Tin tức - pháp luật 2020-03-12 03:58:29

Nhóm học sinh Bỉ gây phẫn nộ khi đội nón lá Việt, mặc trang phục truyền thống của Nhật -Trung giễu cợt châu Á giữa đại dịch Covid-19


Hành vi được coi là phân biệt chủng tộc của nhóm học sinh này đã khiến MXH châu Á dậy sóng.
Mới đây, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện một bức ảnh khiến cộng đồng người châu Á nổi giận. Trong ảnh, 19 học sinh trường cấp 2 Sint-Paulus Campus College Waregem (trường học cho người Hà Lan ở Bỉ) đội nón lá Việt Nam, 1 số nam mặc áo mang phong cách Trung Quốc, số khác lại hóa trang thành gấu trúc - loài vật đặc trưng của đất nước tỉ dân này, trong khi đó nữ diện trang phục kimono của Nhật Bản.

Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như nhóm học sinh này không tươi cười tạo dáng với tấm biển ghi dòng chữ "Corona Time" (Tạm dịch: Thời của corona) kèm theo hình vẽ một người đeo khẩu trang mang hàm ý chế giễu dịch bệnh Covid-19 bắt nguồn từ châu Á. Đáng chú ý, một nữ sinh đứng ở giữa còn dùng hai tay kéo khóe mắt để giễu cợt đặc điểm mắt híp của một bộ phận người phương Đông. Đây là cử chỉ mang tính xúc phạm bị người châu Á cực kỳ kiêng kỵ và ghét bỏ.


Bức ảnh chụp một nhóm học sinh Bỉ đang khiến cộng đồng người châu Á cực kỳ bức xúc


Được biết ban đầu, bức ảnh này được trang Instagram và Facebook của trường Sint-Paulus Campus College Waregem đăng tải nhưng sau đó bị gỡ đi không một dấu vết, cũng không có lời giải thích hay tuyên bố chính thức nào liên quan đến vụ việc. Instagram của trường cũng được thay đổi từ chế độ công khai sang riêng tư kể từ khi bức ảnh trên thu hút sự quan tâm và gây phẫn nộ cho cộng đồng châu Á. 

Ở một diễn biến khác, Waregem1 - một đài phát thanh của khu vực Waregem và Deerlijk (Bỉ) - cũng từng đưa tin về hoạt động của nhóm học sinh trên cùng bức ảnh gây tranh cãi lên website của đài với dòng chú thích: "Các học sinh ở Waregem ăn mặc như người Trung Quốc và giới thiệu về virus Corona". Cụm từ "ăn mặc như người Trung Quốc" của đài phát thanh này đã khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Rất nhiều ý kiến cho rằng tác giả của bài viết này không hiểu rõ văn hóa châu Á bởi trong ảnh không chỉ có trang phục mang phong cách Trung Hoa mà còn có chiếc nón lá của Việt Nam và kimono - quốc phục của Nhật Bản.

Sau khi vấp phải cơn mưa chỉ trích từ cộng đồng mạng, đài Waregem1 đã xóa bài trên website lẫn fanpage trên Facebook đồng thời đăng bài đính chính vào chiều 11/3 (giờ Việt Nam): "Website của chúng tôi hiện đang tạm ngưng hoạt động. Thông điệp đến từ những học sinh ở Waregem và những bộ trang phục của họ đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng châu Á. Chúng tôi xin đính chính về vấn đề này như sau: những biên tập viên của chúng tôi chỉ báo cáo về những vấn đề có thật và chưa từng đưa ý kiến cá nhân của mình vào đó. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì với tấm ảnh cả, chúng tôi là một đài phát thanh, không phải một trường học. Bài viết trước đó có nhắc đến nguồn của bức ảnh, nó xuất phát từ một bài đăng trên Twitter. Nếu như có ai đó cảm thấy khó chịu vì vấn đề này thì chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc báo cáo độc lập của mình, trong quá khứ, hiện tại và tương lai".


Đài phát thanh Waregem 1 đăng bài đính chính, khẳng định chỉ đưa tin đơn thuần và không liên quan đến bức ảnh sau khi nhận "gạch đá" từ cư dân mạng


Hiện tại, hành động xấu xí của nhóm học sinh Bỉ cũng như thái độ im lặng, thoái thác của nhà trường và đài phát thanh Waregem1 đang khiến cơn giận của cộng đồng mạng châu Á bùng lên hơn bao giờ hết. Giữa thời điểm toàn thế giới đang gồng mình lên chống chọi với dịch bệnh, "trò đùa" nhạy cảm của nhóm học sinh này bị chỉ trích là xem thường văn hóa, phân biệt chủng tộc cũng như chà đạp lên nỗi đau của châu Á - nơi có số người tử vong vì dịch bệnh đang ngày càng gia tăng.

Broodje Kaas Met Sambal - một nhóm nâng cao nhận thức và giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á ở Hà Lan - đã đăng lại bức ảnh trên Instagram và lên án trường học Bỉ vô trách nhiệm. Nhóm này nói: "Là một tổ chức giáo dục, trường có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai. Việc họ chấp nhận hành vi này, thậm chí tự quảng bá trên các kênh truyền thông của mình là vô trách nhiệm và thật sự có vấn đề".

Nhiếp ảnh gia Rui Jun Luong ở thành phố Rotterdam (Hà Lan) cũng lên tiếng: "Không thể tin được. Làm thế nào một trường học có khẩu hiệu ‘Trái tim ấm áp, cái nhìn tươi mới, tâm trí cởi mở’ có thể phê duyệt và xuất bản bài viết cho thấy học sinh tạo dáng như vậy. Đây là một cuộc tấn công, không thể coi là trò đùa. Đó chính là sự phân biệt chủng tộc, chế giễu văn hóa của người châu Á chúng tôi và không hề vui chút nào".

Hàng loạt bình luận công kích được để lại trên Facebook: 

- "Chúng tôi cảm thấy đây là một sự xúc phạm, không hề buồn cười chút nào. Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người châu Á và được gắn với từ ‘corona’ xem có dễ chịu không?".

- "Đó là hành động phân biệt chủng tộc dữ dội. Như thường lệ, người ta sẽ dung túng hành vi như thế bằng lời ngụy biện 'chỉ là một trò đùa'".

- "Đây là bài viết “phản ánh sự thật”, Sự thật á? Ủa thế ổ dịch ở châu Âu như Pháp, Ý thì ở đâu? Sao không mặc đồ Pháp, Ý mà phản ánh".

- "Thích đùa giỡn trên nỗi khổ của người khác à. Nón lá của chúng tôi, các người đội không xứng".

- "Nam mặc đồ Trung Quốc, nữ mặc đồ truyền thống Nhật và đội nón lá Việt Nam cầm tấm bản: Corona đang đến. Không phải kỳ thị chứ là gì nữa?".

- "Kém ý thức, đây là sự tiến bộ của nhân loại sao?".

- "Các bạn rảnh thì vào đây gửi một cái report tới Hội đồng thành phố Waregem về cái bài phân biệt. Hơn nữa thì vào đây coi danh sách các nhà báo trong vùng và gửi email kèm ảnh tới về trang nó. Mình đã gửi đến hơn 20 nhà báo rồi, còn các bạn?" (chủ tài khoản này bình luận kèm đường link phản ánh hành động vô nhân đạo giữa thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát).
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)