nam. Nếu bản thân ngành công nghiệp này muốn đạt mức tăng trường 52 triệu đô vào 2016, họ còn phải thay đổi rất nhiều điều, nhưng ít nhất là 3 yếu tố trên.
Hi vọng trong thời gian tới, gamer Việt sẽ được đón nhận thêm những tựa game chất lượng hơn, và ngành game mobile sẽ không phải nhận kết cục thê lương như đàn anh webgame trước đây.