Khoa học - Lịch sử 2014-02-01 03:34:23

những con ngựa "lừng lẫy" trong... thần thoại.


Pegasus - Thần thoại Hy Lạp

Pegasus có thể coi là con ngựa được mọi người nghĩ đến đầu tiên khi nói về ngựa thần. Pegasus có cánh như chim đại bàng, lông trắng muốt, là con của thần biển Poseidon và Medusa. Sau khi giúp đỡ người anh hùng Hy Lạp Bellerophon đánh bại quái vật Chimera, thần Zeus biến Pegasus thành một chòm sao trên bầu trời. Nó là một trong những sinh vật thần thoại nổi tiếng ở phương Tây và xuất hiện nhiều trong các bức tranh, thơ ca, sách báo và phim ảnh.
Sleipnir - Thần thoại Bắc Âu

Sleipnir có 8 chân, sở hữu sức mạnh vô song. Sleipnir còn có thể tới địa ngục Nifheim do nữ thần Hel cai quản. Hermod, con trai thần Odin, từng cưỡi sinh vật này xuống địa ngục để cứu anh trai Balder. Sleipnir được Odin xem là con ngựa vĩ đại nhất của loài ngựa.
Ngựa Uchchaihshravas - Đạo Hindu

Trong thần thoại Ấn Độ, Uchchaihshravas là một con ngựa có 7 đầu, trắng như tuyết, biết bay và xuất hiện vào giai đoạn Khuấy Biển Sữa (Churning of the Milk Ocean). Uchchaihshravas được coi là con ngựa tốt nhất, xuất hiện đầu tiên và là vua của các loài ngựa. Theo sử thi Mahabharata, Uchchaihshravas là thú cưỡi của Indra, vua của các vị thần, nhưng cũng có một số ghi chép cho rằng nó là thú cưỡi của vua quỷ Bali.
Al-Buraq - Đạo Hồi

Theo truyền thuyết của đạo Hồi, Al-Buraq là chiến mã, là phương tiện di chuyển của các nhà tiên tri. Cái tên Al-Buraq bắt nguồn từ tiếng Arab trong đó "buraq" có nghĩa là "tia chớp". Câu chuyện nổi tiếng nhất liên quan đến loài ngựa này được ghi chép trong kinh Quran. Nhà tiên tri Muhammad cùng với thiên thần Jibril (Grabiel) đã cưỡi chúng từ thánh địa Mecca tới Jerusalem, sau đó lên thiên đường chuyện trò với thánh Allah trong "Cuộc du hành ban đêm". Al-Buraq có lông màu trắng, đôi cánh mọc ở thân và đôi khi được mô tả mang khuôn mặt người
4 con ngựa trong Sách Khải huyền - Thần thoại Kito giáo

Chúng là biểu tượng của Sự chinh phục, Chiến tranh, Nạn đói và Cái chết. 4 con ngựa được nhắc đến trong Sách Khải huyền của Kito giáo như Phán xét cuối cùng về ngày tận thế. Chúng có màu sắc riêng biệt lần lượt là trắng, đỏ, đen và xanh xám hoặc xanh lá cây ánh vàng. Những con ngựa này trở thành nhân vật trung tâm trong Thuyết Mạt thế trong gần một thiên niên kỷ, đồng thời được biết đến là nhà tiên tri của tự nhiên.
Kanthaka - Thần thoại Phật giáo

Theo truyền thuyết dân gian, Kanthaka được mô tả "có chiều dài 18 cubit (1 cubit tương đương 45,72 cm) và chiều cao tương xứng… và bộ lông trắng". Đây là con ngựa yêu của Đức Phật Siddhartha Gautama. Đức Phật đã cưỡi trên lưng Kanthaka trốn khỏi cung điện của gia đình khi ông quyết định trở thành nhà tu hành. Sau khi chết, Kanthaka được tái sinh thành một học giả và tu luyện đạt được giác ngộ.
Đàn ngựa cái của Diomedes - Thần thoại Hy Lạp

4 con ngựa cái của Diomedes có tên gọi Podagros, Lampon, Xanthos và Deimos. Chúng rất hung bạo và thích ăn thịt người. Bắt giữ và thuần hóa đàn ngựa điên này là kỳ công thứ 8 trong số 12 kỳ công của Heracles. Người anh hùng trong thần thoại Hy Lạp đã hoàn thành nhiệm vụ bằng cách cho đàn ngựa ăn thịt chính chủ nhân của chúng. Ngoài việc là biểu tượng trong thần thoại Hy Lạp, đàn ngựa trên còn được cho là tổ tiên của Bucephalus, chiến mã của Alexander Đại đế.
Tulpar - Thần thoại Thổ Nhĩ Kỳ

"Tulpar" trong ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Trung Á cũng có nghĩa là "ngựa có cánh". Tulpar xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và thần thoại ở khu vực này. Một trong những truyền thuyết kể lại rằng, anh hùng dân gian người Tuvan, Oskus-ool, đã sử dụng những gì còn lại của con ngựa Tulpar yêu quý để tạo ra cây đàn violon đầu tiên.
Người ta tin rằng Tulpar là sự kết hợp mang tính biểu tượng giữa ngựa và chim săn mồi, hai loài vật thường được người dân Trung Á sử dụng trong săn bắt. Tulpar đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Á. Nó là biểu tượng trên quốc huy của Kazakhstan và Mông Cổ.
Chollima - Thần thoại Đông Á

Chollima (nghĩa là "thiên lý mã") là con ngựa thần với sải cánh rộng và có thể di chuyển 400 km một ngày. Chollima được miêu tả sinh động trong văn hóa các nước Đông Á như Triều Tiên, Nhật Bản. Tương truyền, loài ngựa này xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng thế kỷ III trước Công Nguyên, dưới triều đại nhà Tần. Ngày nay, Chollima là biểu tượng của sự tiến bộ và phát triển kinh tế ở Triều Tiên.
Nguyễn Tâm (theo Toptenz
 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)