11 giờ đêm, Gopamma Nayaka biết chắc chồng mình đã có chuyện. Hanumantha đi vào rừng kiếm củi, nhưng lẽ ra ông ấy đã phải có mặt ở nhà từ một tiếng đồng hồ trước. Gopamma báo tin cho con trai, anh ngay lập tức tập hợp một nhóm tìm kiếm.
Họ đi vào Khu bảo tồn hổ Bandipur gần nhà, một công viên quốc gia nằm ở phía tây nam Ấn Độ. Nhưng khi mới bước được vài mét vào rừng, cả nhóm đã phát hiện ra thi thể của Hanumantha. Cái xác đã bị ăn mất một nửa, còn con hổ đã giết chết ông ấy vẫn ngồi chễm chệ ngay bên cạnh.
Cái chết của Hanumantha không chỉ để lại cho Gopamma một nỗi đau, mà bà còn phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn của gia đình. Con trai bà đã phải bỏ học đại học để trở về nhà phụ giúp mẹ.
"Cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn nhiều nếu chồng tôi còn sống", Gopamma nói. "Con trai lớn của tôi có thể được đi học, nhưng bây giờ thì cả hai đứa đều phải đi làm. Tôi cảm thấy không an toàn khi cuộc sống trở nên bị phụ thuộc".
Bất chấp tất cả những điều này, Gopamma không oán giận con hổ đã giết chồng mình. Giống như nhiều tín đồ Ấn Độ giáo, bà coi con người chỉ là mắt xích trong một mạng lưới sự sống phức tạp bao gồm tất cả các sinh vật, trong đó mỗi sinh vật đều có quyền sống tương đương nhau.
Gopamma cũng không lo lắng về quần thể hổ ở Ấn Độ đang gia tăng. Bà nói rằng cái chết của chồng mình không liên quan gì đến việc chính phủ đang cố gắng cứu lấy loài hổ: "Đó là số phận", Gopamma nói.
Người Ấn Độ ở nông thôn là những người duy nhất trên thế giới chịu sống cùng một loài động vật hoang dã có thể giết chết họ. "Bạn sẽ không thể tìm thấy điều này ở bất cứ nền văn hóa nào khác trên thế giới", Ullas Karanth, một nhà sinh vật học đã nghỉ hưu cho biết.
Ông chuyên nghiên cứu các loài động vật ăn thịt tại Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã và là một chuyên gia hàng đầu về hổ. "Nếu loại chuyện này xảy ra ở Montana hoặc Brazil, họ sẽ giết sạch lũ hổ chỉ trong ngày hôm sau", Karanth nói.
Nhưng chính việc cho phép hổ sống và sống cùng hổ đã trở thành nền tảng, giúp Ấn Độ trở thành đất nước bảo tồn thành công nhất loài động vật này thế giới. Ấn Độ chỉ chiếm 25% tổng môi trường sống của hổ, nhưng chiếm 70% tổng số hổ hoang dã còn lại trên khắp hành tinh, khoảng 3.000 cá thể.
Tuy nhiên, thành công không bao giờ đến mà không có cái giá của nó. Khi quần thể hổ phát triển với tốc độ nhanh chóng, các khu vực bảo tồn của Ấn Độ đã không thể kịp mở rộng. Điều này buộc những con hổ phải tràn ra môi trường sống của con người để sinh tồn. Chúng bắt vật nuôi để ăn thịt, đôi khi cả con người.
Những sự kiện hổ tấn công người tương đối hiếm – chỉ khoảng 40 đến 50 người bị hổ giết chết hàng năm so với khoảng 350 cái chết gây ra bởi voi. Nhưng khi một người bị giết bởi một con voi, mọi người thường chỉ coi đó như một tai nạn. Cái chết do những con hổ gây ra thì lại khác, nó là một nỗi sợ hãi nguyên thủy, mà nếu không được tháo bỏ có thể đẩy những cộng đồng đến hành động cực đoan.
Không ai biết có bao nhiêu con hổ đã từng lang thang ở Ấn Độ, nhưng những con đã được đếm có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nếu không muốn nói là cả hàng ngàn. Sự suy tàn của loài hổ hoang dã ở Ấn Độ đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, với sự xuất hiện của súng ngắn và bẫy thép.
Những con hổ thu hút tầng lớp quý tộc như một môn thể thao, còn người nghèo săn bắt chúng để lấy tiền thưởng. Một nhà sử học đã từng thống kê lại, có tới hơn 80.000 con hổ đã bị giết chết ở Ẩn Độ trong khoảng thời gian từ năm 1875 đến năm 1925. Hoạt động săn bắt cũng quét sạch các loài thú được dùng để làm mồi nhử hổ, khiến các loài này thậm chí còn bị suy giảm gấp đôi.
Vào giữa thế kỷ 20, Ấn Độ đã mất đi con báo Châu Á cuối cùng và gần như toàn bộ quần thể sư tử Châu Á vì tốc độ phát triển quá nóng của mình. Những con hổ lẽ ra đã theo gót báo và sư tử nếu như Thủ tướng Indira Gandhi không kịp thời ban hành sắc lệnh cấm săn bắt hổ vào năm 1971.
Đôi khi Gandhi cũng được gọi là vị cứu tinh động vật hoang dã vĩ đại nhất ở Ấn Độ, bởi ông đã củng cố luật bảo vệ động vật hoang dã, thành lập những khu vực bảo tồn hổ và thành lập một đội đặc nhiệm bảo vệ hổ.
Nhưng mọi thứ không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Vào thập niên 1980, ước tính có khoảng 2.500 con hổ vẫn còn lang thang ngoài môi trường sống tự nhiên ở Ấn Độ. Ullas Karanth khi đó đang là một kỹ sư ngoài 30 tuổi. Với niềm yêu thích vốn có với những con thú săn mồi lớn, ông đã chuyển nghề sang làm việc trong lĩnh vực bảo tồn.
Kể từ đó tới giờ, khi đã ngoài 70 tuổi, Ullas vẫn tiếp tục cống hiến cả sự nghiệp của mình vào công cuộc phục hồi quần thể hổ ở Ấn Độ.
Năm 1991, ông đã phát triển được một phương pháp chính xác để đếm được tất cả những con hổ còn lại trong tự nhiên. Đó là một hệ thống bẫy camera có khả năng phát hiện các vằn đen vàng đặc trưng của bộ lông hổ. Ullas biết muốn bảo tồn được loài động vật hoang dã này, điều đầu tiên là phải biết chính xác số lượng hổ còn lại và số lượng hổ đã biến mất.
Ở mỗi khu vực mà ông đặt bẫy camera, Ullas đã rất bối rối khi phát hiện ra mật độ phân bố của hổ rất chênh lệch, dao động trong khoảng dưới 1 cho đến tối đa 15 cá thể trên 100 km. Linh cảm của ông cho thấy nguyên nhân có thể đến từ việc con người đang săn bắt quá nhiều những con động vật là mồi của hổ.
Nói cách khác, chính người dân đang cạnh tranh nguồn thức ăn với hổ, và vì hoạt động săn bắt của chúng ta quá hiệu quả đẩy hổ vào nguy cơ suy giảm dân số. Bằng các nghiên cứu của mình, Ullas xác định được một con hổ cần ăn thịt khoảng 50 con mồi mỗi năm. Có nghĩa là một quần thể hổ sẽ cần ít nhất 500 con mồi để có thể duy trì.
Một nghiên cứu được thực hiện song song bởi Krithi Karanth, một nhà khoa học bảo tồn tại Trung tâm nghiên cứu động vật hoang dã ở Bangalore cho thấy số lượng hổ ở Ấn Độ đã suy giảm tới 67% trong khoảng thời gian 100 năm. Và nhiều loài động vật là con mồi của chúng như hươu và bò tót cũng sụt giảm ở mức độ tương tự.
"Loài vật duy nhất không gặp rắc rối là lợn rừng", Krithi nói. Đúng là quần thể hổ ở Ấn Độ sụt giảm bởi thực tế chúng không đủ ăn.
Với những hiểu biết khoa học của mình, Ullas đã bắt đầu việc quản lý và bảo tồn hổ đặt trọng tâm vào việc bảo vệ các con mồi của chúng. Từ những năm 1990, ông đã hợp tác với các cơ quan chính phủ để tạo điều kiện di dời một số ngôi làng nằm trong khu vực bảo tồn.
Khi nạn săn trộm hổ bắt đầu tăng lên thúc đẩy bởi nhu cầu cao hổ ở thị trường Trung Quốc, các bẫy camera của Ullas ngay lập tức đã phát hiện ra mức độ nghiêm trọng của tình hình. Ông đã phải làm việc ngay với các cơ quan chức năng để triển khai nhiềuchương trình chống săn trộm.
Những nỗ lực ấy của Ullas đã góp phần đáng kể vào sự phát triển trở lại của hổ ở Ấn Độ. Lấy ví dụ, số lượng hổ tại khu vực Malenad ở phía tây nam Ấn Độ - bao gồm trong đó Khu bảo tồn hổ Bandipur, nơi chồng của Gopamma bị giết chết - hiện đã tăng lên gấp đôi, so với khi Ullas bắt đầu làm việc ở đó 25 năm về trước.
Quần thể hổ ở Ấn Độ hiện tại duy trì ở mức hơn 2.900 con trong số gần 3.900 con hổ hoang dã còn tồn tại trên toàn thế giới.
Chỉ riêng Malenad hiện đã là ngôi nhà của 400 con hổ. Như một lẽ thường tình, khi số lượng động vật ăn thịt tăng lên, xung đột trở thành thứ không thể tránh khỏi. Cạnh tranh lãnh thổ buộc một số con hổ phải rời khỏi các khu vực được bảo vệ, đặc biệt là những con hổ mới lớn đang tìm cách thiết lập lãnh thổ cho riêng mình, và cả những con hổ bị thương hoặc già yếu bị đẩy ra khỏi lãnh địa cũ của chúng và đang đi tìm thức ăn trong tuyệt vọng.
Tất cả những con hổ này sẽ tràn xuống nơi có con người sinh sống, bởi ở đó có gia súc. Chúng giết chết và ăn thịt vật nuôi của con người, vả đôi khi chính người dân ở đó.
"Hổ thường sợ người", Ullas nói. "Nhưng khi biết con người quá yếu đuối, chúng đột nhiên mất đi nỗi sợ hãi đó và nhận ra những con khỉ to lớn không đuôi này quá dễ bị bắt".
Câu chuyện về con hổ ăn thịt người nổi tiếng nhất có lẽ thuộc về T-1, một con hổ cái ở bang Maharashtra, Ấn Độ. Trước khi bị bắn chết vào tháng 11 năm ngoái, nó đã giết chết ít nhất 13 người và khủng bố cuộc sống của hàng ngàn người khác.
T-1 bắt đầu lọt vào ống kính của những chiếc bẫy camera từ năm 2015, khi nó đang nhấp nhổm trên một đồng cỏ ở Pandarkhawa. Con hổ đã đột nhập cả những cánh đồng nông nghiệp của con người, săn bắt gia súc rồi lẩn khuất vào trong những khu rừng ở miền trung Ấn Độ.
Rất nhanh chóng, một người phụ nữ 60 tuổi đã trở thành nạn nhân đầu tiên của nó. Người ta tìm thấy xác bà trên cánh đồng nhà mình với những vết cào sâu vào lưng. Ba tháng sau, T-1 giết chết thêm một người đàn ông, và thêm một người khác một ngày sau đó.
Lo sợ con hổ sẽ tấn công vào thành phố, nhà chức trách đã ra lệnh bắt T-1 với điều kiện bất kỳ ai cũng không được giết nó.
Ấn Độ là quê hương của phong trào đấu tranh quyền động vật đang phát triển mạnh mẽ. Ullas mô tả đó là một phiên bản cực đoan của chủ nghĩa phúc lợi động vật bắt nguồn từ Phương Tây, tới đây được đặt trên nền tảng đạo đức của Ấn Độ giáo
Phong trào nổi lên vào những năm 1990, trong bối cảnh Ấn Độ đang phát triển nóng đem đến sự giàu có và thịnh vượng cho các khu vực thành thị. Khoảng 300 triệu người đột nhiên có nhiều thời gian hơn để nghĩ về nhiều thứ, vượt ra bên ngoài mưu cầu cuộc sống cho chính bản thân họ, Ullas giải thích.
Những người đấu tranh cho quyền động vật yêu cầu chính phủ phải hành động để bảo vệ động vật. Nên ngay cả khi nhà chức trách bắt sống được một con hổ ăn thịt người, họ vẫn phải đối mặt với câu hỏi sẽ phải làm gì với nó.
Nếu bạn di dời con hổ đến một khu rừng khác, đó chỉ là việc đẩy vấn đề sang một khu vực khác. Ví dụ trong năm 2014, nhà chức trách và một nhóm nhà tự nhiên học nghiệp dư đã bắt được một con hổ ăn thịt người ở Khu bảo tồn hổ Bhadra.
Bất chấp lời khuyên của Ullas, sau đó họ đã thả con hổ tới một khu rừng cách đó 280km. Kết quả là chỉ 3 tuần sau, sau một loạt các vụ tấn công gia súc được ghi nhận trong khu vực. Và con hổ đã giết chết một người phụ nữ mang thai.
Lựa chọn thứ hai là giữ con hổ trong điều kiện nuôi nhốt. Nhưng tất cả các sở thú ở Ấn Độ đều đã có đủ hổ - ngay cả khi bạn tìm được một cơ sở nuôi nhốt còn trống, việc để một loài động vật hoang dã sống ở đó cũng không khiến những nhà hoạt động hài lòng.
Poonam H. Dhanwatey, đồng sáng lập của Tiger Research and Conservation Trust, một tổ chức phi lợi nhuận ở Maharashtra cho biết, bất cứ ai hiểu về động vật hoang dã đều biết giữ hổ trong điều kiện nuôi nhốt đồng nghĩa với việc mang đến một tương lai ảm đạm cho nó.
"Điều đó thật đáng buồn", Dhanwatey nói. "Bạn có thể đem lại cho chúng một chất lượng cuộc sống cao đến đâu, và có công bằng không khi bạn đặt chúng vào một chiếc cũi nhỏ sau khi đã tước bỏ tự do của chúng?".
Mặc dù vậy, T-1 là một con hổ cái đặc biệt lanh lợi, và nó rất biết cách tránh khỏi bị bắt. Con hổ không bao giờ rơi vào những cái bẫy của con người và nó luôn trốn tránh được các nhóm tìm kiếm đang lùng sục mình trong rừng sâu.
Nhưng khi nó giết chết đến nạn nhân thứ 7, một thanh niên 20 tuổi – sự kiên nhẫn của người dân ở Pandarkhawa đã bị phá vỡ, họ không còn đồng ý với lệnh bắt sống của nhà chức trách.
Mọi người cấm các quan chức bảo tồn và những người liên quan vào làng, thậm chí không cho họ kiểm tra xác chết của các nạn nhân. Một đám đông đã đánh đập cả những người lính kiểm lâm.
Đó vốn là chuyện thường thấy trong xung đột giữa hổ và người ở Ấn Độ, khi nhà chức trách không cung cấp được các giải pháp hiệu quả và kịp thời, người dân địa phương sẽ tự nghĩ ra cách riêng của họ.
Họ có thể đánh bả tất cả những con vật hoang dã trong khu vực, kể cả khu vực bảo tồn. Họ có thể rải bẫy hàng loạt rồi đánh đập những con hổ tới chết để hả giận.
Những kẻ săn trộm chuyên nghiệp cũng có thể lợi dụng tình huống này. Xương, móng vuốt, răng nanh, lông hổ và dương vật của chúng luôn được giá trên thị trường chợ đen, và nhu cầu của Trung Quốc cho các mặt hàng đó không bao giờ giảm xuống.
Vì vậy những kẻ săn trộm rất vui khi hổ làm loạn ở những vùng nông thôn Ấn Độ, và người dân phải đến nhờ sự giúp đỡ của họ.
Những người mất gia súc hoặc người thân vì hổ, họ chắc chắn sẽ thuê những kẻ săn trộm. Những kẻ săn trộm cũng có thể trả tiền cho dân làng để họ giữ im lặng, đôi bên đều có lợi. Chỉ có nỗ lực bảo tồn loài hổ sẽ bị phá vỡ từ những sự kiện bùng phát.
Trong những trường hợp xấu nhất, những con hổ ăn thịt người có thể kích động một đám đông bạo lực. Đôi khi, đám đông này sẽ bị những kẻ trộm gỗ hoặc săn bắt động vật hoang dã lợi dụng để tấn công bộ phận kiểm lâm.
"Tôi sợ những đám đông ấy còn hơn cả sợ hổ", AT Poovaihah, một nhân viên kiểm lâm từng phải vào bệnh viện sau một cuộc chạm trán với những người quá khích cho biết. "Tất cả họ đều là những người đàn ông, một số người say rượu, và mọi người đều đang giận dữ. Họ biết chúng tôi đang làm gì đó để bắt con hổ, nhưng ngay cả khi đó, họ vẫn muốn buộc tội chúng tôi".
Chẳng hạn như một sự việc xảy ra vào năm 2013, khi một người nông dân sống ở Tây Nam Ấn Độ có tên là Shivamallappa Basappa đang chăn bò ở bìa rừng bang Karnataka, gần Khu bảo tồn hổ Bandipur thì bị một con hổ giết chết và ăn mất một phần cơ thể.
Trong khoảng thời gian 2 tuần, con hổ đã giết chết tới 3 người và nó đã phá vỡ sức chịu đựng của dân làng. Một đám đông khoảng 200 người nhanh chóng hình thành. Họ tấn công và thiêu rụi sở lâm nghiệp địa phương, đốt cháy xe jeep của họ.
"Chúng tôi đã sống ở đây 60 năm. Kể từ khi sinh ra, chúng tôi chưa bao giờ có được một khoảnh khắc bình yên nào chỉ vì những con động vật hoang dã này", Chaihamurthy Devappa, một người họ hàng của Basappa nói. "Chúng tôi liên tục bị động vật hoang dã quấy rối và làm phiền, vì lý do đó mà chúng tôi mới tức giận. Đó là một cơn giận dữ đã tích lũy suốt nhiều năm".
Trở lại Pandarkhawa, nơi có sự xuất hiện của con hổ T-1, bạo lực cũng có thể đã leo thang nếu không có những nỗ lực của Abharna Maheshwaram, một phó giám đốc bảo tồn rừng ở Cục Lâm nghiệp Maharashtra.
Có linh cảm rằng các nữ sĩ quan sẽ khéo léo để giữ hòa bình tốt hơn nam giới, Maheshwaram đã gửi 18 đồng nghiệp nữ mặc quần áo dân sự đến các ngôi làng bị T-1 quấy phá. Họ chỉ tiết lộ danh tính của mình như là những người bảo vệ rừng, sau khi nhận được sự tin tưởng của những người phụ nữ khác trong làng. Chiến lược đã có hiệu quả: cộng đồng có được niềm tin trở lại với sở lâm nghiệp và họ một lần nữa bắt đầu hợp tác với nhà chức trách.
"Một điều tôi học được từ T-1 là bất cứ khi nào có xung đột giữa người và động vật, nó không chỉ là vấn đề với riêng con vật, mà còn với tất cả cộng đồng mà bạn mà đang làm việc cùng", Mitch Abharna nói. "Cá nhân tôi tin rằng chúng ta phải làm việc với cả các cộng đồng thì mới có được giải pháp để bảo tồn loài hổ trên cả nước".
Sự giận giữ của người dân địa phương đã được kiềm chế, tuy nhiên, số phận của T-1 vẫn rất chông chênh khi nó phải đối mặt với một cuộc chiến pháp lý, chính trị và xã hội đang diễn ra trên khắp các thành phố của Ấn Độ.
Đến tháng 2 năm 2018, T-1 tiếp tục gây ra thêm 2 cái chết, tăng số nạn nhân của nó lên 9 người. Tòa án Tối cao Bombay đã ra lệnh bắn nó. Những nỗ lực để bắt giữ con hổ, sử dụng đến cả máy bay không người lái cảm biến nhiệt, chó săn và dù lượn ngày càng trở nên tuyệt vọng.
Trong khoảng thời gian đó, T-1 đã hạ sinh hai con hổ con và cả ba bắt đầu tham gia vào một cuộc săn lùng con người mới. Vào tháng 8, T-1 đã cướp đi ba mạng sống của con người chỉ trong vòng 24 ngày.
Khi nhà chức trách ban hành lệnh bắt sống con hổ và đàn con của mình, rồi họ thất bại và chuyển sang lệnh bắn T-1, một số người đã tìm cách can thiệp thông qua Tòa án Tối cao Ấn Độ. "Khi bạn đưa ra hình phạt tử hình - bắn chết ngay khi nhìn thấy một con vật – bạn cần phải có những chứng minh đúng đắn mang tính pháp lý cho hành động này", Jerryl Banait, một bác sĩ ủng hộ quyền động vật nói.
Ông bảo vệ ý kiến cho những nhóm bảo vệ động vật ở thành phố - một thế lực đang nắm giữ quyền lực chính trị mạnh mẽ ở Ấn Độ - rằng T-1 không nên bị xử tử. Cho dù một con hổ đã giết bao nhiêu người đi chăng nữa, nhiều nhà hoạt động cho rằng chúng cùng lắm chỉ nên bị bắt sống, nhốt và đưa vào tù, bị giam cầm rồi tái thả, hoặc đơn giản là để mặc nó.
Trong khi đó, Ullas cho biết T-1 đã làm hỗn loạn cả Ấn Độ, và chính quyền đã cấp phép cho Shafath Ali Khan, một thợ săn tự do tư nhân, tham gia vào vụ bắt giữ T-1. Con trai của Khan là Asghar Ali Khan, người không được phép tham gia cuộc săn lùng cũng đi cùng.
Cha con nhà Khan là hai trong số hàng chục người giàu có, tự mô tả họ như những kẻ lãng tử anh hùng, những người tạo dựng sự nghiệp của mình từ việc giúp hạ sát những con thú hoang dã đã gây ra vấn đề nghiêm trọng.
Bằng việc cho phép nhà Khan săn lùng T1, chính phủ đã châm ngòi cho làn sóng phản đối từ những người ủng hộ động vật, đồng thời làm suy yếu vai trò của chính quyền địa phương.
"Chúng tôi có 80.000 lính kiểm lâm, một vài người trong số họ là những tay thiện xạ xuất sắc", Ullas nói. "Rõ ràng là chẳng cần tìm đến những kẻ hám danh này".
Vào ngày 2 tháng 11, Asghar gần ăn xong bữa tối thì nhận được cuộc gọi báo rằng ai đó đã nhìn thấy một con hổ trên con đường gần đó. Không thông báo cho cha mình, anh ta và một số người của mình đã chộp lấy súng và ra ngoài.
Từ trong xe ô tô, họ nhanh chóng phát hiện ra T-1, con hổ được nhận diện bằng vết thương từ một mũi đinh ba còn in lại bên mạng sườn. Theo những gì mà Asghar công bố rộng rãi, một trong những đồng nghiệp của anh ta đã bắn con hổ bằng phi tiêu an thần, khiến nó giận dữ lao tới.
Asghar đang ngồi trong xe, nhưng anh ta đã bắn T-1 bằng một khẩu súng trường với lý do tự vệ. Con hổ gần như chết ngay lập tức.
Cái chết của T-1 đã gây ra rất nhiều phản ứng rất khác nhau. Ở Maharashtra, dân làng ăn mừng với pháo; tại các thành phố, những người biểu tình đã tổ chức các buổi cầu nguyện dưới ánh nến.
Maneka Gandhi, một chính trị gia đồng thời là nhà hoạt động vì quyền động vật, góa phụ của con trai Indira Gandhi, đã tweet với 200.000 người theo dõi rằng T-1 đã bị sát hại dã man và rằng đó là một hành động tàn nhẫn. Bà đã gắn thẻ bài đăng của mình với tag #JusticeForAvni. Avni là cái tên người mà T-1 được gọi.
Những người ủng hộ đã bắt đầu cáo buộc người nhà Khan giả mạo bằng chứng. Họ đặt câu hỏi liệu T-1 có thực sự tấn công chiếc xe hay không - một hành vi bất thường đối với một con hổ, thường chúng chỉ coi những mũi phi tiêu như cú đốt từ một con ong nhỏ.
Phân tích pháp y về vết thương của T-1 sau đó xác nhận rằng con hổ đã bị bắn từ bên hông, có khả năng trong khi băng qua đường và chắc chắn không phải trong một cuộc tấn công dữ đội. Vết phi tiêu an thần trên đùi T-1 dường như đã được cắm vào sau khi nó đã bị giết. Nhưng cuối cùng, chẳng có ai bị trừng phạt.
Câu chuyện về con hổ T-1 từng được cả thế giới chú ý, nhưng Ullas nói rằng nó không phải duy nhất. Ở Ấn Độ còn nhiều câu chuyện bi kịch tương tự chưa được kể.
Tuy nhiên, Ullas lại là người ủng hộ cái chết của T-1. Giết chết một cá thể thuộc loài có nguy cơ tuyệt chủng nghe có vẻ phản trực giác, nhưng trong trường hợp của những con hổ quen ăn thịt người, Ullas và những người khác tin rằng đó là lựa chọn duy nhất để đảm bảo sự tồn tại của cả quần thể hổ.
Giống như cắt tỉa đi một vài cành chết từ một cái cây, việc mất đi một vài cá thể hổ không có tác động tiêu cực đến toàn bộ loài của chúng. Một quần thể hổ khỏe mạnh trải qua tỷ lệ tử vong hàng năm là 15-20% và với tỷ lệ sinh sản tương tự như mèo nhà, những cái chết sẽ nhanh chóng được bù đắp bằng những ca sinh nở mới.
Bởi vì những con hổ ăn thịt người tương đối hiếm, sẽ chỉ có một vài chục con cần phải bị tiêu diệt mỗi năm, nếu nó liên tục tấn công con người.
Loại bỏ những con hổ ăn thịt người là yếu tố quan trọng nhất để duy trì sự khoan dung của xã hội đối với hổ. Nhưng nó không phải là yêu cầu duy nhất. Ấn Độ cũng cần đảm bảo các gia đình bị hổ tấn công nhanh chóng được đền bù cho mất mát của họ.
Chính phủ từng đề nghị mức đền bù 500.000 rupee (khoảng 162 triệu VNĐ) cho tất cả những gia đình có nạn nhân bị hổ giết chết, gia súc của họ cũng được cấp lại. Nhưng họ không thực hiện nó một cách nghiêm túc.
Sau khi chồng của Gopamma bị giết chết, một quan chức địa phương đã nói rằng bà sẽ nhận được tiền bồi thường. Với lời hứa đó, bà đã vay nóng một khoản với lãi suất cắt cêt lên tới 60% để có tiền trang trải trước mắt.
Nhưng rồi một quan chức cấp cao hơn đã bác đề nghị đền bù, với lý do chồng bà đã xâm nhập trái phép vào trong khu vực bảo tồn. Cuối cùng Gopamma không hề nhận được một đồng đền bù nào.
"Tôi đã ngây thơ tin tưởng", bà nói. "Tôi đã hy vọng sẽ có được một số tiền bồi thường, nhưng vì tôi nghèo nên tôi phải chấp nhận số phận của mình. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực".
Trong một cuộc khảo sát tại 1.370 ngôi làng ở Western Ghats, Krithi Karanth cũng phát hiện chỉ có 31% số người bị thiệt hại do xung đột giữa người và động vật hoang dã được bồi thường.
Trong khi đó, ở nhiều vùng khác trên khắp Ấn Độ, những xung đột giữa người và hổ tiếp tục gây ra sự bất mãn. Người dân Ấn Độ bắt đầu không thích ý tưởng bảo tồn hổ.
Dựa trên kết quả khảo sát của chính phủ, Ullas tính toán rằng hổ chỉ còn sinh sống trên một diện tích chiếm từ 10 -15% trong số 300.000 km2 môi trường sống tiềm năng hiện có ở Ấn Độ. Và trong 20 năm qua, số lượng của chúng đã giảm xuống còn còn khoảng dưới 3.000 cá thể.
Ấn Độ đang ở một ngã tư đường, Ullas nói. Họ có thể thất bại trong việc bảo vệ số lượng hổ ít ỏi còn sót lại, hoặc trở thành một tấm gương bảo tồn động vật hoang dã thành công nhất cho thế giới, nếu có thể tăng quần thể hổ lên ngưỡng 10.000 thậm chí 15.000 con.
Là một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất thế giới, nhưng Ấn Độ hiện chỉ dành chưa đến 5% đất đai cho động vật hoang dã - so với 15% ở Mỹ và Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là vẫn có những không gian sống tiềm năng dành cho hổ.
Trong xu hướng đô thị hóa, khi ngày càng có nhiều người nông thôn chuyển lên thành phố, đó còn là một điều kiện thuận lợi hơn nữa. Và Ấn Độ cũng có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những tham vọng bảo tồn hổ của mình, chẳng hạn như hỗ trợ di dân để thành lập khu bảo tồn.
Trong quá khứ, Ấn Độ rõ ràng đã có một câu chuyện thành công. "Vào thập niên 1970, khi nhìn thấy con hổ cuối cùng bị bắn và đem diễu hành trên đường, tôi không bao giờ có thể đoán được rằng Ấn Độ sẽ một lần nữa có được những con hổ hoang dã", Ullas nói.
Bây giờ, họ đang có một lợi thế rất lớn, với một quần thể hổ lớn nhất thế giới. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng Ấn Độ sẽ giúp nhân loại bảo tồn được loài động vật quý hiếm này, chỉ cần họ giải được bài toán về những con hổ ăn thịt người. Nhưng có vẻ, đó vẫn là một bài toán khó.
Tham khảo BBC