Trào lưu săn áo "slogan" đã xuất hiện ở TP.HCM và một số thành phố lớn khác từ lâu.
Không ít bạn trẻ coi đó là cách để nổi bật trước đám đông trong khi một số khác xem trào lưu mặc áo kiểu này là "đeo nụ cười trên người".
Trên thực tế, bên cạnh những bạn trẻ thích tìm những thông điệp dễ thương, hài hước lành mạnh để in lên áo thì cũng có không ít trường hợp luôn cố săn cho được những chiếc áo mang tuyên ngôn gây sốc.
Do vậy, những câu tục ngữ, ca dao thân thuộc đã bị bóp méo để trở thành các slogan chọc cười trên áo của nhiều khách hàng trẻ.
Có cả những chiếc áo gắn thông điệp kiểu mạnh bạo như “Sleep with me, free breakfast” (Ngủ với tôi, ăn sáng miễn phí), "40 ngày chưa đi toilet", hay chơi chữ như “Không bao giờ bán đứng bạn bè nếu chưa… được giá”, hoặc "Không tiền thì miễn bàn",… cũng được nhiều bạn trẻ mặc ra đường không chút ngại ngùng.
Dễ bắt gặp những chiếc áo "biết nói" thế này trên đường phố Sài Gòn - Ảnh: Hải Nam |
Nhân viên phục vụ một số quán ăn cũng gây ấn tượng bằng áo "slogan" - Ảnh: Trí Quang |
Gần đây, trên các diễn đàn trực tuyến còn rộn ràng với trào lưu vẽ slogan cho áo cũ, hay thậm chí là trên giày, với chi phí từ 60.000 đồng đến trên 100.000 đồng tùy độ phức tạp.
Dịch vụ mới này có vẻ thu hút được đông đảo khách hàng trẻ mê áo "slogan" vì có thể dễ dàng sở hữu những chiếc áo có thông điệp mà mình thích trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, nếu đặt áo dạng này qua các shop thời trang, các bạn trẻ phải đợi khá lâu và phải đăng ký với số lượng lớn.
Tại nhiều quán ăn, nhân viên phục vụ cũng được cấp áo in slogan hài hước để thu hút sự chú ý của thực khách.
Những chiếc áo mang khẩu hiệu: "không say, không về" hay "Trăm phần trăm" được bán với giá trên dưới 100.000 đồng cũng rất được nhiều bạn trẻ ưa chuộng - Ảnh: Trí Quang |
Nhân viên phục vụ tại một quán ăn ở Q.1 đang mặc áo slogan trong lúc làm việc như một cách gây ấn tượng cho thực khách - Ảnh: Trí Quang |
Hải Tâm, sinh viên năm 2 trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn TP.HCM, vốn cũng rất mê áo slogan, bày tỏ cách nhìn của mình với với trào lưu mặc loại áo này: "Theo mình, áo slogan cũng nói lên phần nào tính cách của người mặc, nhưng nó không khẳng định được giá trị bản thân, mà chỉ là cái làm cho cuộc sống thêm sống động hơn mà thôi. Do vậy, mình luôn chọn những câu slogan hóm hỉnh để mọi người khi nhìn vào sẽ bật cười thoải mái".
Bạn trẻ này không biết mình đang mặc áo có slogan mắc lỗi chính tả. Thay vì ghi "sửa" mới đúng thì trên áo lại là chữ "sữa" - Ảnh: Trí Quang |
"Với trường hợp này, chiếc áo slogan trở thành áo "biết nói". Nó nói lên nhiều điều về tính cách và nhận thức của người mặc", Tâm cho biết khi xem bức ảnh trên.